Lý Sơn - báu vật thiên nhiên giữa biển xanh

Kỳ cuối: Sức sống mới trên đảo tiền tiêu

10:49 | 08/03/2018
Hòa cùng nhịp đập với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương, Lý Sơn ngày nay đang như một thanh niên cường tráng vươn mình trỗi dậy. Dẫu vẫn còn nhiều bộn bề, dẫu cơ sở hạ tầng so với đất liền vẫn còn là một khoảng cách… thế nhưng, những chuyến tàu từ cảng Sa Kỳ ra Lý Sơn, vẫn đều đặn nhịp nhàng mang theo hy vọng về một vùng đất mới của ước mơ và khao khát đầy màu sắc.
tin nhap 20180308102911 Kỳ 2: Quê hương hải đội Hoàng Sa, Trường Sa
tin nhap 20180308102911 Kỳ 1: Quyến rũ giữa muôn trùng sóng vỗ

Đảo tiền tiêu giàu tiềm năng

Ngày 1.1.1993, huyện Lý Sơn chính thức được thành lập. Sau 21 năm xây dựng và phát triển, Lý Sơn ngày càng khởi sắc. Đến nay, các công trình có quy mô lớn đã từng bước được đầu tư như cảng biển, vũng neo trú tàu thuyền, kè chống sạt lở bờ biển quanh đảo, mạng lưới đường giao thông, bệnh viện, trường học và một số dự án quan trọng khác…

Hiện huyện đảo Lý Sơn có diện tích rộng hơn 1.000ha nhưng dân số khoảng 22 nghìn người. Do diện tích sản xuất không thể mở mang, nông dân huyện Lý Sơn đã xen canh hai loại cây trồng chủ lực là cây tỏi và hành với bắp, dưa hấu, đậu xanh, mè… thực hiện gối vụ, nâng hệ số quay vòng của đất từ 3-4 lần. Cùng với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên giá trị sản xuất ngành trồng trọt bình quân 1ha đất canh tác đạt đến 328 triệu đồng/năm.

tin nhap 20180308102911
Sau những ngày vui xuân đón Tết, bà con nông dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi lại tất bật ra đồng chăm sóc vụ tỏi đông xuân.

Tận dụng lợi thế là huyện đảo tiền tiêu, Lý Sơn có nhiều điều kiện thuận lợi trong lĩnh vực khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên biển (chiếm 37.72%). Theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của UBND huyện Lý Sơn, chỉ tính riêng năm 2017, tỷ trọng về nông lâm và ngư nghiệp chiếm 52,64% trong tổng cơ cấu các ngành kinh tế của huyện. Trong đó, toàn huyện có tổng số 529 chiếc tầu thuyền được đăng ký với tổng công suất 68.706 CV (tăng 113 % so với năm 2013). Báo cáo của huyện cũng cho thấy tỷ trọng về nông lâm và ngư nghiệp chiếm 52,64% trong tổng cơ cấu các ngành kinh tế của huyện,, trong đó, sản lượng khai thác hải sản đạt 36.123 tấn với giá trị ước đạt 711.036 triệu đồng.

Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, nếu trước kia, mức độ đóng góp vào “giỏ GDP” có thứ tự là ngư nghiệp, nông nghiệp rồi mới đến dịch vụ du lịch, thì nay vị trí thứ ba đã vươn lên thứ hai. Ngày này, hệ thống thương mại, dịch vụ, du lịch trên đảo Lý Sơn đã đang và sẽ ngày càng mở rộng và phát triển. Hiện tại, về cơ bản hàng hóa lưu thông đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân cùng khách du lịch thập phương. Nhiều loại hình dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, phương tiện phục vụ đưa đón khách tham quan du lịch từng bước được đầu tư.

Có lẽ, chính nhờ sự chuẩn bị kỹ càng ngày mà vài năm trở lại đây lượng khách du lịch thời gian gần đây tìm đến đảo Lý Sơn ngày càng nhiều. Số liệu thống kê của ngành chức năng cho thấy, tính riêng trong năm 2017, đã có 206.200 lượt khách thập phương ra đảo thăm quan, tìm hiểu, khám phá về mảnh đất được mệnh danh là “Vương quốc tỏi”, “Quê hương đội Hùng binh Hoàng Sa” này.

Trong thời gian tới, để khai thác hiệu quả lợi thế về du lịch, dịch vụ, huyện đảo Lý Sơn cũng đã xây dựng nhiều chương trình khuyến khích và tạo điều kiện để các nhà đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ “ngành công nghiệp không khói” và vận động nhân dân tham gia mua ca-nô làm dịch vụ chở khách. Chính quyền huyện đảo Lý Sơn cũng đã tích cực tuyên truyền cho bà con nhận thức về lợi thế của du lịch sinh thái biển, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế vứt rác bừa bãi, không xả nước thải ra đường, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.

