Bình đẳng giới phải cả từ hai phía

09:00 | 13/09/2017
"Bình đẳng giới không chỉ xét ở từng cá nhân, từng gia đình nữa mà phải lan rộng ra cả cộng đồng.
binh dang gioi phai ca tu hai phia Tuyên truyền bình đẳng giới cho gần 200 công nhân
binh dang gioi phai ca tu hai phia Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số

Khơi dậy tình yêu thương

Chia sẻ dưới góc độ là người thực hiện dự án và trả lời cho câu hỏi “Bình đẳng về giới có xuất hiện trong các rủi ro, thiên tai hay không?”, ông Nguyễn Xuân Duy, cán bộ Chữ thập đỏ cho biết: “Với mục tiêu giảm nhẹ sự thiệt hại về tính mạng, tài sản cũng như sinh kế của người dân trong dự án mà chúng tôi đang thực hiện ở tỉnh Hà Giang, Lào Cai, việc lồng ghép về giới là yêu cầu bắt buộc. Yêu cầu này đã được áp dụng trong vòng 5 đến 7 năm vừa qua”. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, phụ nữ rất ít tham dự. Vì thế, việc tiếp cận thông tin của phụ nữ rất nhỏ so với đàn ông. Đó là thiệt thòi rất lớn bởi khi rủi ro thiên tai xảy ra thì cả phụ nữ và nam giới, trẻ trai, trẻ gái đều bị ảnh hưởng.

Bà Phan Tú Quỳnh, quản lý chương trình GALS (thuộc Trung tâm Nâng cao năng lực cộng đồng CECEM) áp dụng tại 4 tỉnh Lào Cai, Bắc Giang, Cà Mau và Sóc Trăng chia sẻ: “Khi triển khai, tôi thấy tinh thần và cốt lõi của phương pháp này là khơi dậy được tình yêu thương của mỗi con người, trở thành nét văn hoá cho từng cá nhân và lan tỏa nó. Để từ đó, người chồng sẽ thay đổi, người vợ cũng sẽ thay đổi và khi đứa con nhìn thấy bố mẹ thay đổi thì cũng sẽ học được nét văn hóa ấy. Tuy nhiên, để có được điều đó phải có sự đồng thuận từ cả vợ lẫn chồng, cả vợ chồng cùng tham gia, và đây là điều không dễ”.

Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, nguyên cán bộ Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, hiện nay đang có chương trình nông thôn và chương trình xóa đói giảm nghèo "sát" với những mô hình về giới đang triển khai thực hiện nên cần có sự phối kết hợp để thực hiện sao cho hiệu quả nhất. Đấy là một hướng làm mới để thúc đẩy cũng như đảm bảo bình đẳng giới. Tuy nhiên, theo bà Hồng cần có tính lien kết để đạt kết quả cao nhất. Không chỉ liên kết giữa các gia đình với nhau, giữa những người dân với nhau mà tất cả các cấp chính quyền từ cấp xã, huyện, tỉnh, trung ương cũng cần phải có trách nhiệm đưa những mô hình này, những cách làm này để đảm bảo xóa đói giảm nghèo, đảm bảo phát triển nông thôn đồng thời lồng ghép để nâng cao năng lực, thực hiện bình đẳng giới.

Bình đẳng giới phải cả từ hai phía

Nếu như trước đây, hai vợ chồng chị Trần Bé Ngoan, 33 tuổi ở hợp tác xã Thành Đạ, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng ít nói chuyện với nhau và trong công việc “mạnh ai nấy làm” thì sau lớp tập huấn về bình đẳng giới đã có sự thay đổi rõ rệt. Chị Ngoan cho biết, hai vợ chồng cưới nhau đã 12 năm. Trước lúc lấy nhau chị không biết anh. Anh Công, chồng chị biết chị và nhờ cô đến mai mối. Mỗi lần gặp nhau, anh Công cũng không hề nói chuyện gì. Ba mẹ chị Ngoan thấy anh Công hiền lành nên khuyên con gái nên nhận lời lấy Công. “Hồi đó, tôi cũng chưa có bạn trai nên ba mẹ nói sao nghe vậy. Lúc cưới về tôi vẫn chưa yêu, phải mất nửa năm sau mới bắt đầu có tình cảm”, chị Ngoan tâm sự.

