Xuân về trên những cánh sóng

Kỳ 1: Xuân ấm no trên xã đảo Bản Sen

15:02 | 20/02/2018
Những ngày đầu năm 2018, con tàu Hải quân mang số hiệu 285 đưa chúng tôi cùng đoàn công tác của Bộ tư lệnh Vùng 1 Hải quân vượt sóng tới thăm, tặng quà và chúc tết các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ và nhân dân tại xã đảo Bản Sen (Vân Đồn, Quảng Ninh). Ở đó chúng tôi đã được hòa chung không khí hân hoan đón năm mới Xuân Mậu Tuất cùng quân, dân xã đảo và quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm mới của những người lính canh biển.
ky 1 xuan am no tren xa dao ban sen Hành quân mang xuân lên với cán bộ, chiến sĩ trạm Rada 485
ky 1 xuan am no tren xa dao ban sen Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân: Thăm, tặng quà Tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tuyến đảo Đông Bắc

Tại xã đảo bản Sen, ngoài nhiệm vụ chính trị thì cán bộ, chiến sĩ tại Trạm Rada 485 luôn giúp đỡ và trở thành chỗ dựa vững chắc cho người dân. Trên đảo nhân dân và bộ đội Trạm Rada rất thân thiết, ra đường gặp nhau là tay bắt mặt mừng như người trong nhà. Hỏi dân mới biết rất nhiều các hoạt động xã hội từ thiện, giúp dân trong xã đều có sự tham gia nhiệt tình của cán bộ và chiến sĩ trong Trạm Rada. Người lính hải quân luôn coi đó như là trách nhiệm của chính mình.

ky 1 xuan am no tren xa dao ban sen
Bộ Tư lệnh vùng 1 Hải quân thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên xã đảo Bản Sen.

Cũng bởi vậy, từ một xã nghèo, những năm gần đây, kinh tế - xã hội ở xã đảo Bản Sen không ngừng phát triển, đời sống của các hộ dân cũng dần ấm no. Đi dọc tuyến đường Bản Sen đã được bê tông rộng rãi, chúng tôi rất bất ngờ bởi ở ngoài đảo xa mà hệ thống các công trình trụ sở làm việc của Đảng ủy – HĐND – UBND, trạm y tế, trường học ở đây… đều được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang. Nhà ở dân cư trong xã cũng hầu hết đã được xây dựng kiên cố, trong đó có nhiều nhà xây mái bằng, cao tầng.

Theo ông Lê Hồng Phương - Chủ tịch UBND xã đảo Bản Sen thông tin: Trên đảo Bản Sen có nước ngọt, địa hình tương đối bằng phẳng nên từ lâu đã có cư dân ra sinh sống. Xã Bản Sen có 6 thôn, gồm: Bản Sen, Đồng Gianh, Nà Sắn, Nà Na, Đông Lĩnh, Điền Xá. Trong đó, hơn 90% là người dân tộc kinh, còn lại là các dân tộc ít người như: Hoa, Tày, Nùng, Mường, Sán Dìu, Dao. Người dân trong xã chủ yếu cấy lúa, nuôi lợn, trâu, trồng cam, chè, mở dịch vụ buôn bán nhỏ, nuôi sò, hàu và làm nghề đi biển.

Riêng đối với nghề đi biển, lãnh đạo xã Bản Sen đã tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn xã nhất là các chủ nhà bè chú trọng việc nuôi thả bảo vệ môi trường nước, đảm bảo không bị ôi nhiễm nguồn nước nuôi trồng thủy hải sản, ôi nhiễm biển.

Hiện nay, trên toàn xã có tất cả 103 hộ nuôi trồng thủy hải sản, với tổng diện tích nuôi trồng toàn xã đạt 103ha. Trong đó, chủ yếu nuôi trồng các loài nhuyễn thể như: hàu, ngao, tu hài với số lượng lớn như: 950,600 lồng nuôi tu hài và ngao, 2655 bè nuôi hàu…Trong năm sản lượng khai thác Thủy sản trên địa bàn xã đạt 2.900 tấn, tăng 795 tấn, và đạt trên 137% so với cùng kỳ năm 2016. Sự phát triển của ngành thủy sản, đã góp phần thúc đẩy kinh tế của xã đảo Bản Sen ngày một phát triển.

