Bánh chưng chuối: Nét đặc sắc của người Thái

11:26 | 08/02/2018
Với vị ngọt thanh của chuối, vị ngậy của nước cốt dừa hòa với gạo nếp tạo nên vị ngọt, bùi đọng lại nơi cổ họng… người sành ăn thường bảo, đó là “hậu vị ngọt”, vị đặc biệt mà bánh chưng chuối, món ăn có nguồn gốc từ Thái Lan được những người Việt sinh ra trên đất Thái mang về đất mẹ. 
banh chung chuoi net dac sac cua nguoi thai Bánh bác tiến vua: Giữ mãi hồn xưa
banh chung chuoi net dac sac cua nguoi thai Bánh dày Quán Gánh tất bật những ngày cận Tết
banh chung chuoi net dac sac cua nguoi thai Ngây ngất với đặc sản Hà Giang mùa tam giác mạch
banh chung chuoi net dac sac cua nguoi thai Nấm mối - đặc sản trời cho

Gói bánh, gói trọn nỗi nhớ

Không nổi tiếng như bánh chưng tranh khúc (Thanh Trì), bánh chưng Lỗ Khê (Đông Anh)… thế nhưng, với những người Việt Kiều Thái ở Sơn Tây, bánh chưng chuối từ lâu đã trở thành món ăn không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết, thậm chí ngay cả trong những ngày bình thường. Bởi lẽ, bánh không chỉ mang ý nghĩa thiêng liêng, cao đẹp, mà còn là nỗi nhớ của những người con đất Việt gửi về nơi mình đã từng được sinh ra và lớn lên.

Chính bởi những ý nghĩa cao đẹp ấy, mỗi khi có ai đó tìm hiểu về nguồn gốc bánh chưng chuối, bà Trương Thị Hợi (71 tuổi, ở Phạm Hồng Thái, Sơn Tây, Hà Nội) lại không khỏi bùi ngùi, bởi những ký ức năm nào lại ùa về. Bà bảo, mặc dù sống ở Thái Lan mới chỉ được 16 năm, nhưng mỗi khi gói bánh chưng chuối, hay có ai đó hỏi về đất nước Thái Lan thì cảm giác lạ lùng lắm. Nó giống như mối tình đầu mà mình không thể quên được.

banh chung chuoi net dac sac cua nguoi thai

Bà Hợi kể, bánh chưng chuối ở Thái Lan được sử dụng rất nhiều, loại bánh này người Thái thường dùng để cúng dường cho các nhà sư bởi những thành phần đậm chất chay của bánh. Nguyên liệu cũng rất đơn giản bao gồm gạo nếp, nước cốt dừa và chuối tây. Khi trải qua những công đoạn gói, hấp, sẽ xuất hiện một món ăn vô cùng hấp dẫn.

Lần đầu tiên được thưởng thức hương vị lạ miệng của bánh chưng chuối, cảm giác thực sự dễ chịu. Vị ngọt thanh của chuối, vị ngậy của nước cốt dừa hòa cùng với gạo nếp khiến ngay sau khi ăn là vị ngọt, bùi đọng lại nơi cuống họng. Người sành ăn thường bảo đó là “hậu vị ngọt” và đó là vị đặc trưng mà bánh trưng chuối mang lại cho mỗi người.

Nhớ lại những ngày đầu về Việt Nam (năm 1963), bà Hợi cho biết, đó là thời kỳ rất khó khăn, bởi đất nước mình khi đó vẫn còn đang chìm trong chiến tranh. Vì thế, khi trở về quê hương, lại đang ở độ tuổi 16 – 17 nên bà cảm thấy hụt hẫng vô cùng. Khi đó, để vượt qua khó khăn bà Hợi phải gồng mình lên để sống và nỗi nhớ Thái Lan chưa bao giờ ngưng xuất hiện trong tâm trí bà. Nhưng vì cuộc sống, nỗi nhớ ấy được bà nén lại… “Nhớ nhiều nhất là những món ăn thời thơ ấu mà mình đã được ăn, được thưởng thức. Để thỏa nỗi niềm mong nhớ ấy, khoảng năm 1990 tôi quyết định hấp một nồi bánh chưng chuối, món bánh truyền thống của người Thái Lan.

Rất nhanh, tôi đi tìm mua quả dừa về nạo, bóp lấy nước cốt, gạo nếp mang ra đãi… sau 3 - 4 tiếng đồng hồ hấp cách thủy, nồi bánh chuối thơm nức hiện hữu trước mắt. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ cảm giác khi đó, mắt tôi đã ướt nhèm khi ở ngay trên đất mẹ, mình lại được thưởng thức món ăn quen thuộc trong ký ức thơ bé”, bà Hợi bùi ngùi. gửi về miền ký ức

Gần 30 năm sau khi trở về đất mẹ, lại được tự tay gói gém “nối nhớ”, tự tay hấp lại những chiếc bánh chưng chuối, bà Hợi hạnh phúc lắm. Không kìm được nỗi nhớ, sau những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt nhá nhem, bà vội vàng chia sẻ nỗi nhớ, đặc sản của quê hương Thái Lan với hàng xóm.

