Khởi nghiệp không bao giờ có tuổi

20:23 | 19/02/2018
Ở độ tuổi gần 60, khi phần lớn mọi người đã yên tâm an dưỡng sức khỏe thì bà Nguyễn Thị Bích Liên – Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần sản xuất thương mại Đa Liên (huyện Thạch Thất) vẫn không ngần ngại bắt tay khởi nghiệp.  Doanh nghiệp U60 này không chỉ tạo ra nhiều công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
khoi nghiep khong bao gio co tuoi Khởi nghiệp mầm xuân đất nước
khoi nghiep khong bao gio co tuoi Muốn khởi nghiệp hãy coi trọng tiền lẻ

Hơn nửa đời người gắn bó với lò rèn đỏ lửa của gia đình, bà Nguyễn Thị Bích Liên (Phùng Xá, Thạch Thất, Hà Nội) hiểu lắm nỗi cơ cực của nghề rèn công cụ nông nghiệp. Lam lũ cả đời, vợ chồng bà mới có chút ít “của để dành” để lại cho con cháu.

khoi nghiep khong bao gio co tuoi
Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Bích Liên

Đến tuổi ngoài 50, những tưởng bà sẽ chọn cách hưởng thú điền viên, an nhàn, nhưng ai cũng bất ngờ khi bà quyết định đầu tư xây dựng nhà xưởng, nhập thiết bị hiện đại, mở rộng sản xuất và thành lập công ty chuyên về lĩnh vực thép.

Sau nhiều năm nỗ lực, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Bích Liên đã gây dựng công ty trở thành một địa chỉ uy tín của khách hàng, ngôi nhà chung ấm áp, tươi vui của công nhân, lao động và điểm sáng trong phong trào phát triển kinh tế của địa phương.

khoi nghiep khong bao gio co tuoi

“Thời gian đầu, tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn như: Thiếu vốn đầu tư, lao động là người địa phương chưa quen với công nghệ sản xuất hiện đại, đầu ra sản phẩm chưa có,... nhất là kinh nghiệm quản lý và điều hành công ty gần như bằng không. Nên tôi xác định việc thua lỗ và thiệt hại là khó tránh khỏi. Nhưng không thể vì thế mà làm mất nghề truyền thống của gia đình. Nên tôi quyết định đầu tư” – nữ doanh nhân bộc bạch.

Nghĩ là làm, bà Nguyễn Thị Bích Liên gom góp tất cả tài sản của gia đình, vay mượn thêm của anh em, họ hàng và thuê 120m2 đất trong khu quy hoạch phát triển kinh tế công nghiệp của địa phương để thử nghiệm đầu tư xây dựng xưởng sản xuất. Bên cạnh đó, bà Liên cũng tích cực đi học ở các lớp đào tạo về quản lý kinh tế.

khoi nghiep khong bao gio co tuoi
Xưởng sản xuất của Công ty cổ phần sản xuất thương mại Đa Liên

Những lúc rảnh, bà thường đi đến những cửa hàng kinh doanh sắt thép và những nơi có nhu cầu sử dụng sắt thép để tìm hiểu và nắm bắt tâm lý của khách hàng. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, bà Liên đã “chèo lái” công ty đi đúng hướng và ngày càng phát triển.

Từ những thành quả ban đầu, năm 2012, bà Liên đã mạnh dạn vay thêm vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh chuyên về lĩnh vực thép với nhiều mặt hành đa dạng: Thép cuộn, thép tấm, lá, thép xà gồ, thép hình, thép ống, tôn lợp,... và mở rộng nhà xưởng đến nay là hơn 10 nghìn m2. Đồng thời, giải quyết việc làm cho gần 100 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình từ 7 đến 10 triệu đồng/người/tháng.

Công ty cũng luôn chấp hành tốt các quy định về pháp luật lao động và quan tâm đến hoạt động Công đoàn trong công ty từ đó tạo mối quan hệ lao động hài hòa giữa người lao động và chủ sử dụng lao động.

Đến thăm xưởng sản xuất của gia đình bà Liên, chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước hệ thống dây chuyền máy móc hiện đại được bà đầu tư trong những năm gần đây. Từ những chiếc máy Plasma CMC đến hệ thống cẩu đều được cài đặt theo dây chuyền tự động hóa nhằm tạo ra những sản phẩm cơ, kim khí từ đồ nội thất đến các bộ phận cấu thành máy.

Nhờ đó, đã giảm tối đa sức lao động của con người, giảm tiếng ồn, khí thải, bụi kim loại phát sinh. “Mỗi ngày xưởng sản xuất đưa vào xử lý khoảng 40 tấn thép, tăng sản lượng gấp chục lần so với trước đây. Ước tính tổng thu nhập của doanh nghiệp đạt 100 tỷ đồng mỗi năm” – bà Liên cho biết.

Mặc dù công việc bận rộn, song nữ doanh nhân Nguyễn Thị Bích Liên vẫn tích cực tham gia các phong trào của địa phương, tích cực ủng hộ hoạt động của tổ chức Công đoàn, ủng hộ các hoạt động nhân đạo từ thiện - chung tay giúp đỡ hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào bị thiên tai bão lụt. Trong nhiều năm liền, bà được UBND thành phố Hà Nội trao tặng bằng khen, giấy khen.

Mới đây, bà cũng đã được nhận danh hiệu “Bông hồng vàng Thủ đô”. Năm 2017, nữ doanh nhân U-60 lại tiếp tục được tôn vinh danh hiệu “Gương mặt doanh nhân tiêu biểu của năm”. Chủ tịch LĐLĐ huyện Thạch Thất Nguyễn Thế Hùng chia sẻ: “Bà Liên đã vượt lên tuổi tác, không chỉ là người đặt nền móng phát triển mới cho bà con làm nghề rèn nông cụ ở đất Phùng Xá mà còn truyền cảm hứng, giúp các bạn trẻ mạnh dạn theo đuổi ước mơ”.

Trong câu chuyện đầu năm với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Bích Liên tâm sự: “Tất nhiên trên hành trình đi đến thành công như ngày hôm nay, tôi cũng đã nhiều lần vấp ngã, thất bại. Nhưng điều quan trọng là tôi luôn nhìn về tương lai.

Các bạn trẻ muốn thành công cần phải lao vào làm, làm để tìm ra điều mình yêu thích, làm để tìm ra đam mê và khởi nghiệp từ niềm đam mê đó. Vì nếu không làm thì bạn sẽ chẳng biết được điều mình thích là gì, đã có đam mê mà không làm thì chỉ là đam mê lý thuyết. Vì thế, hãy cứ làm và đừng ngại thất bại. Chẳng có ai là có thể thành công ngay từ đầu cả”.

Đến Phùng Xá (Thạch Thất, Hà Nội) vào những ngày đầu xuân, chúng tôi không còn thấy hình ảnh người lao động nhễ nhại mồ hôi trong những lò rèn đỏ lửa, mà thay vào đó là dây chuyển sản xuất được trang bị máy móc hiện đại trong những nhà xưởng rộng lớn.

Sự ra đời và phát triển của các doanh nghiệp những năm gần đây đã góp phần làm khởi sắc một vùng quê. Và Công ty cổ phần sản xuất thương mại Đa Liên của nữ doanh nhân U-60 Nguyễn Thị Bích Liên là một trong những đơn vị đi đầu, góp phần làm thay đổi diện mạo của vùng đất này.

Hoàng Phúc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này