Bánh dày Quán Gánh tất bật những ngày cận Tết

21:22 | 07/01/2018
Làng bánh dày Quán Gánh thuộc thôn Thượng Đình, xã Nhị Khê (huyện Thường Tín, Hà Nội) nổi lửa quanh năm, nhưng nhộn nhịp, tấp nập nhất vẫn là vào những ngày cận Tết.   
banh day quan ganh tat bat nhung ngay can tet Vui Trung thu cùng bánh Mondelez Kinh Đô
banh day quan ganh tat bat nhung ngay can tet Hội Đền Hùng từ chối những lễ vật mang tính quảng bá cho doanh nghiệp
banh day quan ganh tat bat nhung ngay can tet Làm giàu từ nghề truyền thống

Thôn Thượng Đình nằm cạnh quốc lộ 1A cũ, cách trung tâm Hà Nội về phía Nam chưa đầy 20km. Từ lâu, thương hiệu “bánh dày Quán Gánh” trên mảnh đất này đã nổi tiếng và được không ít người ví von: Dù ai chồng rẫy, vợ chê/ Bánh dày Quán Gánh lại về với nhau/ Ăn trước thì bảo người sau/ Già ăn trẻ lại, gái mau đắt chồng!

Theo kinh nghiệm của những người làm bánh tại đây, các công đoạn cho ra đời một mẻ bánh dày khá cầu kỳ. Mỗi công đoạn lại đòi hỏi sự tinh tế, kinh nghiệm cùng bí quyết gia truyền của người thợ làm nghề.

Khác với bánh vùng miền khác là bánh dày thường chỉ ăn kẹp với giò lụa hoặc chả quế thì thức bánh ở Quán Gánh lại chia ra 3 loại là bánh nhân ngọt, nhân mặn và bánh chay.

banh day quan ganh tat bat nhung ngay can tet
Bánh dày thơm ngon nức tiếng, phải qua gần 20 khâu đoạn ''vo tròn bóp bẹp'' mới nên hình thành dạng

Theo bà Phạm Thị Minh Cậy (73 tuổi), một người làm bánh dày ngon nức tiếng ở Thượng Đình thì phần nhân ngọt thường có đậu xanh, đường, chút dừa khô.

Nhân mặn thì cho thêm chút mỡ phần, hạt tiêu… tất cả nguyên liệu này được cho vào một chiếc nồi lớn, dùng đôi đũa cả thật lớn, khuấy liên tục đến khi đậu xanh và các thành phần khác sánh mịn.

Xôi sau khi giã mịn, người ta bắt đầu nhồi nhân đậu xanh. Bánh nhồi nhân xong trải đều xuống tấm nilon sạch, chờ cho khô, thoa mỡ, gói vào lá. Bánh chay làm đơn giản hơn cả, bánh chỉ cần nặn tròn và thoa mỡ.

Theo lời bà Cậy, để làm ra những chiếc bánh dày, người làng Quán Gánh phải thực hiện gần 20 công đoạn. Mỗi công đoạn lại yêu cầu sự tỉ mỉ, kỳ công riêng, từ chọn gạo, ngâm gạo, đồ xôi, giã, đến bao nhân và gói lá...

banh day quan ganh tat bat nhung ngay can tet
Bà Phạm Thị Minh Cậy cho biết bánh dày gói lá dong xanh đẹp và giữ hương vị hơn so với gói bằng lá chuối

Để chuẩn bị cho mẻ bánh ra lò, người làm bánh phải dậy từ mờ sớm. Nhân lực làm bánh phải chia ra người thổi xôi, người đánh đậu xanh, người làm nhân, người gấp lá. Mỗi công đoạn đều cần sự khéo léo nhưng phải thật nhanh để có bánh mới kịp bán hàng từ sáng sớm.

“Chiếc bánh dày làng Quán Gánh có vị dẻo thơm của xôi nếp, màu xanh non của lá dong, độ thơm ngậy của đậu, thịt được pha trộn cùng với những hương liệu khác mà chỉ có người Quán Gánh mới có bí quyết làm nên được hương vị đặc trưng” – bà Cậy chia sẻ.

Theo tìm hiểu, hiện trong vùng chỉ còn khoảng 30 hộ còn giữ nghề làm bánh dày. Mỗi ngày trung bình một hộ làm hết 15kg gạo, thu lãi 100 – 200 ngàn đồng. Năm nào cũng vậy, từ đầu tháng Chạp cho đến 30 Tết, các gia đình chuyên làm bánh lại thức trắng đêm để cho ra lò hàng trăm chiếc bánh dày nồng mùi gạo nếp, đỗ xanh, lá dong.

Bánh dày Quán Gánh đã dần khẳng định vị thế ưu ái và niềm tin của người tiêu dùng, không chỉ nổi tiếng trong vùng, mà rất nhiều du khách trong và ngoài nước cũng thường về đây đặt bánh, mang đi biếu, tặng như là một sản vật nức tiếng của quê hương và không thể thiếu trong những mâm cỗ ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này