Đón xuân với người Dao trên “nóc nhà” Thủ đô

05:03 | 11/02/2018
Nói đến người Dao thì nhiều người biết, nhưng trong tâm thức họ phải sống trên những địa phương vùng cao, ấy vậy mà ngay tại Thủ đô, người Dao vẫn hiện diện và thậm chí làm giàu ngay tại mảnh đất yêu dấu này.
don xuan voi nguoi dao tren noc nha thu do Hà Nội: Kỳ thú với Tết Nhảy của người Dao
don xuan voi nguoi dao tren noc nha thu do Độc đáo nghi lễ nhảy lửa của đồng bào Dao đỏ ở Cao Bằng

Xuân mới Mậu Tuất, tôi lại tìm đến các thôn Hợp Nhất, Yên Sơn, Hợp Sơn thuộc xã Ba Vì (huyện Ba Vì, TP Hà Nội) để chứng kiến tận mắt sự thay da đổi thịt cuộc sống bà con người Dao nơi đây. Tiếp chúng tôi, ông Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì Lý Sinh Vượng bộc bạch, hiện 3 thôn cư dân người Dao có 557 hộ, khoảng 2.237 nhân khẩu.

don xuan voi nguoi dao tren noc nha thu do

Nhắc lại cái thời chưa hợp nhất về với Thủ đô, ông Vượng thở dài bảo: “Kinh tế khi ấy nhìn chung vẫn khó khăn lắm. Điện - đường - trường - trạm chưa hoàn chỉnh nên người dân Ba Vì còn quá vất vả. Thậm chí dù điện lưới đã về đến nơi nhưng cũng phập phù, lúc có lúc không. Lam lũ, vất vả, người Dao luôn phải quay quắt với cuộc sống. Đói, nghèo cũng từng khiến thanh niên, trai tráng người Dao lũ lượt bỏ sang Trung Quốc làm ăn, để rồi vướng bận phải bao rủi do”.

Khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính thì cộng đồng người Dao ở Ba Vì đương nhiên trở thành một trong những cộng đồng người thiểu số của Hà Nội. Và nghiễm nhiên, công tác phát triển kinh tế, đời sống chính sách, văn hóa, giáo dục… cũng theo đó được chú trọng, nâng cao. Nhắc đến chiến lược phát triển kinh tế dài hơi cho xã, ông Phó Chủ tịch hồ hởi: “Chúng tôi đã nhìn thấy hiệu quả của việc phát triển du lịch cộng đồng.

don xuan voi nguoi dao tren noc nha thu do
Tết Nhảy thường diễn ra trong thời gian 3 ngày, 3 đêm liên tục.

Chúng tôi đã tham quan bản làng người Dao đỏ ở Tả Phìn (Sa Pa - Lào Cai), bản Lác (Mai Châu - Hòa Bình) và nhận thấy, xã Ba Vì cũng có tiềm năng để phát triển du lịch như vậy. Bà con còn có nghề thuốc Nam gia truyền, rất thuận lợi cho phát triển mô hình du lịch cộng đồng kết hợp tham quan, mua thuốc Nam, tắm thảo dược gắn với quần thể du lịch quanh núi Ba Vì. Người dân rất mong được hỗ trợ xây dựng mô hình, liên kết với các công ty lữ hành đón khách”.

Phó Chủ tịch Vượng bảo, gốc rễ để thoát nghèo ở Ba Vì vẫn là phải tạo ra nhiều công ăn việc làm, tạo điều kiện công việc cho người trong độ tuổi lao động. Thế nên nghề thuốc Nam đang được xã chú trọng và định hướng phát triển. Đáng mừng là, ở thôn Yên Sơn (một trong ba thôn của xã Ba Vì) được TP Hà Nội chứng nhận là làng nghề thuốc Nam của người Dao đời sống kinh tế người dân đã có nhiều chuyển biến. Hàng loạt những ngôi nhà tầng nằm san sát nhau đã mọc lên trên vùng đất này. Nguồn thu mang lại từ thuốc Nam có thể tính bằng con số hàng tỷ đồng/hộ làm nghề/năm.

Nỗi băn khoăn lớn nhất của người dân trong xã là hiện cây thuốc Nam có xu hướng ngày một khan hiếm. Trong bối cảnh thiếu đất canh tác, người dân rất khó bảo tồn đa dạng cây thuốc tại vườn nhà. Người Dao và cả chính quyền địa phương đều mong muốn sớm được quy hoạch vùng trồng cây thuốc Nam dưới tán rừng để bảo tồn cây dược liệu. Nếu đề án này được triển khai nhân rộng, đời sống người dân tin chắc sẽ đổi khác, những mùa xuân tới sẽ hứa hẹn kinh tế ngày một no ấm.

don xuan voi nguoi dao tren noc nha thu do
Phát triển nghề thuốc Nam đang là hướng đi mới, hứa hẹn phát triển kinh tế cho người dân xã Ba Vì.

Gác lại những suy tư về câu chuyện mưu sinh, chúng tôi hòa vào dòng chảy văn hóa tất bật của người Dao đón xuân.Từ trụ sở UBND xã, theo hướng dẫn của Phó Chủ tịch Vượng, chúng tôi tìm đến bản Dao Hợp Sơn để dự tết Nhảy – một nét văn hóa độc đáo bậc nhất của người dân nơi đây. Rẽ trên con đường bê tông phẳng phiu, uốn lượn tôi đến nhà ông Triệu Tiến Thành An (SN 1961, thôn Hợp Sơn), người đã “đăng cai” tết Nhảy dịp này. Hỏi ra mới biết, tết này của người Dao không trùng với tết Nguyên đán của người Kinh mà thường diễn ra vào tháng chạp.

Cũng thực lạ, quang cảnh ngày lễ tết nơi đây khá đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ, dù gia đình nào “đăng cai” thì người trong và ngoài bản đều coi đó là việc chung và đều nhiệt tình đến dự. Chẳng thế mà, nơi đầu nương, cuối xóm có thể thấy cảnh đám trẻ con ríu rít, tung tăng áo mới theo chân cha mẹ đi ăn Tết. Rồi tiếng người cười nói, tiếng dao thớt, tiếng lợn gà… tất thảy như hòa hợp vào nhau để xua tan đi cái lạnh nơi rẻo cao này. Có tiếp xúc mới thấy, người Dao hồn nhiên và chân tình. Thấy khách lạ ghé nhà, họ chỉ hỏi thăm đôi câu rồi tất cả đều vui vẻ kéo khách ngồi vào mâm, nâng chén thưởng thức hương rượu ngô ủ lá thơm nồng. Họ cho rằng, trong ngày này, bất kỳ khách nào, đến cổng đều phải ngồi vào cỗ lá. Càng đông khách, càng nhiệt tình ăn uống, càng no say thì chủ và khách mới càng được tổ Bàn Vương của người Dao phù hộ…

Giã từ tết Nhảy khi trời đã chuyển quá chiều, giã từ những người dân bản Dao hiếu khách tôi rong xe trên con đường mới của thôn Hợp Sơn với những nỗi niềm khó tả. Xã Ba Vì đang từng ngày đổi khác, vùng đất của người Dao rồi mai này sẽ trở thành vùng du lịch sinh thái, du lịch văn hóa. Điều này hoàn toàn có thể. Chỉ hi vọng bên cạnh sự phát triển kinh tế, đi đôi với phát huy nét văn hóa truyền thống, những chàng trai cô gái người Dao vẫn giữ được sự chân chất, hiếu khách như họ vẫn có. Ấy là thứ giúp níu chân khách phương xa...

Ký của Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này