Khắt khe để giữ gìn văn hoá Thăng Long - Hà Nội

09:04 | 02/01/2018
Văn hóa là động lực của sự phát triển. Xưa các cụ từng nói “Không thơm không thể hoa nhài, không thanh lịch không phải người Tràng An”. Tuy nhiên, cùng với dòng chảy của thời gian, những giá trị văn hóa truyền thống đang ngày một mai một, thậm chí biểu hiện lệch lạc đến mức xuống cấp. 
khat khe de giu gin van hoa thang long ha noi “Hỗ trợ du lịch Thăng Long - Hà Nội”: Hành động nhỏ - Ý nghĩa lớn
khat khe de giu gin van hoa thang long ha noi Nguyện chung sức vì Hà Nội giàu đẹp, văn minh

Để tạo môi trường xã hội thực sự văn hóa, để mỗi con người cư xử với nhau thực sự có văn hóa, Thành ủy Hà Nội đã ban hành các Quy chế về ứng xử văn hóa trong cán bộ, công nhân viên chức lao động và cộng đồng xã hội. Cùng với sự vào cuộc của hệ thống thông tin, truyền thông hy vọng quyết tâm xây dựng một môi trường xã hội thực sự có văn hóa của Thành phố sẽ thành công. Và cốt lõi, để làm sao thực sự như cố nhà thơ Tố Hữu đã viết “Người với người sống để yêu nhau”. Nhân dịp năm mới, xung quanh vấn đề này, LĐTĐ đã có cuộc trao TS Nguyễn Viết Chức – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Quốc hội, Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hoá Thăng Long và một số văn nghệ sĩ về vấn đề này.

khat khe de giu gin van hoa thang long ha noi
TS Nguyễn Viết Chức

PV: Thưa ông, câu chuyện văn hoá ứng xử luôn là vấn đề “nóng”. Ông có thể đánh giá thế nào về văn hoá ứng xử của người Hà Nội hiện nay?

TS Nguyễn Viết Chức: Theo tôi, về cơ bản đa phần người dân Thủ đô vẫn giữ được truyền thống thanh lịch của người Tràng An, của người dân đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến. Tuy nhiên không thể phủ nhận không ít người có những hành vi vô ý thức diễn ra hàng ngày ở mọi thành phần, lứa tuổi trong xã hội. Hàng ngày, chúng ta phải chứng kiến những hình ảnh phản cảm khi những người tham gia giao thông cố tình đi lấn làn, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, phóng nhanh, vượt ẩu…

Ở những nơi công cộng như các bến tàu xe, nhà ga, công viên, hành lang bệnh viện và nhiều nơi khác, hình ảnh người hút thuốc lá trước biển “cấm hút thuốc” không phải hiếm. Sau các ngày lễ lớn, nhiều tuyến phố và các công trình văn hóa tràn ngập rác thải. Rồi, vì lợi nhuận một số người bán hàng không ngần ngại “chặt chém”, chèo kéo khách, bán cho khách “bún mắng, cháo chửi”… Mặc dù, những hiện tượng này không đại diện cho văn hoá Hà Nội, nhưng cái xấu phơi bày ra trước mắt khiến mọi người rất khó chịu.

Có nhiều ý kiến cho rằng chính sự nhập cư từ nơi khác và sự du nhập văn hoá không chọn lọc khiến văn hoá Hà Nội có những sự biến đổi. Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân thực sự khiến văn hoá ứng xử của không ít người xuống cấp như vậy?

Nguyên nhân xuống cấp trong một số ít người, không phải chỉ là do sự nhập cư. Nhưng quả thực sự phát triển xô bồ cũng khiến văn hoá Hà Nội bị ảnh hưởng. Nhưng nếu cứ đổ hết cho người nhập cư thì cũng không công bằng! Những người Hà Nội gốc phải nêu gương tốt và cũng cần tự hỏi mình đã làm được gì để giữ gìn và phát huy văn hoá truyền thống Thăng Long- Hà Nội ngàn năm văn hiến? Nói chung không nên đổ hết lỗi cho người khác. Đấy cũng chính là nét thanh lịch của người Tràng An. vậy! nguyên nhân thực sự theo tôi là mọi người chưa thích ứng kịp với cuộc sống đô thị và với sự phát triển “nóng” của đời sống kinh tế thị trường, bị đồng tiền chi phối.

