Đại tá đặc công, nhà văn quân đội Chu Lai:

"Âm hưởng hòa bình luôn định vị sẵn trong tâm hồn dân tộc Việt Nam"

09:19 | 23/12/2017
Gặp Đại tá đặc công, nhà văn quân đội Chu Lai, nguyên Đại đội trưởng Đại đội đặc công vùng ven Sài Gòn trong buổi sáng ngày 22/12 giá rét, nghe ông hồi tưởng lại những ký ức của chiến tranh cách đây 40 năm. Ông nhìn lại những ký ức xưa với thái độ trung thực và đúng tầm văn hóa của chiến tranh. Đại tá cho rằng, trải qua bao nhiêu cuộc chiến đau thương, âm hưởng hòa bình luôn định vị sẵn trong tâm hồn người Việt Nam. PV báo Lao động Thủ đô xin trích dẫn lời Đại tá Chu Lai khi ông dẫn chứng về điều đó:
am huong hoa binh luon dinh vi san trong tam hon dan toc viet nam Nhà văn Chu Lai chia sẻ về phụ nữ trong “Hoa Cúc vàng”
am huong hoa binh luon dinh vi san trong tam hon dan toc viet nam Chiến tranh và những ám ảnh khôn nguôi
am huong hoa binh luon dinh vi san trong tam hon dan toc viet nam
Đại tá đặc công, nhà văn quân đội Chu Lai.

“Có câu thơ buồn nhất của tác giả Lê Bá Dương thế này:“Đò lên Thạch Hãn ơi ... chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm”. Nhưng thật ra đáy sông không chỉ có “bạn tôi nằm” mà đáy sông còn có cả một tiểu đoàn phía bên kia nằm. Như vậy trong trận mạc kinh hoàng, trong nấm thủy mồ sông Thạch Hãn, đều có những xác lính của cả hai bên trôi ra cửa sông ra biển, hòa hợp ngay trong cái chết. Sự hòa hợp dân tộc nằm ngay trong trận mạc, chứ không chỉ sau chiến tranh.

Bản thân tôi đã rất nhiều lần nằm dưới chân kẻ thù, nhìn đồng hồ, vạch dù ra nhìn lên phía trên, còn 15 phút nữa là phải nổ súng, mà thấy người lính gác ở phía trên kia cũng là con người giống mình, cũng thở dài, cũng nói về quê hương bản quán, cũng nói về những hy vọng, tuyệt vọng. Khi đó, tôi khao khát muốn đứng dậy vỗ vai kẻ thù mà nói:“Đánh nhau thế đủ rồi, tao với mày ra phố làm tô hủ tiếu, làm ba xị đế chơi”. Trong lòng tôi rất muốn có sự bắt tay trong trận mạc chứ không chỉ là lòng hận thù mãi.

Thời của tôi có một nhà văn đã viết một câu văn sôi sục khí thế như thế này: “Người lính nằm trên võng, mong chóng sáng để ngày mai vào trận”. Câu văn này nếu lùi lại 40 năm phải sửa lại thế này: “Người lính nằm trên võng, mong trời đừng bao giờ sáng để không bao giờ phải vào trận”, đó mới là nhân văn. Người lính không phải rô bốt chiến binh, không phải cỗ máy chiến đấu, cũng không phải là đao phủ để mong mặt trời mọc để đi chém giết. Cho nên, cái âm hưởng hòa bình nó nằm trong tâm hồn người lính mãi mãi từ trước đến bây giờ, từ bây giờ về sau. Âm hưởng hòa bình luôn định vị sẵn trong tâm hồn dân tộc Việt Nam.

Chưa có một quốc gia nào vị tha, quảng đại và nhân hậu như dân tộc Việt Nam. Những ngày này, khi đang kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, nếu như có một phi công Mỹ nào sang đây, chắc chắn người Việt Nam sẽ bắt tay đón tiếp. Chiến tranh nhìn lại là phải nhìn với tất cả tầm văn hóa của nó, không nên nhìn với thái độ cực đoan.

Có lần đi về Bến Cát, thấy một bà mẹ ngồi ăn cơm một mình chỉ có rau móp và mấy miếng khô sần, tôi hỏi mẹ: “Mẹ ơi, lúc đau ốm, mẹ có lúc nào trách móc cách mạng không?”. Mẹ trừng mắt bảo: “Nói tầm bậy, hỏi tầm bậy, sao phải oán trách. Nếu tao còn đẻ ra thằng nào nữa, tao cũng sẽ cho vào rừng (làm cách mạng) theo ba nó”.

Tôi lại hỏi: “Mẹ ơi, mai chúng con sang Mỹ, theo lời mời của Hội cựu chiến binh Mỹ phản chiến, mẹ có nhắn gửi gì các bà mẹ Mỹ không”. Mẹ nói: “Ừ, ngày mai chúng bay sang đó, chúng bay nhắn với các bà mẹ ở bên đó, nếu lần sau mà đẻ con thì đừng gửi sang bên này nữa mà chết uổng”.

Một người mẹ Việt Nam mất hết người thân mà vẫn còn nhân từ và vị tha để nhắn gửi tới những người mẹ của kẻ thù, đó là phẩm hạnh, kích thước của người Việt Nam dâng lên ngang trời. Điều đó trả lời cho nhân loại hiểu rằng, vì sao trong những cuộc chiến tranh khốc liệt đến thế, dân tộc Việt Nam vẫn luôn chiến thắng”.

Bảo Thoa (ghi)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này