Áo dài Việt vươn ra biển lớn

15:39 | 12/02/2018
Trong quá trình phát triển của lịch sử, áo dài chính là biểu trưng của một vẻ đẹp Việt. Chiếc áo dài không đơn giản là một bộ trang phục mà còn kể một câu chuyện văn hóa. Từ đại sứ văn hoá, hình ảnh tà áo dài đã được bay cao và bay xa vươn tầm thế giới, in sâu trong tâm trí bạn bè quốc tế.
ao dai viet vuon ra bien lon Vẹn nguyên cỗ Tết kinh kỳ
ao dai viet vuon ra bien lon Trầm trồ với áo dài đậm sắc xuân

1. Mỗi dân tộc trên thế giới đều có một loại y phục đặc biệt mà chỉ cần nhìn vào chúng ta cũng có thể đoán được họ đến từ nơi nào. Phụ nữ Nhật Bản có bộ Kimono, phụ nữ Hàn Quốc có Hanbok, người Trung Quốc tự hào về nét gợi cảm trong bộ xường xám Thượng Hải…. Còn người Việt Nam chúng ta thường tự hào về chiếc áo dài, thậm chí nó đã được nâng lên thành quốc phục, mang trong đó giá trị thẩm mỹ, thể hiện bản sắc văn hoá theo suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Cái độc đáo của áo dài Việt Nam là tuy kín mà hở. Áo dài của phụ nữ Việt Nam mặc với quần dài, tưởng kín đáo nhưng lại gợi cảm vô cùng. Tà áo xẻ quá eo, để lộ một chút thân thể ngà ngọc của quý cô, quý bà, nhưng đủ làm bao đấng mày râu xao xuyến. Có lẽ vì thế mà người Pháp đã dùng chữ “demi-sexy” khi nói về áo dài của phụ nữ Việt Nam. Thử hỏi có dân tộc nào có được bộ nữ phục độc đáo và lạ lùng đến thế: Vừa nghiêm trang, vừa gợi cảm vô cùng.

ao dai viet vuon ra bien lon

Nhà văn Băng Sơn đã viết “Bài thơ áo dài” trong cuốn tuỳ bút “Trên những nẻo đường Hà Nội”: “Đã có không ít người nước ngoài ngạc nhiên đến sững sờ trước vẻ đẹp kỳ diệu của tấm áo dài Việt Nam, mặc dù ở nước họ, người phụ nữ cũng có những bộ áo váy dân tộc thêu rua với nhiều vẻ đẹp. Một nét duyên dáng như mây thu mơ hồ hay cái đẹp lộng lẫy của ngày hè chói chang hoa phượng có gió lộng xào xạc ngọn đề. Khó mà nói được niềm bay nhè nhẹ của tà áo tím bên hồ hay vẻ lâng lâng của màu áo trắng như tung đùa trong sắc xanh cây lá…”

Còn tác giả của ca khúc “Em trong mắt tôi”- nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường từng chia sẻ: “Một lần trên đường phố, tôi nhìn thấy một người con gái trẻ trung xinh xắn rảo bước trong tà áo dài. Trái tim chao đảo, những câu từ và âm điệu chợt hiện trong đầu: “Một tà áo trắng, một bờ vai xinh tôi không quen...”.

Bởi là không quen nên rất quyến luyến, không biết là quyến luyến người hay áo dài. Tôi chỉ rõ lòng trỗi dậy một cảm giác tự hào: Người con gái đẹp khắp phố phường ấy là “người con gái Việt mặc chiếc áo dài”. Lúc đó, tôi nhất định phải ghi lại một ấn tượng khó phai trong đời bằng âm nhạc. Ca khúc “Em trong mắt tôi” đã được sáng tác trong hoàn cảnh đó”.

ao dai viet vuon ra bien lon

Thời gian gần đây, trong xu hướng tìm về những giá trị truyền thống của dân tộc, nét duyên dáng áo dài tiếp tục được tôn vinh và lan tỏa mạnh mẽ. Trong nhịp sống hiện đại và hội nhập, chiếc áo dài tiếp tục được “thời trang hóa” để đẹp hơn, gần gũi hơn, ngày càng đa dạng về kiểu dáng và phong phú về chất liệu. Phong trào mặc áo dài cả truyền thống và cách tân trở nên sôi nổi, nhất là ở các thành phố lớn.

2. Lâu nay, khi nói đến áo dài của người Việt, nhiều người chỉ nghĩ đến áo dài nữ mà chưa biết nhiều đến áo dài nam. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo (chồng NSND Như Quỳnh) một người con sinh ra và lớn lên giữa phố cổ Hàng Đào kể lại: “Thế hệ cha ông tôi vẫn mặc bộ lễ phục là áo dài và quấn khăn nhưng khi người Pháp sang mang theo luồng văn hoá phương Tây làm thay đổi mọi mặt đời sống của người Việt. Áo dài nam cũng không nằm ngoài số phận đó. Sau khi miền Bắc giải phóng, những chiếc áo dài thường ngày trước đây các cụ vẫn mặc đã mất dần.

ao dai viet vuon ra bien lon

Hình ảnh những người đàn ông mặc áo dài chỉ còn rơi rớt lại trong ký ức tôi khi còn rất nhỏ. Cái thời mà ông mặc khăn xếp, bà mặc áo tứ thân thì đã mặc comple, đội mũ phớt, cháu thì mặc váy đầm... Áo dài nam mất dần, mất dần... Đến sau năm 1954, hãn hữu lắm mới thấy trên đường phố còn người mặc áo the, khăn xếp. Chiến tranh đến, nên chúng ta phải đơn giản hoá trang phục. Áo dài nam gần như bị triệt tiêu, chỉ còn sót lại rất ít trong những cuộc biểu diễn...”.

