Vấn nạn buôn người - không thể mãi lộng hành

Kỳ 2: Quan trọng sự phối hợp

10:41 | 08/03/2018
Với những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của các loại tội phạm buôn bán người trong những năm qua, có thể thấy vấn nạn buôn người tại Việt Nam đang diễn biến hết sức phức tạp. Vấn nạn đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
ky 2 quan trong su phoi hop Kỳ 1: Diễn biến phức tạp

Việt Nam nằm ở khu vực Đông Nam Á, có biên giới tiếp giáp 3 nước Lào, Campuchia và Trung Quốc, mật độ dân cư thưa thớt, phần nhiều là dân tộc thiểu số.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động của tội phạm mua bán người và tạo ra nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm này. Hầu hết các nạn nhân đều tập trung ở khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, các tỉnh tiếp giáp biên giới, là những người thiếu việc làm hoặc việc làm không ổn định.

ky 2 quan trong su phoi hop
Một nghi phạm buôn người được nhà chức trách phía Trung Quốc bàn giao cho lực lượng chức năng của Việt Nam. (ảnh: dantri)

Với trình độ văn hóa thấp, ít hiểu biết nên các đối tượng này dễ trở thành nạn nhân của những vụ mua bán người ra nước ngoài. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước nói chung chưa theo kịp sự phát triển và thay đổi của nền kinh tế mở, hội nhập quốc tế. Công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, đặc biệt là các ngành, nghề kinh doanh, dịch vụ như hoạt động môi giới nuôi con nuôi, hỗ trợ kết hôn, giới thiệu việc làm, đưa người đi lao động hoặc du lịch ở nước ngoài, kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ… có lúc, có nơi bị buông lỏng.

Ngoài ra, do ảnh hưởng, tác động và sự móc nối của tội phạm quốc tế, nhiều đối tượng phạm tội đã coi hoạt động tội phạm là một “nghề” kiếm sống và làm giàu bất hợp pháp. Trong đó, lợi dụng vị trí địa lý, hội nhập quốc tế để tổ chức mua bán người xuyên quốc gia đang ngày càng được tội phạm quan tâm. Trong khi đó, công tác tuyên truyền để mọi người dân, đặc biệt là đối với nhóm phụ nữ, trẻ em có nguy cơ cao để nâng cao ý thức chủ động phòng ngừa và khả năng tự bảo vệ còn yếu.

Việc điều tra, truy tố, thu thập chứng cứ về bọn tội phạm còn gặp nhiều khó khăn do tính chất, thủ đoạn và phạm vi hoạt động của loại tội phạm này rất phức tạp, do đó, nhiều kẻ buôn người chưa bị phát hiện, trừng trị thích đáng cũng là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của tệ nạn này.

Qua thực tế cho thấy, nạn nhân phần lớn từ các tỉnh, thành phố phía Bắc và một số tỉnh miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên bị đưa lên các tỉnh biên giới phía Bắc bán sang Trung Quốc với mục đích làm mại dâm, lấy chồng, hoặc bóc lột sức lao động. Lấy Điện Biên làm một ví dụ điển hình. Trong năm 2017, thực trạng mua bán người vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Mặc dù đã chủ động làm tốt công tác phòng ngừa, tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người song do tâm lý nhẹ dạ, cả tin, một phần do tác động của phong tục, tập quán dân tộc, cuộc sống khó khăn nên số nạn nhân bị mua bán vẫn còn nhiều, tập trung tại các huyện Mường Chà, Điện Biên Đông, Mường nhé, Nậm Pồ... Phạm vi của các vụ mua bán chủ yếu là sang Trung Quốc.

Lý giải về tình trạng trên, theo các lực lượng chức năng tỉnh Điện Biên: Phương thức, thủ đoạn các đối tượng phạm tội sử dụng trên địa bàn phổ biến vẫn là lợi dụng trình độ dân trí thấp, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn để lừa gạt các nạn nhân dưới danh nghĩa giúp họ tìm việc làm thu nhập cao, đi thăm thân, du lịch hoặc tìm cách tiếp cận, làm quen, giả vờ yêu đương, sau đó lừa nạn nhân đi khỏi địa bàn rồi đưa nạn nhân qua biên giới bán cho các đối tượng người Trung Quốc lấy làm vợ hoặc ép làm gái mại dâm.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, các đối tượng đã lợi dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo làm quen với nạn nhân. Do tính bảo mật cao, khó bị phát hiện cũng như đảm bảo được bí mật về thông tin cá nhân, đặc điểm nhận dạng... nên xu hướng tiếp cận này được các đối tượng phạm tội sử dụng ngày càng nhiều.

Điều này khiến công tác phát hiện, phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn của các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, có vụ đối tượng phạm tội còn thể hiện tính chất manh động, liều lĩnh khi xông vào nhà khống chế người thân để chiếm đoạt trẻ em đưa đi bán, điển hình như vụ mua bán, chiếm đoạt trẻ em xảy ra vào tháng 6/2017 tại địa bàn huyện Mường Nhé khiến công tác phòng ngừa, đấu tranh và phòng, chống tội phạm mua bán người gặp rất nhiều khó khăn…

Trao đổi với phóng viên Lao động Thủ đô, luật sư Trịnh Nam Ninh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) chia sẻ: Nguyên nhân khiến thực trạng mua bán người không có dấu hiệu suy giảm chủ yếu là do sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể nhiều nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa đồng đều. Các biện pháp phòng ngừa xã hội hiệu quả thấp; công tác truyền thông, phổ biến và giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người còn dàn trải và hình thức, chưa tập trung.

Bên cạnh đó, công tác tiếp nhận, xác minh và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về còn chậm, chủ yếu hỗ trợ nạn nhân thông qua giải cứu hoặc trao trả; hệ thống văn bản pháp luật còn nhiều bất cập. Phong trào toàn dân phòng, chống tội phạm mua bán người ở cơ sở chưa rộng khắp.Ngoài ra, ý thức tự bảo vệ của một bộ phận người dân chưa được coi trọng, một bộ phận không nhỏ người dân chủ quan để các đối tượng lợi dụng sơ hở thực hiện hành vi phạm tội.

H.Duy (còn nữa)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này