Chính nhờ sự chuẩn bị chu đáo này, mà theo bà Phạm Thị Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, đến nay tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đảo bình quân hằng năm đều đạt sấp xỉ 10%. Tính riêng năm 2017, tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện đạt gần 1.491.295 triệu đồng, tăng 9,89% so với năm 2016. Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 tính theo giá thực tế đạt 25,7 triệu đồng/ người/ năm, tăng 3,4 triệu đồng/ người/ năm so với năm 2016.

Phát triển toàn diện trong tương lai

Mặc dù luôn có bước phát triển và tăng trưởng trong những năm qua, nhưng theo vị nữ chủ tịch huyện đảo Lý Sơn, việc phát triển KT-XH của huyện đảo Lý Sơn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Người dân trên đảo thường đối mặt với những khó khăn như việc tăng giá của một số mặt hàng thiết yếu trong mùa mưa bão… Nguyên nhân chính là bởi các ngành sản xuất phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, nhất là những diễn biến bất thường về thời tiết. Kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển còn yếu kém, chưa đồng bộ. Thế mạnh là phát triển thủy sản nhưng phần lớn số tàu thuyền của huyện có công suất chưa cao, khả năng đánh bắt xa bờ còn hạn chế, kết cấu hạ tầng nghề cá và khu neo đậu chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.

Chính vì thế, “Đề án xây dựng huyện đảo Lý Sơn mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng, an ninh”, được UBND tỉnh xây dựng, đề xuất những cơ chế, chính sách đặc thù. Theo UBND tỉnh, tổng nhu cầu vốn đầu tư để phát triển KT-XH của huyện đảo Lý Sơn từ nay đến năm 2020 ước khoảng 6.700 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương và của tỉnh khoảng 4.025 tỷ đồng, vốn huy động từ các doanh nghiệp và dân cư khoảng 2.680 tỷ đồng.

Nguồn vốn này chủ yếu là để đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng quan trọng thiết yếu như, đường giao thông, các tuyến đê kè biển chống sạt lở, vũng neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão, các cảng vận tải hành khách và công trình quốc phòng. UBND tỉnh cũng đã đưa ra 41 danh mục dự án đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2014 - 2020 và 14 danh mục dự án kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp và dân cư. Trong đó, có các dự án có số vốn đầu tư lớn như các tuyến đê kè (hơn 613 tỷ đồng), cải tạo nâng cấp sân bay tại đảo Lớn và đảo Bé (500 tỷ đồng), cảng Bến Đình (220 tỷ đồng), các công trình phục vụ cho du lịch (2.280 tỷ đồng)...

Trước mắt, để thực hiện mục tiêu đưa thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 27,5 triệu đồng/ người/ năm, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương, huyện sẽ tập trung vào 8 giải pháp cơ bản, chủ yếu, đó là. Tập trung đầu tư có trọng tâm, tránh phân phán, ưu tiên đầu tư các lĩnh vực phát triển kinh té biển như đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và hậu cần nghề cá. Áp dụng tiến bộ khoa học trong nông nghiệp, đa dạng hóa các loại hình du lịch nhằm tạo bước chuyển biến để phát triển kinh tế - xã hội nhanh theo hướng bền vững…

Cũng phải nói thêm rằng, điều mà vị nữ chủ tịch huyện đảo tiền tiêu vẫn tâm đắc nhất, đó là Lý Sơn ngày nay đã không còn quá xa sội, mặc dù khoảng cách về địa lý thì vẫn vậy nhưng sợi cáp điện ngầm vượt biển tới Lý Sơn đã thay đổi cả cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội và bộ mặt nông thôn của huyện đảo. Hơn thế, khoảng cách về thông tin, về cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của người dân Lý Sơn mỗi lúc một thu hẹp hơn ngay cả khi so với đất liền.

Với việc hệ thống viễn thông được phát triển mạnh mẽ, công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi… đã giúp cho việc đưa chính quyền điện tử theo sát với tiến trình cải cách của Chính phủ. Để nhờ đó, khoảng cách giữa chính quyền và người dân trên đảo, thông qua các thủ tục hành chính, đã được lấp đi đáng kể.

Phải khẳng định rằng, trong những năm tới, “diện mạo” Lý Sơn vẫn sẽ còn thay đổi nhiều, tuy nhiên, khi tầm nhìn cao hơn, yêu cầu cũng cao hơn, nhất là trong bối cảnh cơ hội đến với Lý Sơn quá nhanh và bất ngờ khiến cho hòn đảo tiền tiêu này gặp phải vô vàn thách thức. Rõ rằng, Lý Sơn vẫn cần sự chuẩn bị kỹ càng hơn nữa để bước vào chặng đường sắp tới, với kỳ vọng về một vùng đất mới của ước mơ và khao khát đầy màu sắc.

Anh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này