Tạo nên những Mai An Tiêm mới

08:09 | 07/02/2018
Làm thế nào để khẩu hiệu “Quốc gia khởi nghiệp thành công”? Cụ thể hơn là để mọi người dân có cơ hội khởi nghiệp sáng tạo nhằm tạo của cải vật chất cho xã hội, đóng thuế cho Nhà nước, tạo việc làm cho người lao động… góp phần xây dựng đất nước thịnh cường. Đây cũng là nội dung mà LĐTĐ Xuân Mậu Tuất 2018 trao đổi với ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
tao nen nhung mai an tiem moi Muốn khởi nghiệp hãy coi trọng tiền lẻ
tao nen nhung mai an tiem moi Tiền đề phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp

PV: Có vị giáo sư già từng giảng dạy tại đại học có tiếng ở Hà Nội nói rằng: Nước hơn 4.000 năm sao nay mới đề cập câu chuyện khởi nghiệp, ông bình luận gì về ý kiến này?

tao nen nhung mai an tiem moi
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Ông Vũ Tiến Lộc: Chắc vị giáo sư đó hóm hỉnh thôi. Thực sự mỗi quốc gia có hoàn cảnh lịch sử riêng của nó. Chuyện này ta không bàn. Song nếu nói về khởi nghiệp thì không phải bây giờ chúng ta mới bắt đầu.

Mà kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, đặc biệt khi có Luật Doanh nghiệp ra đời, chúng ta đã tạo ra cơ chế để có đến trên 600 nghìn doanh nghiệp và hàng triệu cá thể kinh doanh nhỏ như hiện tại. Thậm chí, gần 20 năm trước ngay VCCI đã từng tổ chức Festival về khởi nghiệp; trong đó tập trung vào khối sinh viên, những chủ nhân tương lai của đất nước…

tao nen nhung mai an tiem moi
Dư địa chí cho khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch vẫn rất lớn (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, hiện nay cùng với việc xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động, sáng tạo song song với xây dựng quốc gia khởi nghiệp thì cụm từ khởi nghiệp này được nhắc tới với tần suất nhiều hơn. Điều cần nhấn mạnh, khởi nghiệp không đơn thuần chỉ dừng lại việc tạo ra nhiều doanh nghiệp mới mà thời kỳ này là khởi nghiệp mang tính sáng tạo.

Nói một cách ngắn gọn khởi nghiệp sáng tạo một mặt để bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới đương đại nhất là khi toàn cầu đang ở thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (viết tắt cách mạng 4.0); đồng thời phát huy lợi thế cạnh tranh của mỗi quốc gia (nguồn lực tự nhiên, con người và tính sáng tạo của công dân quốc gia đó- PV). Đây mới là mấu chốt của khởi nghiệp.

PV: Vậy để khởi nghiệp thành công, theo ông chúng ta phải tiến quân vào những lĩnh vực nào để phát huy lợi thế so sánh quốc gia và phù hợp với xu thế phát triển của cách mạng 4.0?

Ông Vũ Tiến Lộc: Không những cá nhân tôi, mà các chuyên gia, thậm chí ngay cả những doanh nghiệp hàng đầu của APEC đều chung nhận định dư địa chí về khởi nghiệp của Việt Nam rất phong phú và đầy tiềm năng. Tuy nhiên, theo cá nhân tôi muốn khẩu hiệu “Quốc gia khởi nghiệp” thành công, cần tập trung vào 3 lĩnh vực: Nông nghiệp, du lịch và công nghệ thông tin (IT).

Vì sao lại như vậy? Cha ông ta xưa có câu “có thực mới vực được đạo” dù công nghiệp, công nghệ có thay đổi hay phát triển vũ bão thế nào con người ta vẫn không thể “ăn, uống nhân tạo được”.

Do đó, phát triển khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp không chỉ góp phần làm giàu, tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn nhằm tránh giảm tải dân số cho thành thị mà còn đưa Việt Nam thành một cực của nguồn cung nông phẩm của thế giới. Đất đai được canh tác, môi trường đỡ bị ô nhiễm. Còn du lịch là tiềm năng thiên phú, không có lý do gì chúng ta lại không phát triển ngành công nghiệp không khói này…

PV: Theo ông cần có cơ chế, chính sách gì để hệ sinh thái khởi nghiệp thành công?

Ông Vũ Tiến Lộc: Tôi phải nói ngay rằng điều may mắn và cũng là thuận lợi nhất trong phong trào khởi nghiệp đó là tính sáng tạo của người Việt Nam rất cao. Tôi lấy dẫn chứng, Canon là một tập đoàn lớn của Nhật, mỗi năm tất cả các nhà máy, chi nhánh của tập đoàn này trên khắp toàn cầu đều tổ chức thi về tính sáng tạo.

