Đám cưới một thời

09:51 | 24/12/2017
Cuối cùng thì hắn cũng lấy được vợ. Cô vợ mà hắn cưa được trong một lần lượn phố tối thứ 7 quanh Bờ Hồ. Lúc đầu thì cả nhà hắn phản đối ghê lắm vì "nó là nhà buôn bán, không môn đăng hộ đối với nhà mình. Ai đời một cán bộ quân đội lão thành cách mạng mà lại ngồi với "con buôn"?! hhông khéo lại còn "phe phẩy" buôn lậu nữa cũng nên?” - Ấy là nguyên văn lời của bà ngoại hắn nói thế trong buổi họp bàn gia đình về việc hắn xin lấy vợ. 
tin nhap 20171223205142 Còn lại gì sau những tin sai, yêu lầm
tin nhap 20171223205142 Mùa đông này, em không còn cô đơn...
tin nhap 20171223205142 4 kiểu yêu cho thấy tương lai của hôn nhân

Mấy lần hắn đưa nàng về ra mắt gia đình thì lần nào nàng cũng tủi thân ra về nước mắt lưng tròng vì cảm thấy bị coi thường. Chả gì nhà nàng cũng mặt phố tuy chẳng phố cổ nhưng cũng đầu ô hoành tráng. Nhà buôn bán nên dù là thời tem phiếu vẫn dùng toàn hàng “chợ đen”, ăn ngon mặc đẹp chứ không như nhà hắn suốt đời áo “đại cán”, “xe vĩnh cửu”. Tối thứ 7 nào hắn cũng xuống nhà nàng đưa nàng đi chơi, đi xem phim. Phim thì toàn mua vé phe chợ đen đắt đến ba bốn lần mà vào rạp.

May nhờ có bà cô hắn từ tận Nha Trang ra thuyết phục thì cuối cùng gia đình hắn cũng đồng ý cưới cho hắn cô vợ ấy với điều kiện cưới xong về quê mà ở. Đám cưới chả có xem ngày, chỉ ấn định vào một ngày chủ nhật nào đó mọi người được nghỉ làm và quan trọng là cái hội trường cơ quan hắn rảnh và mượn được.

tin nhap 20171223205142
Đám cưới một thời giản dị nhưng bền chặt, vĩnh cửu. (Ảnh: Tuấn Anh)

Ngày ăn hỏi, bố hắn mượn được cái xe Vonga rõ oách của cơ quan để đến nhà gái chỉ với nhõn 2 cái tráp cau trầu và chè mạn, mứt sen, 2 cây Điện Biên bao bạc. Bác lái xe già cứ dặn đi dặn lại nhanh nhanh kẻo xe phải nổ máy đợi, không dám tắt máy vì tắt là.. không khởi động lại được, phải đẩy.

Hôm cưới, cái phông nhẽ ra là phải đôi chim bồ câu có chữ lồng tên cắt xốp nhưng thằng bạn hắn học ở Mỹ thuật Công nghiệp cứ dứt khoát bảo: để tao!. Rồi toàn giấy xé tay, hồ quấy dán lên nhìn cứ là phải ngoẹo đầu căng trán mãi mới lờ mờ hiểu ra hình thù gì.

Nhà hắn có giàn âm thanh A-kai bố hắn bê từ Sài Gòn ra sau giải phóng với cặp loa San-Sui đập tức ngực với mấy bài của Boney M và Abba. Ngày ấy xe đón dâu mà thuê được con Lơ-bô hay Hải Âu là oách lắm, phải cậy nhờ người quen với giấy giới thiệu mang đến công ty xe khách mới thuê được.

Thiệp mời in ra kiểu gì cũng phải có tờ pơ-luya mờ mờ kẹp giữa chia làm hai loại: Loại tiệc ngọt bánh kẹo đại trà và loại có thêm cái giấy con con mời ăn cơm, 2 giờ khác nhau. Quà mừng cưới thì chủ yếu là phích “Tầu”, xoong nồi nhôm Liên Xô, chậu tráng men Rạng đông, thậm chí có cả bếp dầu, chăn Con Công xanh đỏ, chỉ có người nhà mới cho tiền.

Cô dâu về nhà chồng với một dàn phù dâu hùng hậu 7 cô áo dài làm nhà giai cũng phải kiếm đủ 7 anh mặc “củ xếch” cà vạt nghênh đón. Pháo nổ tưng bừng khét lẹt, nhạc xập xình đinh tai nhức óc. Lũ thanh niên mặc áo chim cò, quần loe tay cầm chai bia vỏ xanh Tàu hiệu Li-quang ngoáy hò hét.

Cỗ cưới hệt như cỗ Tết, cũng thịt gà, măng, bóng, nộm… đủ cả nhưng chỉ là chục mâm họ hàng thân thiết trong nhà chứ không như bây giờ cả trăm mâm. Bố mẹ có quà cho con thì cũng là dấm dúi chỉ vàng chứ không có đoạn kiềng đeo đẩy cổ, đầy tay như bây giờ. Cô dâu về nhà chồng là mang theo tiêu chuẩn tem phiếu kiểu “đồng tiền đi liền khúc ruột”.

Vợ chồng hắn cưới xong “về quê” ở, mãi tận Ngã Tư Sở. Đất rộng 1 sào, nhà 5 gian mênh mông bể sở, vợ chồng nuôi lợn, nuôi gà lần hồi rồi cũng khá dần lên. Làng nâng cấp thành phường, đất có giá, nhà hắn bây giờ thành địa chủ xây như biệt phủ giữa phố.

Ngày xưa, chả môn đăng hộ đối gì, cuối cùng cũng nên duyên. Giờ nhớ lại cái đám cưới ngày ấy cách đây 35 năm, hắn vẫn còn rùng mình… hạnh phúc.

Anh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này