Không thích ứng kịp dễ làm cho người ta có hành vi lệch chuẩn văn hoá trong ứng xử mà trở nên xa cách, lừa lọc lẫn nhau, phai nhạt tình cảm gia đình, cãi nhau, chửi bới hàng xóm láng giềng, mang tiếng cho Thủ đô “sở hữu món phở chửi, bún mắng”!... Ở đây, quan điểm của tôi là không phân biệt người gốc Hà Nội hay người từ nơi khác đến. Đã ở Thủ đô, ai cũng phải thực hiện quy tắc ứng xử chung để môi trường sống của mình được đảm bảo, tốt đẹp. Đặc biệt, người nhập cư càng phải thích ứng với đời sống đô thị, vì Hà Nội không giống với làng, xã mà là phố phường...

khat khe de giu gin van hoa thang long ha noi
Một nét đẹp trong văn hóa ứng xử (ảnh minh họa)

Năm 2017, Hà Nội có một sự kiện văn hóa đặc biệt được mọi người quan tâm, đó là sự ra đời của “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Ông đánh giá thế nào về hai bộ quy tắc này?

Tôi cho đây là một cố gắng rất lớn của ngành văn hoá Thủ đô nói riêng và toàn ban ngành của thành phố Hà Nội nói chung. Không ai có thể làm ra một bộ quy tắc bao trùm hết các tình huống, các đối tượng... để ứng xử. Xã hội hiện đại có quá nhiều các tình huống khác nhau, quá nhiều các hoàn cảnh khác nhau. Chẳng hạn ứng xử trong các cơ quan làm việc, khi tham gia giao thông phải như thế nào, ứng xử tại các nơi công cộng ra sao... Bộ quy tắc ứng xử không phải là luật, nhưng nó khuyên mọi người nên ứng xử như thế nào trong những tình huống khác nhau để hài hoà với nhau. Nếu có ai nói tại sao Thủ đô lại khắt khe khi xây dựng bộ quy tắc như thế, tôi cho rằng sự khắt khe ấy là cần thiết để giữ gìn văn hoá truyền thống Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Điều thứ hai tôi muốn nhấn mạnh ở đây là bộ quy tắc thoả mãn nhu cầu cần thiết của người dân. Người dân mong muốn có bộ quy tắc này như là một chuẩn mực ứng xử giao tiếp. Đa phần người dân đều cảm thấy khó chịu khi ứng xử không có chuẩn mực ở mọi ngành lĩnh vực, trong cơ quan, ra ngoài đường hay về nhà... Vậy nên, hai bộ quy tắc là thể hiện một sự cố gắng rất lớn của ngành văn hoá Thủ đô, đáp ứng nhu cầu thực tế cần thiết của đời sống hiện đại…

khat khe de giu gin van hoa thang long ha noi
Người lớn ứng xử có văn hóa sẽ góp phần nuôi dưỡng tâm hồn các em. Ảnh minh họa.

Thưa ông, làm thế nào để sang năm mới, cái xấu giảm xuống, cái đẹp được nâng lên?

Chúng ta, những công dân Thủ đô cần giữ gìn truyền thống người Tràng An thanh lịch và phát huy nó trong cuộc sống hiện đại. Bất kỳ ai sinh sống, làm việc, học tập ở Thủ đô Hà Nội hãy vận dụng những bộ quy tắc ấy để ứng xử sao cho văn minh lịch sự, xứng đáng với truyền thống của Thủ đô yêu dấu. Hãy thể hiện lòng yêu mến Hà Nội bằng hành động giữ gìn những nét đẹp văn hoá trong ứng xử, giao tiếp. Xếp hàng trật tự, nói một lời hay, một cử chỉ giúp đỡ, hay không khạc nhổ vứt rác bừa bãi... đâu có lấy mất của ai một thứ gì.

