Ngày Tết nhắc nhớ công lao người thầy

21:06 | 17/02/2018
Truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc không chỉ được thể hiện trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 mà trong những ngày đầu xuân, năm mới, công lao của người thầy cũng được nhắc nhớ qua câu “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”.
ngay tet nhac nho cong lao nguoi thay Ngành giáo dục vẫn có những vấn đề làm "nóng" dư luận
ngay tet nhac nho cong lao nguoi thay Thiết thực chăm lo Tết cho các giáo viên vùng khó khăn
ngay tet nhac nho cong lao nguoi thay Một số chính sách mới của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 2/2018

Từ xưa đến nay, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, người Việt Nam dù đi đâu cũng đều mong muốn được trở về sum họp cùng gia đình, bạn bè và những người thân yêu. Mỗi người đều dành riêng khoảng thời gian quý báu của những ngày đầu năm mới cho gia đình và cho những người thầy, cô giáo đã dìu dắt, dạy dỗ, đưa lớp lớp học trò vững bước trên con đường chiếm lĩnh tri thức nhân loại. Chính vì thế, người xưa đã có câu “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”.

ngay tet nhac nho cong lao nguoi thay
Ảnh minh họa (nguồn ảnh Dân trí)

Trong những ngày đầu năm mới, sau khi đã vẹn tròn chữ hiếu, vẹn tròn đạo làm con với đấng sinh thành, hai bên nội ngoại, đến ngày mùng ba tết, người Việt lại đến thăm hỏi, chúc tết những người thầy đã từng dạy dỗ, dìu dắt, đưa lớp lớp học trò qua biết bao chuyến đò tri thức. Đối với những lứa học trò đã trưởng thành, ngày mùng ba tết thầy chính là dịp để các thế hệ thầy, trò cùng nhau ôn lại những kỷ niệm thủa học trò.

Anh Nguyễn Minh Trí (Trực Ninh, Nam Định) chia sẻ: “Từ ngày ra trường, do đặc thù công việc phải làm xa nhà nên tôi ít có dịp được gặp lại các thầy, cô giáo đã từng dạy dỗ mình. Nhiều khi, ngay cả dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi cũng không sắp xếp được thời gian về thăm các thầy, cô. Do đó, trong những ngày đầu xuân năm mới là khoảng thời gian được tạm gác lại những bộn bề của công việc thường ngày, tôi đều đến thăm, chúc tết thầy cô vào ngày mùng ba tết để nhắc nhớ bản thân về công lao to lớn của thầy, cô đối với sự trưởng thành của mình ngày hôm nay”.

Có thể thấy, truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam vẫn luôn được gìn giữ, phát huy và đó chính là cội nguồn của giáo dục, của sự phát triển nhân cách bền vững của mỗi con người.

PV

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này