Nỗ lực khôi phục dòng tranh Đỏ

11:31 | 02/01/2018
Tưởng chừng như bị biến mất, sau gần một thế kỷ, dòng tranh dân gian Kim Hoàng đang “hồi sinh” mạnh mẽ. Dự án “Khôi phục dòng tranh dân gian Kim Hoàng” do nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa và các cộng sự khởi xướng đã nhận được sự hưởng ứng rất lớn từ cộng đồng.
no luc khoi phuc dong tranh do Những bức tranh độc đáo trên phố
no luc khoi phuc dong tranh do Cùng bé sáng tạo, khám phá tranh Tết 2017

Nét riêng biệt độc đáo

Dòng tranh dân gian Kim Hoàng (thuộc làng Vân Canh, huyện Hoài Đức -Hà Nội) được hình thành vào nửa sau thế kỷ 18. Theo sách Đồ Họa cổ Việt Nam, dân làng này di cư từ Thanh Hóa ra Bắc năm 1701 gồm hai làng Kim Bảng và Hoàng Bảng hợp nhất lại. Nhận thấy tranh Đông Hồ chỉ đủ cung ứng cho mạn Hà Bắc, Hải Dương, Nam Định.

Tranh Hàng Trống chỉ đủ cho Hà Nội và không thích ứng lắm với nông dân cả về thẩm mỹ và túi tiền, họ quyết tâm tạo ra dòng tranh mới kết hợp cả hai kỹ thuật Đông Hồ và Hàng Trống. Hai dòng họ Nguyễn Sỹ và Nguyễn Thế đi đầu trong việc tổ chức vẽ và in tranh. Từ rằm tháng 11 âm lịch, làng bắt đầu làm tranh. Đầu tiên cúng tổ nghề, sau đó ván in được trưởng phường giao cho dân làng in, in xong lại giao nộp lại cho trưởng phường.

no luc khoi phuc dong tranh do
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên thăm cơ sở tranh dân gian

Tranh Kim Hoàng có đủ loại tranh thờ cúng, tranh chúc tụng như một số dòng tranh khác cùng thời (Đông Hồ, Hàng Trống). Nhưng tranh Kim Hoàng lại biết kết hợp nhiều ưu điểm của hai dòng tranh đó.

Tranh Kim Hoàng có nét khắc thanh mảnh, tỉ mỉ hơn tranh Đông Hồ, màu sắc lại tươi như tranh Hàng Trống. Chính vì thế dòng tranh này mang những giá trị riêng. Ngoài ra tranh Kim Hoàng có một điểm đặc biệt, là những câu thơ Hán tự được viết theo lỗi chữ thảo trên góc trái bức tranh. Cả thơ và hình tạo nên một chỉnh thể hài hòa, chặt chẽ cho tranh.

Tranh Kim Hoàng không sử dụng giấy điệp như tranh Đông Hồ hay giấy dó như tranh Hàng Trống mà in trên nền giấy đỏ, giấy hồng điều hoặc giấy vàng tàu nên còn gọi là tranh Đỏ. Ở tranh Kim Hoàng, các nghệ nhân chỉ sử dụng một bản khắc để in nét đen lên giấy rồi dựa vào đó mà tự do chấm phá màu sắc theo cảm xúc riêng của mỗi người. Vì thế, mỗi bức tranh có sự phóng khoáng và diện mạo riêng, dù cùng in ra từ một bản khắc. Đây là điểm ưa chuộng nhất ở tranh Kim Hoàng.

Tuy nhiên, không may vào năm 1915 nạn lụt lớn đã cuốn trôi rất nhiều ván in, tiếp theo là mất mùa, đói kém, dòng tranh này suy thoái đến năm 1945 thì mất hẳn. Với tình yêu di sản, đau đáu với việc phục dựng lại dòng tranh một thời của Thủ đô, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa – Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội đã bỏ công sức hơn 3 năm qua để phục hồi lại làng tranh.

no luc khoi phuc dong tranh do
Các nghệ nhân đang khôi phục tranh.

Phát triển làng tranh Kim Hoàng

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa, phục hồi dòng tranh dân gian đặc sắc này là vô cùng khó khăn. Bà Hòa cho biết: “Sau năm 1945, không một nghệ nhân nào theo nghề, chỉ còn lại những bức tranh và bản khắc được lưu giữ ở các bảo tàng, sưu tập tư nhân trong nước và nước ngoài. Việc khôi phục những bản khắc gỗ của tranh Kim Hoàng được thực hiện dựa trên một số hình ảnh được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, và đặc biệt là trong cuốn sách Imagerie populaire Vietnamienne của nhà nghiên cứu người Pháp Maurice Durand, xuất bản năm 1960. Hiện dự án mới khôi phục được khoảng 30 mẫu tranh trong tổng số 100 mẫu”.

Không chỉ nỗ lực phục dựng lại tranh Kim Hoàng, trong các mẫu tranh Kim Hoàng có nhiều mẫu là những linh vật như gà, lợn, ngựa.... và năm nay tết 2018, bà Hòa đã và đang nghiên cứu tạo ra mẫu tranh Nghê - Linh vật Việt nhằm quảng bá biểu tượng linh vật hưởng ứng công văn số: 2662 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên đánh giá cao công tác triển khai Công văn 2662 ở Hoài Đức, đặc biệt là sử dụng các linh vật Việt trong việc khôi phục lại dòng tranh dân gian Kim Hoàng. Thứ trưởng cho rằng, việc giữ gìn giá trị văn hóa của dân tộc là vô cùng cần thiết.