Đặc biệt là những bạn thanh niên, những người trẻ tuổi năng động, nhiệt huyết, phóng khoáng... nhưng không vì thế mà cho phép mình buông thả trong ứng xử, trong ăn mặc cũng như phát ngôn. Các bạn trẻ hãy biết tự rèn luyện bản thân, vận dụng bộ quy tắc để căn chỉnh văn hoá ứng xử của mình. Đây không phải là những giáo điều cổ hủ, lỗi thời mà ngược lại là yêu cầu của cuộc sống hiện đại. Người Thủ đô tuy không phải gánh một trách nhiệm cụ thể được ai đó giao, nhưng phải tự biết gắn cho mình trách nhiệm là con người đại diện cho đất nước Việt Nam, giữ vững được truyền thống tốt đẹp và tiếp thu tinh hoa văn hoá thế giới, của thời đại.

Đối với người lao động, đó là mỗi người nên biết tôn trọng sức lao động của người khác thông qua ứng xử của mình. Những người vứt rác bừa bãi, tức là không biết trân trọng, không biết chia sẻ nỗi khó khăn, vất vả của những công nhân, những người làm vệ sinh môi trường. Cũng nên nhớ rằng cần giữ gìn cảnh quang, môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội tốt đẹp cũng chính là giữ gìn sức khoẻ của mình để lao động tốt hơn.

Đối với người lao động, đó là mỗi người nên biết tôn trọng sức lao động của người khác thông qua ứng xử của mình. Những người vứt rác bừa bãi, tức là không biết trân trọng, không biết chia sẻ nỗi khó khăn, vất vả của những công nhân, những người làm vệ sinh môi trường. Cũng nên nhớ rằng cần giữ gìn cảnh quang, môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội tốt đẹp cũng chính là giữ gìn sức khoẻ của mình để lao động tốt hơn.

Về phía chính quyền, các cơ quan chức năng cần phải tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân về văn hoá ứng xử. Với bộ quy tắc rất dài, rất nhiều các tình huống cụ thể để có thể áp dụng thành thói quen cần có sự luyện tập, rèn luyện thường xuyên, không thể một sớm một chiều. Muốn vậy các cơ quan chức năng cần kiểm tra sát sao, thậm chí là đi thực tế thường xuyên, tại các bến xe, các công viên, hay ngay trong ngày lễ, Tết... để kiểm tra, đánh giá, thậm chí nhắc nhở công khai tại chỗ. Để làm được việc đó cần phải có sự phối hợp liên ngành văn hoá – công an – môi trường, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, liên đoàn lao động... cùng các cấp từ quận huyện – phường xã chung tay vào cuộc.

Khi bộ quy tắc đã trở thành chuẩn mực ứng xử trong xã hội, bản thân mỗi người làm điều gì đó sai sẽ trở nên bất bình thường, mỗi hành vi xấu sẽ bị cả cộng đồng lên án, khi đó bộ quy tắc mới thực sự đi vào cuộc sống. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần lưu ý lắp đặt thêm nhiều thùng rác công cộng, nhà vệ sinh công cộng để tiện cho người dân bỏ rác đúng quy định, đi vệ sinh đúng chỗ... Nói khái quát là phải tạo điều kiện thuận lợi nhất, cả về vật chất và tinh thần để người dân thực hiện bộ quy tắc ứng xử.

Nhà văn – nhà báo Nguyễn Văn Học:

Nên giáo dục thuần phong mỹ tục cho giới trẻ

Chưa bao giờ vấn đề ứng xử nơi công cộng của người Việt lại trở nên đáng quan ngại như hiện nay. Từ thành phố tới nông thôn, đâu đâu cũng thấy những cảnh chướng tai gai mắt. Từ chuyện học sinh chửi tục, không chịu nhường nhịn bạn và đánh cãi nhau đến nhiều thanh niên chỉ mải “chém gió” trên bàn nhậu. Từ chuyện vứt rác bừa bãi, thiếu tôn trọng môi trường riêng đến việc tham gia giao thông bất chấp luật pháp. Ngay như ở Hà Nội, đang hướng tới phát triển đô thị thông minh, thì những lối ứng xử thiếu thông minh, thiếu văn hóa vẫn đang diễn ra.

