Đừng coi thường khi trẻ em tăng huyết áp!

17:28 | 20/03/2018
Theo TS.BS Nguyễn Thu Hương, Trưởng Khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương, không chỉ người trưởng thành mới mắc bệnh tăng huyết áp mà trẻ em cũng có thể mắc phải căn bệnh nguy hiểm này.
dung coi thuong khi tre em tang huyet ap Đột quỵ rình rập người thường xuyên bị tăng huyết áp
dung coi thuong khi tre em tang huyet ap Ăn muối gấp đôi khuyến cáo, người Việt có nguy cơ mắc những loại bệnh nào?
dung coi thuong khi tre em tang huyet ap Kiểm soát huyết áp – Giải pháp ngăn ngừa đột quỵ

Khác với người lớn bị tăng huyết áp thường không rõ nguyên nhân, thì trẻ em, 95% số ca mắc là có nguyên nhân. Đáng lo ngại, việc chẩn đoán và điều trị bệnh tăng huyết áp cho trẻ em lại khó hơn người lớn và dễ bị bỏ sót.

Đơn cử như trường hợp của bé Linh Chi (7 tuổi, ở Cầu giấy, Hà Nội), từ nhỏ cháu bé đã mắc chứng suy thận mãn, dẫn tới tăng huyết áp. Tiền sử bệnh, khi mới sinh ra bệnh nhi sinh thiếu tháng, thiếu máu khi sinh và còn thiệt thòi khi bị khuyết tật về nghe và nói.

Chia sẻ với phóng viên, bác sĩ Hương cho biết, bệnh lý của bé Linh Chi là một trong những nguyên nhân điển hình dẫn đến tăng huyết áp ở trẻ. Không chỉ riêng trường hợp này, bệnh viện đã từng tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhi chỉ mới vài tháng tuổi đã bị tăng huyết áp do các bệnh lý về tim mạch, thận bẩm sinh.

dung coi thuong khi tre em tang huyet ap
Trẻ em cũng có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp.

Khác với người lớn, trong số những trẻ em bị tăng huyết áp thì 95% có nguyên nhân, 5% không rõ nguyên nhân. Điển hình như trường hợp bệnh nhi Nguyễn Hồ Hoàng (7 tuổi, ở Hà Nội), nhập viện do bị lồng ruột, nhưng khi điều trị khỏi, bác sĩ phát hiện cháu bé bị tăng huyết áp không rõ nguyên nhân, phải đeo máy đo 24/24 để theo dõi. Mẹ bệnh nhi cho biết, ông bà của cháu bé có tiền sử bị tăng huyết áp, tuy nhiên, gia đình không hề nghĩ con gái mình mới 7 tuổi đã mắc phải bệnh này.

Theo bác sĩ Hương phân tích, về nguyên nhân tăng huyết áp ở trẻ, 90% là nguyên nhân các bệnh lý từ thận như: Suy thận mãn tính giai đoạn cuối, lupus ban đỏ có tổn thương ở thận viêm cầu thận, loạn sản thận bẩm sinh, bệnh lý thận trào ngược, tổn thương thận sau xạ trị; Bệnh lý về thần kinh: tăng áp lực nội sọ, xuất huyết nội sọ, tổn thương não tồn dư; Bệnh lý về nội tiết: cường giáp, u tủy thượng thận…Cũng tại Khoa Thận – lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương đã từng điều trị cho những bệnh nhân chỉ mới vài tháng tuổi đã mắc tăng huyết áp do bệnh lý hẹp động mạch thận bẩm sinh rất nguy hiểm.

Bên cạnh đó, việc sử dụng một số loại thuốc như: Corticoid, Prednison… trong quá trình điều trị hội chứng thận hư cũng gây ra bệnh tăng huyết áp ở trẻ. “Bởi vậy, ở một số bệnh, khi điều trị được nguyên nhân gây biểu hiện tăng huyết áp (như hẹp động mạch thận, viêm cầu thận cấp…), thì huyết áp sẽ giảm, từ đó giảm các biến chứng do tăng huyết áp gây ra. Tuy nhiên, không phải bệnh nào về thận cũng có thể điều trị được dứt điểm trong thời gian ngắn. Do đó, nhiều bệnh nhi vừa phải dùng thuốc Prednision kéo dài gây tăng huyết áp để điều trị bệnh chính, vừa phải dùng thuốc hạ huyết áp.

Ngoài nguyên nhân về bệnh lý, tình trạng thừa cân béo phì đang gia tăng cũng là một trong những yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp ở trẻ nhỏ. Theo các chuyên gia y tế, hiện nay số lượng trẻ em mắc bệnh tăng huyết áp nguyên nhân có chiều hướng gia tăng do lối sống, các sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng không hợp lý.

Trẻ em hiện nay thích ăn đồ ăn nhanh, ăn vặt, uống nhiều nước ngọt…lại lười vận động cũng khiến trẻ dễ bị tăng huyết áp hơn. Theo các bác sĩ phân tích, trẻ béo phì dẫn đến đề kháng insulin, thay đổi hoạt động mạch máu, tăng hoạt hóa hệ giao cảm…khiến cơ thể tích tụ muối và gây tăng huyết áp. Ngoài ra, việc học hành căng thẳng, mất ngủ, áp lực học tập khiến trẻ bị stress, dậy thì sớm…cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ mắc phải bệnh tăng huyết áp.

Theo bác sĩ Hương, nếu muốn có chỉ số huyết áp chuẩn, phải cho trẻ nghỉ ngơi ít nhất 5 phút trước khi đo và phải đo nhiều lần. Tuy nhiên, trẻ nhỏ thường không phối hợp nên khó đo huyết áp. Hơn nữa, huyết áp ở trẻ phụ thuộc vào chiều cao, độ tuổi và giới tính nên bác sĩ phải căn cứ vào bảng tham chiếu mới cho ra kết luận chính xác được. Đó là một số lý do, khiến một số bệnh nhi bị tăng huyết áp thường bị bỏ sót.

Trong khi đó, nếu không được phát hiện sớm và kiểm soát tăng huyết áp sẽ ảnh hưởng nghiêm trong đến sức khỏe và tương lai của trẻ. Bởi vậy, bác sĩ Hương khuyến cáo để phòng bệnh tăng huyết áp ở trẻ, cha mẹ cần tập cho con thói quen ăn nhạt, ăn tăng cường trái cây và rau xanh, tuyệt đối không để trẻ xem ti vi, điện thoại nhiều giờ liên tục.

Đặc biệt, với những trẻ dưới 3 tuổi trong những trường hợp sau cần được kiểm tra huyết áp định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ như: trẻ đẻ non, cân nặng thấp khi sinh, bệnh tim bẩm sinh, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, trẻ có bất thường ở hệ thống thận tiết niệu, gia đình có tiền sử bệnh thận bẩm sinh; trẻ bị bệnh ác tính mà các bác sĩ chỉ định phải dùng thuốc ức chế miễn dịch, những thuốc có thể gây ra tình trạng tăng huyết áp, có biểu hiện tăng áp lực nội sọ… “Ngoài ra, huyết áp của trẻ em thay đổi theo tuổi và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố.

Do đó, khi các bậc phụ huynh thấy trẻ có những triệu chứng của tăng huyết áp như: đỏ mặt, nhức đầu, nôn ói, co giật, hoặc nằm trong nhóm béo phì, dậy thì sớm, rối loạn giấc ngủ… thì cần đưa trẻ đi khám sớm, theo dõi huyết áp để tránh bỏ sót bệnh”, bác sĩ Hương cho biết thêm.

Nguyễn Minh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này