Mỗi lần thi, Canon Vietnam bao giờ cũng dẫn đầu. Còn theo khảo sát của mạng lưới doanh nghiệp toàn cầu, thì tinh thần khởi nghiệp của người Việt Nam đứng thứ 20/60 quốc gia thành viên. Điều này cho thấy dư địa chí về khởi nghiệp trong mỗi người dân rất cao.

Và để khởi nghiệp thành công, mấu chốt của vấn đề ta phải giải nút thắt về mặt cơ chế. Hiện tại Đảng, Chính phủ đang rất quyết tâm, quyết liệt trong giải bài toán này. Song góc độ đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tôi cho rằng, phải tiếp túc tháo 3 nút thắt cơ bản.

Thứ nhất, phải tạo ra sự cân bằng cho các thành phần kinh tế. Không để nền kinh tế tạo ra nhiều doanh nghiệp Nhà nước lẫn dân doanh sống, phát triển dựa vào các mối quan hệ là chính. Do đó, Chính phủ phải tạo ra môi trường kinh doanh công bằng, đặc biệt tạo cơ hội cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa phát triển. Kỷ nguyên cánh mạng 4.0 thế giới ngày càng nhỏ lại, còn doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa lại ngày càng lớn lên. Tạo cơ chế để khối doanh nghiệp phát triển thực sự có chất lượng sẽ như những giọt nước tinh túy làm cho đại dương mênh mông, không bao giờ cạn.

Thứ hai, phải giải phóng các bộ, ngành ra khỏi chức năng cơ quan chủ quản của doanh nghiệp. Nhà nước, bộ, ngành chỉ thực hiện chức năng hoạch định chính sách và quản lý. Còn chủ quản doanh nghiệp là do điều tiết của pháp luật và một cơ quan độc lập thực thi. Có như thế mới tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh.

Thứ ba, phải tiến hành xã hội hóa dịch vụ công theo hướng (trừ lĩnh vực liên quan đến an ninh- quốc phòng) cái gì doanh nghiệp, người dân làm được thì Nhà nước không nên làm. Nhà nước chỉ đóng vai trò hoạch định chiến lược phát triển, đồng thời tạo ra sân chơi và cũng là làm trọng tài trong cuộc chơi của tất cả hệ thống doanh nghiệp mà thôi.

Xuân mới, năm mới với những gì đang diễn ra tôi chỉ muốn nhấn mạnh thêm, không chỉ để khởi nghiệp thành công mà mấu chốt là để quốc gia hưng thịnh chúng ta phải thực hiện tốt phương châm: Đảng tiên phong, Chính phủ kiến tạo, người dân khởi nghiệp. Đây chính là 3 đột phá mang tầm chiến lược.

PV: Với tư cách là cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, VCCI đã và sẽ làm gì để cùng với Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương và đặc biệt là những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thành công?

Ông Vũ Tiến Lộc: Như đã đề cập, gần 20 năm trước VCCI đã từng tổ chức Festival về khởi nghiệp và đã phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đưa ra các tiêu chí về khởi nghiệp theo chuẩn quốc tế. Chúng tôi gọi đó là phong trào khởi nghiệp lần thứ nhất. Nay thời kỳ cách mạng 4.0, chúng tôi cũng phối hợp với ILO và các tổ chức, đơn vị đưa ra bộ tiêu chí khởi nghiệp lần thứ 2.

Cùng với bộ tiêu chí, chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương làm bài bản trong việc giảng dạy, đào tạo để làm sao cộng đồng các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của Việt Nam có thể tiếp cận các tiêu chuẩn vừa hiện đại, vừa khắt khe của thế giới để tạo sự thành công.

Để thổi làn gió mới vào khởi nghiệp, để doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong những lĩnh vực vốn là lợi thế so sánh quốc gia, VCCI từ năm nay đã chính thức có giải thưởng Mai An Tiêm về khởi nghiệp.

Giải này chú trọng đến những doanh nghiệp thành công trong lĩnh vực nông nghiệp và sâu xa hơn là những doanh nghiệp sáng tạo thực thụ. Sự tích Mai An Tiêm chắc quý bạn đọc cũng đã biết, nên tôi không đề cập. Tôi chỉ mong muốn điều đơn giản trong xuân mới làm sao để tạo ra nhiều Mai An Tiêm trong lĩnh vực khởi nghiệp; hệ sinh thái khởi nghiệp.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lê Hà (thực hiện)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này