Để cái xấu giảm đi, nhân thêm những điều tốt đẹp, tăng các hành vi văn hóa, gốc rễ vẫn là gia đình. Gia đình là cái nôi của đứa trẻ. Gia đình rèn rũa ứng xử tốt, thì con cái biết phân biệt phải trái, kính trên nhường dưới. Ra đường, tham gia vào cộng đồng thì các em sẽ biết cư xử đúng mực. Lớn lên, đến trường sẽ biết tôn trọng thầy cô, bè bạn. Thực tế chứng minh rằng, dù bối cảnh xã hội có tha hóa đến đâu, nếu giữ được nề nếp, gia phong gia đình thì người ta vẫn có bản lĩnh đối phó với cái xấu.Sau đó là nhà trường. Nơi đó cần phải là chỗ thường xuyên giáo dục về văn hóa ứng xử. Cho các em biết thế nào là ăn mặc đẹp, giản dị mà vẫn sang. Xây dựng cho các em văn hóa giao thông, tuân thủ pháp luật ngay từ khi còn học vỡ lòng…

Ngoài ra các cơ quan chức năng cũng nên kiểm soát mạng xã hội, facebook chặt chẽ hơn. Đó là môi trường ảo nhưng hệ quả thật. Nhiều hành vi ứng xử thiếu văn hóa, không kiềm chế được ở trên mạng xã hội đã “bung vỡ” ở ngoài đời thật. Từ chuyện nói xấu nhau trên mạng xã hội, đã dẫn đến ẩu đả, đánh hội đồng ở nơi công cộng. Bởi vậy, cần phải giúp cho xã hội có thói quen sử dụng facebook như là công cụ để học hỏi, giao lưu, lấy thông tin, chia sẻ có văn hóa.

Nhà văn - Nông Quốc Lập :

Nâng cao giá trị văn hóa tinh thần góp phần làm giảm đạo đức xã hội xuống cấp

Năm 2017 nếu ai theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng thấy có quá nhiều chuyện không hay xảy ra, từ việc bắt cóc, hiếp dâm rồi giết chết nạn nhân chặt xác ra nhiều mảnh. Đến những vụ tai nạn giao thông làm chết nhiều người, trong đó có những vụ mà người ta cố tình có ý làm bậy. Những người có tâm chỉ nghe, xem hình ảnh thôi đã thấy rùng mình bất an. Tôi từng nghe nhiều người rỉ tai nhau “nếu gặp những vụ tai nạn giao thông chớ dại mà lại gần mang họa vào thân”. Cứu người như cứu hỏa, cứu một mạng người còn hơn xây bảy tòa tháp, cứu một mạng người phúc đẳng hà sa kinh Phật dạy vậy. Lời dạy chí lý đầy tình thương tình người. Vậy mà sao có người lại từ chối cứu người? Theo họ lý giải nếu đến gần sẽ bị người ta vu vạ cho là người đã gây ra tai nạn cho họ, đến để lục lấy đi tài sản, tiền bạc của họ…

Đạo đức xã hội xuống cấp, phải chăng người ta quá đề cao giá trị vật chất mà coi nhẹ giá trị tinh thần? Thời buổi này cái gì cũng được quy đổi ra tiền, coi tiền là thước đo giá trị mà họ quên một điều rằng, sai lầm lớn nhất của đời người là dùng sức mạnh của mình để đổi lấy những vật ngoài thân. Văn hóa đọc xuống cấp, việc nghe nhìn cũng không được quan tâm đúng mức. Tôi không thể hiểu được có những vụ mâu thuẫn nhỏ nhưng người ta sẵn sàng rút dao đâm chết người. Thật nguy hiểm và đáng sợ một xã hội văn minh mà bạo lực tràn lan thì thật đáng buồn.

Làm sao để khơi lại văn hóa đọc, văn hóa ứng xử của bậc ông cha ta? Cuộc sống mà con người ta luôn tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, lá lành đùm lá rách đó là mong muốn của nhiều người. Một khi con người ta sống chỉ biết đến mình, sống không có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội thì những chuyện buồn, những chuyện đau lòng vẫn sẽ xảy ra. Hãy vì chúng ta mà nén lại cái tôi quá lớn của mỗi con người trong xã hội đầy rẫy những cám dỗ, phức tạp.

Đ. Luyện

Phương Bùi

(thực hiện)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này