Tết của những người nghèo khổ

22:44 | 05/01/2018
Tết Nguyên đán Mậu Tuất đang đến gần. Trong niềm hạnh phúc của những người no đủ sung sướng, còn có những gia đình nghèo khổ, áo không đủ ấm, cơm chưa đủ no.
tet cua nhung nguoi ngheo kho Ấm tình người trong phiên chợ Tết 0 đồng
tet cua nhung nguoi ngheo kho Những phận đời bám bến xe

Họ đang gồng mình với những căn bệnh hiểm nghèo hoặc cô đơn trong căn nhà sắp đổ. Họ là những người nghèo nhất trong những người nghèo của xã hội. “Xin đừng quên họ khi tết đến xuân về”- thông điệp nhân ái gửi đến tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân- những tấm lòng vàng trên mọi miền Tổ quốc.

Những cảnh đời cơ cực

tet cua nhung nguoi ngheo kho
Cháu Vy Văn Đại ở Lạng Sơn

Xin được bắt đầu với em Vy Văn Đại, cậu bé dân tộc Nùng học lớp 9B Trường THCS xã Thiện Kỵ- Hữu Lũng - Lạng Sơn với thân hình tật nguyền dị dạng. Nhiều năm qua, thế giới của em là chiếc chiếu nhỏ và chồng sách giáo khoa. Đó cũng chính là ánh sáng cuộc đời để em phấn đấu làm người “tàn nhưng không phế”.

Em Vy Văn Đại được coi như cậu bé Nguyễn Ngọc Ký ở vùng biên giới xứ Lạng này không chỉ vì viết chữ bằng chân, mà còn có tinh thần nghị lực vượt lên số phận tật nguyền và hoàn cảnh vô cùng éo le.

Chuyện đời của Đại được bà nội của em là Thiện Thị Chung kể trong đau buồn: Khi sinh ra được hơn một tháng, mẹ em đã bỏ đi biệt tích vì biết con mình bị tật nguyền, chân tay cong queo. Để có tiền chữa chạy cho em và nuôi sống cả gia đình , bố em phải đi làm thuê tận Đắk Nông, để Đại cho ông bà nội chăm sóc. Những đồng tiền ít ỏi của người cha chỉ chữa chạy được đôi chân em lành lặn, còn đôi tay thì ngày càng nặng hơn.

Không để cháu mình thất học, bà nội đã mua sách về dạy chữ cho em tại nhà. Ngày tháng trôi qua, Đại lớn lên trong tình thương yêu của ông bà nội. Chắt chiu từng ngàn tiền lẻ mua sách, với ý chí ham học và bằng nghị lực vượt qua mặc cảm tật nguyền, em đã học hết chương trình phổ thông cơ sở, 9 năm liền đạt học sinh tiên tiến.

Nói về chuyện học tập, em Đại buồn rười rượi: “Có lẽ em sẽ không học tiếp đâu anh ạ, em chỉ mong sao tìm được một nghề phù hợp với mình mà thôi. Nếu em được học lên cấp ba, phải đi hơn chục cây số đường rừng mà ông bà thì già yếu không đưa em đi được”.

Trên dải đất hình chữ S Việt Nam, mảnh đất Quảng Bình không chỉ là “vùng trũng” giữa “hai đầu đất nước”; mà còn là miền đất khắc nghiệt của khí hậu thời tiết “đông giá lạnh, hè nóng bức, thu bão tố cuồng phong”. Ở đó có nhiều cảnh đời lầm than cơ cực. Trong nhiều con người bệnh tật, nghèo khổ, phải kể đến cháu cháu Trần Nhật Anh (sinh năm 2014) với căn bệnh không có hậu môn, teo thực quản.

tet cua nhung nguoi ngheo kho
Cháu Trần Nhật Anh. Bố cháu cho cháu ăn bằng ống xông bơm trực tiếp vào dạ dày

Sinh ra từ xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa tỉnh Quảng Bình, mẹ bé Nhật Anh là giáo viên cấp 1, bố là công nhân đường sắt, đồng lương nhỏ nhoi không đủ mưu sinh hằng ngày, con bị bệnh hiểm nghèo gia đình bế tắc.

Mẹ bé Nhật Anh- chị Hoàng Thị Hồng Thúy nghẹn ngào trong nước mắt bên con trai đang thoi thóp sống từng ngày với căn bệnh không có hậu môn, teo thực quản. “Em không biết con mình được sống bao ngày nữa. Nhưng còn sống được ngày nào, vợ chồng cố gắng bên con ngày đó”, chị Thúy khóc nghẹn.

Chị Thúy kể lại, lúc mới sinh ra, cháu Trần Nhật Anh (sinh năm 2014) khoẻ mạnh bình thường, nặng hơn 2,4 kg, nhưng 3 ngày sau chỉ còn 1,7 kg, da tím tái, bú xong là ói ra liền, bụng chướng và không thể đi đại tiện. Vợ chồng vội bồng con lên bệnh viện huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Tại đây các bác sĩ cho biết, cháu Nhật Anh cháu bị teo thực quản và không có hậu môn.

Ngay sau đó cháu chuyển gấp vào Bệnh viện Trung ương Huế phẫu thuật để cứu sống. Các bác sĩ cho biết: “Có phẫu thuật thì tỷ lệ sống của cháu không quá 20%, gia đình nên chuẩn bị tâm lý trước”. Vợ chồng chị Thúy gạt nước mắt và quyết định phẫu thuật cho con. Tại đây, các bác sĩ đã phẫu thuật mổ hở, đưa ống thực quản ra ngoài da, làm ống hậu môn nhân tạo đi tiêu qua bụng, đặt ống xông bơm thức ăn trực tiếp vào dạ dày.

