Cũng đáng lắm!

11:45 | 20/03/2018
- Theo chú, văn hóa từ chức là gì? - Gớm, tự nhiên bác lại nhắc đến chuyện “từ chức” làm gì. Chuyện chả mới mà cũng chả cũ.
cung dang lam Phí thời gian bàn chuyện lãng phí
cung dang lam Đề cao trách nhiệm
cung dang lam Nói căng cũng phải!

- Là vì tuần rồi có mấy cái từ chức, tớ thấy chút cay cay.

- Cụ thể là anh nào từ chức?

- Thì đấy, cái anh phó quận dẹp vỉa hè và anh hiệu trưởng có phụ huynh bắt cô giáo quỳ ấy.

- À, ra vậy. Bác đã muốn bàn thì em “hầu” bác vậy.Văn hóa từ chức là một văn hoá chính trị, văn hoá ứng xử dựa trên lương tri, khi những người lãnh đạo thấy mình có thiếu sót, khuyết điểm, hay nói cách khác là không còn xứng đáng đảm nhận được nhiệm vụ thì họ sẽ từ chức. Văn hóa từ chức cho thấy sự hiểu biết về bổn phận, và trách nhiệm của người nắm giữ chức vụ.

-Chú nói vậy, thì cái xin từ chức của anh phó quận cũng đậm chất văn hóa chính trị lắm. Quyết tâm cải cách vỉa hè, dưng do còn nhiều rào cản (nghĩa là yếu tố khách quan nhé) mà không thực hiện được lời hứa với nhân dân mà xin từ chức, cũng “đáng mặt” lắm.

-Theo em, trường hợp xin từ chức của anh phó quận là một trong những biểu hiện sinh động, cụ thể và thiết thực nhất về một nền chính trị văn minh dựa trên phẩm giá, lòng tự trọng và bản lĩnh của những nhà lãnh đạo thực sự có tâm huyết và đầy dũng khí.

-Điều này thì rõ quá rồi. Chính thế nên tớ mới nói có “chút cay cay”, nghe đâu, cũng chính vì thế mà lời xin từ chức của anh này còn đang phải xem xét, thấu lý đạt tình.

-Anh này vì trọng danh dự, trọng lời hứa mà xin từ chức, chứ ai cũng hiểu một hiện tượng đã ăn sâu bám rễ như lấn chiếm vỉa hè, lại đụng chạm đến quyền lợi của nhiều thế lực như thế, dễ gì mà dẹp ngay được. Vì thế cũng cần xem xét là phải.

-Ở một khía cạnh khác, lời xin từ chức của ông hiệu trưởng để giáo viên của mình phải quỳ gối trước phụ huynh học sinh, lại cho ta thấy một sự ám ảnh lương tâm khác.

-Đúng thế mà bác, sau khi sự việc được lan truyền rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng, ai xem cũng thấy căm phẫn. Căm phẫn kẻ mang danh PHHS mà lại có thái độ nhục mạ người thầy như thế; căm phẫn bởi ông hiệu trưởng đã không biết dùng quyền năng của mình để bảo vệ danh dự của giáo viên; và phần nào đó vừa thương mà cũng giận cô giáo đã không tự trân trọng danh dự của mình, dễ dàng quỳ gối trước những điều vô lương như thế.

-Có phải vì thế mà sau buổi họp kiểm điểm về vụ việc này, ông hiệu trưởng đã xin từ chức? Vì ông không chịu nổi sức ép của “búa rìu” dư luận hay thấy mình có thiếu sót, khuyết điểm, hay nói cách khác là không còn xứng đáng đảm nhận được nhiệm vụ mà từ chức.

-Cho dù vì bất cứ lý do gì thì cái sự “xin từ chức” của ông hiệu trưởng cũng rất đáng khen. Bởi cái chức hiệu trưởng thật không dễ dàng vứt bỏ nếu như không có chút dũng khí của lòng tự trọng.

-Nói như vậy thì cái từ chức của anh phó quận phải đáng khâm phục. rũ bỏ chức danh hiệu trưởng đã khó, rũ bỏ chức danh phó một quận sầm uất nhất nước chắc càng khó hơn.

-Chính vì thế tớ mới muốn bàn với chú về “văn hóa từ chức”. Khi mà chuyện từ chức trở nên bình thường như khái niệm của nó, thì khi ấy sẽ có một nền kỹ trị văn minh, quyền lợi tối cao thuộc về tập thể.

-Để làm được điều này không phải dễ, trong thực tiễn vẫn còn rất nhiều người giữ cương vị này, cương vị khác, để xảy ra nhiều khuyết điểm, sai phạm, thậm chí nghiêm trọng, dư luận và công luận kêu gọi “từ chức”, mà vẫn tham quyền cố vị, vô liêm sĩ, sẵn sàng giữ địa vị bằng mọi giá, chà đạp lên dư luận xã hội chỉ để duy trì quyền lực của mình.

-Cùng với “tham quyền cố vị” là đùn đẩy trách nhiệm, kiểu cá nhân phụ trách dưng khi có khuyết điểm, trách nhiệm là của tập thể, cốt làm sao để “giữ ghế” cho chắc.

-Thế nên nếu như cái “văn hóa từ chức” trở thành bình thường thì rõ ràng sẽ bớt được rất nhiều hệ lụy buồn.

-Xem ra ta xới lại cái anh “từ chức” cũng đáng lắm!

Thiện Tâm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này