Khi được thưởng thức ai cũng tấm tắc khen bởi vị ngọt thơm lạ miệng. “Nhiều người sau ăn đã đề nghị tôi làm bánh để họ bán kèm với đồ uống. Sẵn khí thế đang làm, ngày hôm sau tôi mạnh dạn gói 40 chiếc và chỉ trong 1 buổi chiều số bánh đó đã được bán hết. Nhưng vì ngày đó vừa làm cơ quan, lại vừa làm thêm bánh nên tôi cũng chỉ túc tắc làm cho đỡ nhớ”, bà Hợi kể.

banh chung chuoi net dac sac cua nguoi thai
Bà Hợi chia sẻ về nét đặc sắc của bánh chưng chuối có nguồn gốc từ Thái Lan

“Bật mí” về bí quyết gói bánh chưng chuối mang hương vị Thái Lan ngon nức tiếng, bà Hợi không một chút giấu diếm. Bà bảo, bí quyết đơn giản thôi, bởi đầu tiên bà làm bánh từ nỗi nhớ Thái Lan, nên bao tình cảm bà dồn hết vào chiếc bánh. Ngoài ra, nguyên liệu không thể thiếu để làm bánh chưng chuối chính là gạo nếp. Gạo nếp bà phải đặt mua loại gạo nếp mới và phải ngon, gạo được vo sạch, ngâm kỹ trong nước lã. Sau đó đãi hết sạn, để ráo nước rồi trộn đều với nước cốt dừa (dừa chọn quả già mới cho nước đánh sánh, nguyên vị).

Không như bánh chưng Việt, chuối tây được lựa chọn để làm nhân cho bánh chưng chuối, chuối càng chín, bánh càng thơm và ngon. Thậm chí, để tạo cho chuối có vị thơm đặc biệt, bà Hợi lựa chọn chuối từ lúc còn xanh, sau đó dấm hương chờ chín. Đặc biệt khi ăn, chuối sẽ không có vị chua mà ngược lại, nhân bánh sẽ có vị ngọt dịu, thơm thơm. Nhân bánh khi chín cũng có màu đỏ như gấc, tròn xoe như lúm đồng tiền và nằm gọn gàng trong lớp gạo nếp bọc khéo léo phía ngoài.

Lá để dùng gói bánh cũng là lá dong và được gói theo hình khum khum gần giống với chiếc bánh giò. Bánh cũng không được cho vào nước để luộc như cách nấu bánh chưng của Việt Nam, mà được hấp cách thủy khoảng từ 3 – 4 giờ để gạo chín. Sau đó, chuối tiết ra mật, vị mật chuối quyện với nước cốt dừa, với hương thơm của nếp…bánh chín rền, dẻo và vị ngọt bùi, ngậy khiến mọi người ăn một lần có thể nhớ mãi.

Tiếng lành đồn xa, cứ thế mỗi ngày lại có thêm nhiều người đến tìm mua bánh chưng chuối, số lượng bánh theo đó cũng tăng lên từng ngày cho đến khi bà Hợi nghỉ hẳn công việc ở cơ quan và bắt tay vào làm bánh “chuyên nghiệp”. Bà kể, khách ban đầu của bà chỉ là những người kinh doanh, buôn bán tại chợ Nghệ (Sơn Tây) vì ở cạnh nhà bà. Lâu dần, các hội Việt kiều Thái Lan, Việt kiều Lào biết tiếng họ cũng tìm đến đặt hàng mỗi dịp hội họp hay lễ Tết… thậm chí, nhiều bạn sinh viên Lào, Thái Lan sang Việt Nam học tập tại trường Hữu Nghị 70 và 80 ở thị xã Sơn Tây cũng “mò mẫm” tìm đến nhà bà đặt mua bánh.

“Hạnh phúc nhất là được bán cho các em sinh viên người Thái Lan, Lào sang Việt Nam học tập, bởi họ tìm đến mua bánh một phần cũng giống như tôi, các em muốn tìm một chút hương vị quê hương trên đất khách quê người. Ngược lại, bản thân tôi vừa hạnh phúc khi gìn giữ được chút ký ức ở nơi mình đã sinh ra và lớn lên, lại vừa được tâm sự, được nói thứ ngôn ngữ ở nơi trước đây tôi đã từng sinh sống. Niềm vui lúc đó lại được nhân lên, tôi hạnh phúc và các em cũng hạnh phúc, đó đều là những ký ức không thể nào quên trong suốt cuộc đời…”, bà Hợi bộc bạch.

Đạt Đỗ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này