“Sự phát triển tại xã đảo Bản Sen ngày nay, là có sự đóng góp không nhỏ của người dân đến từ nhiều nơi như: Hải Dương, Thái Bình, Nam định… đang sinh sống trên đảo. Họ là những người giàu kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi rất giỏi và tích cực hỗ trợ, giúp đỡ những hộ dân khác trên đảo cùng tiến bộ”, ông Phương nhấn mạnh.

ky 1 xuan am no tren xa dao ban sen
Vợ chồng ông Phạm Văn Đạt đang chuẩn bị lồng để nuôi ngao.

Theo chỉ dẫn của một cán bộ xã, chúng tôi đến thăm gia đình ông Phạm Văn Đạt, 52 tuổi (quê Thái Thụy, Thái Bình), ra đảo sinh sống được 25 năm thì đã có 21 năm làm Chủ tịch Hội nông dân xã. Được biết, những năm ra Bản Sen làm thuê, thấy điều kiện kinh tế phát triển, đất rộng, nên ông Đạt đã đầu tư mua đất xây nhà và đưa vợ ra sinh sống. Hiện ông đã có 2 người con và điều kiện kinh tế gia đình cũng rất khá giả.

Chia sẻ với phóng viên, ông Đạt cho biết: “Khi tôi quyết định ra đảo sinh sống, gia đình thấy đi xa nơi đất khách quê người cũng thương, nhưng vẫn ủng hộ cho đi làm kinh tế. 25 năm sinh sống tại đảo, tôi cảm nhận cuộc sống ở đây dễ chịu hơn ở quê, vì ở đây gia đình tôi có điều kiện làm kinh tế tốt hơn. Hiện tại, gia đình tôi ngoài nuôi trồng thủy sản, cũng nhận được mấy chục ha rừng để trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ… trung bình một tháng cũng thu nhập khoảng 20 triệu đồng".

Tâm sự của ông Đạt cũng là tâm sự chung của nhiều người dân trên đảo. “Ngày trước cứ 29, 30 Tết mới có thịt treo trong nhà, chứ bây giờ thịt trong nhà lúc nào cũng có. Lợn, gà, cá, rau xanh có đủ cả. Cứ mỗi năm trôi qua, bà con trong xã lại đón Tết ấm no, hạnh phúc hơn”, ông Đạt cho biết thêm.

Đặc biệt, về cơ sở vật chất, đường xá, trường học, trạm y tế trên đảo đều được đảm bảo. Ngay từ năm 2008, xã đảo Bản Sen đã được nhà nước đầu tư xây trạm xá kháng trang. Cán bộ y tế tuy ít người, nhưng thái độ phục vụ khám chữa bệnh, giúp đỡ nhân dân rất nhiệt tình. Bởi vậy người dân trên đảo rất yên tâm sinh sống và làm kinh tế.

Đại úy Đỗ Văn Đệ, 41 tuổi, phụ trách Quân y Trạm Rada 485 cho biết: Tại xãđảo Bản Sen, Quân dân y cùng kết hợp làm tốt công tác y tế chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Hằng năm, ngoài công tác khám chữa bệnh, chúng tôi vẫn tổ chức tuyên truyền cho nhân dân phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, vệ sinh an toàn thực phẩm…nhờ làm tốt công tác dự phòng, nên trong năm vừa qua dù trong đất liền rất nhiều người mắc sốt xuất huyết, nhưng ngoài đảo không có một trường hợp nào mắc phải căn bệnh nguy hiểm này.

Với đặc thù tại xã đảo Bản Sen, người dân chủ yếu làm kinh tế nuôi trồng, đánh bắt hải sản, nên thường bị tai nạn khi đi biển, những nhờ có sự kết hợp giữa quân, dân y trên đảo nên sức khỏe của người dân luôn được đảm bảo.

Kỳ 2: Thi gói bánh chưng xanh - Lưu giữ hương vị Tết truyền thống của dân tộc

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này