Để có được những bản khắc tranh hiện có, nhóm nghiên cứu đã phải nhờ cậy trên 30 nghệ nhân đến từ các làng tranh dân gian truyền thống nổi tiếng từ Bắc chí Nam như: Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống (Hà Nội), Làng Sình (Huế)… Bên cạnh việc khôi phục các bản khắc cổ, làng tranh còn sáng chế một số mẫu mới mô phỏng hình ảnh linh vật thuần Việt, cử người đi học các lớp mỹ thuật, Hán nôm, tìm hướng mở rộng mặt bằng sản xuất, tổ chức các lớp học in ấn tranh ngoại khóa cho thanh, thiếu niên ở địa phương...

Sau nhiều công sức bỏ ra, lần đầu tiên sau gần một thế kỷ, người dân Thủ đô đã được chiêm ngưỡng dòng tranh dân gian này tại “Triển lãm 12 dòng tranh dân gian tiêu biểu Việt Nam” được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hồi tháng 8/2016. Tết Đinh Dậu 2017, tranh Kim Hoàng đã xuất hiện tại thị trường và được công chúng đón nhận, các nhà chuyên môn đánh giá cao. Quầy tranh Tết của bà tại Văn Miếu Quốc Tử Giám và các hội chợ đã bán sạch các bản tranh Kim Hoàng mang đến. Vừa qua, nghệ nhân của làng tranh Kim Hoàng đã sang Hàn Quốc để giới thiệu với bạn bè quốc tế.

Tại đây, tranh Kim Hoàng của Việt Nam cùng tranh dân gian của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… đã được giới thiệu tới đông đảo công chúng Hàn Quốc và đặc biệt là hơn 200 em học sinh cấp 1 và 2 ở Thủ đô Seoul và các tỉnh lân cận. Nghệ sĩ Phạm Khắc Quang và nhà nhiếp ảnh Lê Bích đã trực tiếp hướng dẫn các học sinh in tranh, vẽ tranh Kim Hoàng. Các chuyên gia tranh dân gian của các nước bạn cũng rất thích thú khi được biết thêm về tranh Kim Hoàng. Đặc biệt, người Hàn Quốc rất thích tranh gà thần Kim Hoàng, được biết ý nghĩa về bài thơ ghi trên tranh, về tính tâm linh của tranh.

Dự án “Khôi phục dòng tranh dân gian Kim Hoàng” do bà và các cộng sự khởi xướng đã nhận được sự hưởng ứng rất lớn từ cộng đồng, đặc biệt là người dân xã Vân Canh. Bên cạnh đình làng Kim Hoàng, bà Thu Hòa đã được chính quyền và nhân dân cho mượn địa điểm trong khuôn viên Nhà truyền thống xã Vân Canh để làm nơi sản xuất, truyền dạy nghề làm tranh.

Không chỉ nỗ lực phục dựng lại tranh Kim Hoàng, trong các mẫu tranh Kim Hoàng có nhiều mẫu là những linh vật như gà, lợn, ngựa.... và năm nay tết 2018, bà Hòa đã và đang nghiên cứu tạo ra mẫu tranh Nghê - Linh vật Việt nhằm quảng bá biểu tượng linh vật hưởng ứng công văn số: 2662 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên đánh giá cao công tác triển khai Công văn 2662 ở Hoài Đức, đặc biệt là sử dụng các linh vật Việt trong việc khôi phục lại dòng tranh dân gian Kim Hoàng.

Thứ trưởng cho rằng, việc giữ gìn giá trị văn hóa của dân tộc là vô cùng cần thiết. “Văn hoá là bản chất cốt lõi của các dân tộc, hình thái kinh tế có thể mất đi nhưng văn hoá thì không. Việt Nam đang ở thời kỳ kinh tế phát triển hội nhập, tuy nhiên hội nhập nhưng không thể hoà tan. Vì thế, chúng ta phải chung tay đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hoá của dân tộc… Các cấp ngành, lãnh đạo địa phương, nhân dân cùng chung tay gìn giữ di sản quý báu của Thủ đô, đưa tranh Kim Hoàng giới thiệu tới nhiều điểm di tích, du lịch trong và ngoài thành phố, phát triển Kim Hoàng trở thành làng nghề gắn với du lịch” - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thời gian tới, bà Hòa mong muốn sớm xuất bản được cuốn sách về tranh Kim Hoàng, đồng thời rất muốn thành lập được một trung tâm ở chính cái nôi của dòng tranh quý này: xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội. “Hiện tại chúng tôi đã xúc tiến với chính quyền địa phương để mong trung tâm này sớm được định hình, trở thành điểm đến cho du khách và bất cứ ai muốn tìm hiểu nghề làm tranh Kim Hoàng. Dịp Tết sắp tới, chúng tôi sẽ đưa mẫu Nghê - linh vật của Việt Nam ra mắt và tiến tới sẽ hoàn thiện bộ 12 con giáp của Kim Hoàng. Ngoài ra sẽ in mẫu tranh Kim Hoàng trên phong bao lì xì để đa dạng hóa sản phẩm và góp phần lan tỏa hơn” – bà Hòa cho biết.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này