Điều kiện đi lại xa xôi, vừa không đủ tiền mua thuốc cho con, chị Thúy phải xin cho con về nhà tự chăm sóc sau 2 tháng điều trị ở bệnh viện. Nhưng chỉ hơn tuần sau, cháu Anh bị viêm phúc mạc do hở miếng nối, vợ chồng lại bồng con trở lại Bệnh viện Trung ương Huế để phẫu thuật ổ bụng hút dịch. Lần này, các bác sĩ nói phải phẫu thuật 5 lần mới có thể cứu sống được cháu bé.

Tấm lòng người mẹ thương con, chị Thúy bồng con vào Bệnh viện Nhi đồng 2 Tp Hồ Chí Minh với hi vọng còn nước còn tát. Hiện tại cháu Nhật Anh bị thêm bệnh viêm phổi do tràn dịch, viêm ruột, tiểu cầu giảm nên chưa thể phẫu thuật lần thứ ba. Sự sống của cháu mong manh từng ngày. Hoàn cảnh gia đình chị Thúy quá khó khăn. Bố cháu- anh Trần Văn Quân (SN 1982) là công nhân đường sắt.

Từ ngày con bệnh, chị Thúy xin nghỉ không lương, anh Quân chạy vạy khắp nơi vay tiền chữa bệnh cho con, căn nhà trống hoác ở quê chẳng còn gì để bán. Sức khỏe của cháu Nhật Anh hiện tại như ngọn đèn trước gió. “Bây giờ em chẳng biết trông cậy vào đâu, bệnh con thì ngày một xấu đi. Kinh tế cạn kiệt, tài sản chỉ còn lại căn nhà lá ở quê. Vợ chồng em như đi vào ngõ cụt”, Chị Thúy nghẹn ngào khóc.

tet cua nhung nguoi ngheo kho
Thiếu úy Đinh Văn Đồng và con trai với căn bệnh hiếm gặp Viêm da cơ

Trên chiếc giường cũ kỹ trong căn nhà cuối hẻm, nhìn Thiếu úy Đinh Văn Đồng (nhân viên cơ điện hiện công tác tại nhà giàn DK1, Tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân) xoa, bóp chân tay cho con trai Đinh Hòang Quân ( sinh 2011), bị liệt toàn thân do bệnh viêm da cơ biến chứng liệt chi, chúng tôi không kìm được xúc động.

Phải thuyết phục mãi, Thiếu úy Đồng mới chia sẻ về hoàn cảnh gia đình và bệnh của cháu bé. “Khi đẻ ra, cháu bình thường, nhưng chờ mãi, đến hơn 2 tuổi mà chẳng thấy cháu đi, đứng. Bỗng dưng từ trước Tết Nguyên đán bốn năm trước, cháu sốt cao, mẩn ngứa. Vội đưa đến bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, rồi bệnh viện nhi đồng 2 Tp. HCM, tại đây, các bác sĩ cho biết cháu bị viêm da cơ, thể biến chứng không có khả năng hồi phục.

Hiện toàn thân cháu bị liệt, không ngồi, không đứng được. Tất cả ăn uống, vệ sinh đều do mẹ bé và bà ngoại giúp đỡ. Các bác sĩ cho biết, đây là bệnh hiếm gặp trên thế giới. Ở Việt Nam, 10 năm qua chỉ có một trường hợp. Những người bị bệnh này viêm cơ nhiều nơi, kể cả cơ tim, phổi, suy tim, suy hô hấp và sơm tử vong. Hiện tại chưa tìm ra phương pháp điều trị”, anh Đồng cho biết.

Mặc con trai bị bệnh hiểm nghèo, Thiếu úy Đồng vẫn ngày đêm bám biển và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cả năm làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu Tổ quốc, đồng lương khiêm tốn không đủ mua thuốc duy trì sự sống cho con. Mỗi khi nhớ con, anh chỉ biết gọi điện về thăm hỏi.

Tuy không nghe được tiếng con trai nói, nhưng anh cảm nhận được nỗi đau đớn mà con đang gánh chịu. Vợ làm giáo viên, đồng lương “ba cọc ba đồng” của cô giáo trẻ luôn thiếu trước hụt sau, cuộc sống gia đình chồng chất khó khăn. Điều lo nhất của anh Đồng hiện nay là bệnh của cháu Quân ngày một xấu đi. Nhìn con đau đớn anh tuyệt vọng, chẳng biết làm gì được.

Cần lắm những tấm lòng nhân ái

Người Việt Nam có tinh thần “tương thân tương ái”, “thương người như thể thương thân”, “một con ngựa đau, cả tàu chạy cỏ”. Đó không chỉ là nét đẹp, nghĩa cử cao quí xuất phát từ tình nhân loại; mà còn là sự đối xử nhân văn nhất giữa con người với con người.

Mặc dù chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong những năm qua đã có nhiều đổi mới, quan tâm đến đời sống của người nghèo, bệnh tật hiểm nghèo, những nạn nhân chất độc gia cam dioxin… song chế độ trợ cấp còn hạn chế. Sự quan tâm ấy chưa đủ để những gia đình, những cảnh đời cơ cực sinh sống, chữa bệnh.

Ba trường hợp điển hình ở ba miền Bắc, Trung, Nam trong hàng triệu gia đình nghèo khó trên mọi miền Tổ quốc mà chúng tôi đã tận mắt chứng kiến, hơn lúc nào hết, họ luôn cần được sự quan tâm, sẻ chia của cộng đồng xã hội, của những tổ chức, đơn vị, cá nhân- những mạnh thường quân giàu lòng nhân ái.

Mai Thắng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này