Đứng trước ngưỡng cửa của xu thế toàn cầu hóa, những giá trị truyền thống như tà áo dài nam Việt Nam đang dần bị biến mất, thay vào đó là những bộ cánh bóng bẩy, hiện đại. Bên cạnh đó, đáng tiếc và đáng buồn hiện nay là nhiều nam giới lại thấy xấu hổ khi đứng trước áo dài và không dám mặc áo dài khi ra ngoài đường. Nam giới bây giờ có nhiều người khi mặc tà áo dài đa phần đều cảm thấy ngại ngùng, xấu hổ.

Chúng ta nên cảm thấy tự hào vì đất nước có bộ trang phục truyền thống đẹp như vậy và phải thực sự coi đây là một di sản cần phải được gìn giữ, thấy được những tinh hoa có trong tà áo dài nam của người Việt. Và đặc biệt không nên gán ghép nó với những điều xấu, những vấn đề không tốt để dần dần có một cái nhìn tốt đẹp hơn với tà áo dài truyền thống. Có như vậy thì khả năng khôi phục được những nét đẹp truyền thống trong tà áo dài nam Việt Nam mới trở thành hiện thực.

Trước những làn sóng của thời cuộc, con người càng cần phải gìn giữ hơn nữa những giá trị văn hóa truyền thống của nhân loại, bên cạnh việc tiếp thu có chọn lọc những nét đẹp của nền văn hóa hiện đại, không nên quá dễ dãi và tùy tiện trong việc sáng tạo, biến tấu để làm mất đi những vẻ đẹp tinh hoa của truyền thống văn hóa của người Việt.

Thư ký Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Sanh Châu cho biết: “Tôi nghĩ rằng, tình yêu đối với văn hóa truyền thống, với nét đẹp của dân tộc là một tình yêu rất mãnh liệt, nó có thể nhạt nhòa lúc này hoặc lúc khác nhưng nó vẫn luôn là một dòng chảy rất mạnh trong dòng máu của mỗi người Việt. Tôi hy vọng rằng, càng ở những thế hệ về sau, tinh thần yêu văn hóa đó càng được rộng lớn”.

3. Từ một “đại sứ văn hóa”, áo dài Việt Nam đã trở thành “đại sứ du lịch”. Trong năm 2017, áo dài truyền thống Việt đã xuất hiện trong nhiều sự kiện lớn của đất nước, đặc biệt ở Hội nghị Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng vừa qua. Trong một số sự kiện bên lề APEC 2017, nhà thiết kế (NTK) Ngọc Hân - Hoa hậu Việt Nam 2010 đã giới thiệu bộ sưu tập (BST) áo dài Bức họa đồng quê rất ấn tượng và mang hồn Việt tới các quan khách dự APEC 2017.

Bộ áo dài của NTK Ngọc Hân lấy cảm hứng từ các bức tranh của họa sĩ Phạm Trinh với hình ảnh đồng lúa trải dài, cánh diều tuổi thơ, lũy tre làng... được in lên nền vải may áo. Thông qua Bức họa đồng quê, các quan khách quốc tế thêm yêu thích trang phục truyền thống của Việt Nam, đồng thời muốn khám phá hơn về đồng quê của đất nước hình chữ S.

Trước đó, tháng 9/2017, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam đã tạo tiếng vang lớn khi được Ban Tổ chức Tuần lễ Thời trang cao cấp New York 2017 mời trình diễn BST áo dài Sen Vàng tại New York. Giới chuyên môn đánh giá, BST áo dài Sen Vàng là “hiện tượng thời trang” quốc tế bởi những chiếc áo dài được đính các họa tiết, hoa văn dát vàng thật, kim hoàn, đá quý.

Đặc biệt, các mẫu thiết kế của Sen Vàng sử dụng hình ảnh hoa sen kết hợp cùng họa tiết rối nước dân tộc trên chất lụa đặc biệt, tạo nên vẻ đẹp bình dị mà cao sang, thuần khiết. Với gam màu đỏ, xám ghi trên nền vải nhung lụa Hà Đông, kỹ nghệ hoa văn dát vàng của làng nghề Kiêu Kỵ, kim hoàn đá quý Hàng Bạc, thêu tay làng nghề Thường Tín và làng nghề Mỹ Đức... các thiết kế của Sen Vàng thực sự đặc biệt, giống như một bản hòa tấu những nét đặc trưng văn hóa của các làng nghề truyền thống Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên, một NTK Việt Nam mang hình ảnh áo dài và kỹ thuật từ các làng nghề truyền thống của nước ta tới một tuần lễ thời trang lớn trên thế giới và được công chúng đón nhận, đánh giá cao. Sau Sen Vàng, BST áo dài 56 quốc kỳ của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam cũng đã khiến các vị đại sứ trầm trồ, thán phục.

Lần đầu tiên, một đêm diễn nghệ thuật kết hợp giữa thời trang – âm nhạc đã quy tụ sự có mặt của hơn 50 vị đại sứ quán tại Việt Nam và hơn 200 chính khách, các nghệ sĩ trong và ngoài nước. Thông qua đó, hình ảnh chiếc áo dài Việt Nam sẽ bay cao và bay ra ngoài thế giới với mong muốn đề cao mối quan hệ ngoại giao, sự hòa nhập giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này