Đến nay, vợ chồng chị Ngoan anh Công đã có với nhau 2 mặt con. Tuy nhiên, theo chị Ngoan: “Suốt 12 năm qua vợ chồng tôi rất ít khi nói chuyện. Công việc thì mạnh ai nấy làm thôi. Từ khi anh tham gia các hoạt động hợp tác xã, đi tập huấn về bình đẳng giới thì về nhà anh khác lắm. Anh phụ vợ nấu cơm, rửa bát, giặt quần áo… và hay nói chuyện với vợ hơn. Trước tôi không hỏi và anh cũng không nói nhưng giờ anh chủ động nói chuyện với tôi. Anh kể chuyện ở hợp tác xã, hay đi chơi, đi đám cưới về cũng kể chuyện vợ nghe. Hai vợ chồng còn bàn làm này làm kia nữa. Cuộc sống gia đình tôi giờ vui hơn trước nhiều”.

Trước đây, ở Hòa Tú, phụ nữ không được cho tôm ăn mà công việc này là của đàn ông. Tuy nhiên, từ khi tham gia lớp tập huấn về bình đẳng giới, các chị em ở xã Hòa Tú đã nhận ra, phụ nữ hoàn toàn có thể làm được việc này để phụ giúp chồng. Hàng ngay, chị Ngoan có thể cùng chồng cho tôm ăn, hai vợ chồng chia sẻ công việc với nhau….

Vợ chồng gia đình anh Nguyễn Văn Cường và chị Nguyễn Thị Phương ở ấp Lợi Đông, xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau thay đổi sau khi hai vợ chồng cùng được tham gia lớp tập huấn về bình đẳng giới.

Anh Cường cho hay, hôm đi tập huấn về bình đẳng giới, khi đến phần hai vợ chồng kể tên những việc phải làm hằng ngày thì anh giật mình khi thấy vợ vất vả quá. “Từ đó, tôi thường xuyên phụ vợ việc nhà và không còn bị vợ la nữa. Trước vợ hay so sánh chồng với anh Ba, anh Tư rằng chồng không chịu làm việc nhà tôi rất bực vì nghĩ mình đã đi làm ở công ty rồi. Từ khi phụ vợ việc nhà, vợ vui vẻ hẳn và tôi cũng không thấy xấu hổ khi nói với bạn bè hết giờ làm là về nhà giúp vợ chăm con”.

Tham gia lớp tập huấn, chị Phương cũng thay đổi hẳn. Chị tự tin bày tỏ ý kiến trước đám đông. “từ khi tham gia lớp tập huấn về bình đẳng giới chồng mìn thay đổi hẳn. Anh biết quan tâm, giúp đỡ vợ nhiều hơn. Đặc biệt, hai vợ chồng thường xuyên tâm sự và chia sẻ cùng nhau nên gia đình luôn vui vẻ và hạnh phúc”, chị Phương phấn khởi nói.

Trên đây là 2 trong số rất nhiều câu chuyện của các gia đình đã thay đồi, vợ chồng chia sẻ cùng nhau sau khi cả hai cùng tham gia lớp tập huấn về bình đẳng giới. Chắc chắn, lớp tập huấn nâng cao nhận thức về bình đẳng giới sẽ không đạt được kết quả như mong muốn nếu không có sự tham gia của cả hai vợ chồng. Không chỉ các chị mà các anh cũng cần được chia sẻ những kiến thức về bình đẳng giới, thậm chí là những mẩu chuyện nhỏ hay cơ hội để lắng nghe tâm sự của vợ để hiểu và chia sẻ với chị em nhiều hơn….

Bạch Mai

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này