Góp ý vào dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục:

Miễn đóng học phí cấp nào trước?

15:40 | 05/12/2017
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành với một số thay đổi đáng chú ý như miễn học phí tới cấp THCS. Ngay sau khi đưa ra lấy ý kiến góp ý rộng rãi, nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục đã bày tỏ quan điểm quanh đề xuất này.
mien dong hoc phi cap nao truoc Miễn học phí sẽ tạo thuận lợi cho việc phổ cập giáo dục
mien dong hoc phi cap nao truoc 4 điểm nổi bật của dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục

Đề xuất miễn đóng học phí cấp THCS

Theo ông Ngô Văn Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài chính, Bộ GDĐT (tại một hội nghị góp ý cho Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục vừa tổ chức mới đây tại Hà Nội), theo quy định hiện hành, toàn bộ học sinh bậc Tiểu học ở nước ta không phải đóng học phí. Còn cấp mầm non và THCS vẫn phải đóng học phí.

mien dong hoc phi cap nao truoc
Học sinh Trường tiểu học Văn Chương, Hà Nội khai giảng năm học mới. Ảnh: PT

Nhà nước chỉ thực hiện chính sách miễn giảm học phí đối với các đối tượng thuộc diện chính sách như học sinh hộ nghèo học sinh dân tộc và thực hiện miễn học phí đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng.

Đồng thời, thực hiện miễn học phí đối với học sinh mẫu giáo và học sinh, sinh viên tàn tật khuyết tật có khó khăn về kinh tế và đối với trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo. Ngoài ra còn thực hiện miễn học phí đối với học sinh mẫu giáo và học sinh phổ thông là con hạ sĩ quan, binh sĩ chiến sĩ học sinh hệ cử tuyển, học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú.Song ông Thịnh cho rằng chính sách về học phí hiện nay đã bộc lộ một số hạn chế.

Cụ thể, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Khoản 1 Điều 11 quy định: “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Nhà nước quyết định kế hoạch phổ cập giáo dục, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục trong cả nước”.

Tuy nhiên đến nay Nhà nước mới chỉ thực hiện chính sách miễn học phí cho học sinh tiểu học. Các cấp học còn lại vẫn phải đóng học phí, trong đó có học sinh THCS. Điều này gây khó khăn cho việc huy động trẻ đến trường, nhất là học sinh vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.Ngoài ra hiện nay phần lớn học sinh mầm non, học sinh THCS và học sinh phổ thông sống ở vùng nông thôn, vùng núi, vùng có thu nhập tương đối thấp.

Mặc dù mức thu học phí không cao nhưng cũng gây khó khăn cho các gia đình, đặc biệt các gia đình tiệm cận hộ nghèo. Vì thế, thời gian vừa qua, cử tri cả nước thông qua các đại biểu Quốc hội cũng mong muốn được miễn học phí cho học sinh THCS để đảm bảo chính sách phổ cập giáo dục đối với học sinh THCS.

“Việc miễn học phí cho cấp THCS hoàn toàn phù hợp với tinh thần nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nghị quyết khẳng định từ sau năm 2020, bậc học phổ thông sẽ thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm; Luật giáo dục hiện hành cũng đã quy định phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục THCS. Đây là những căn cứ để Bộ GD-ĐT đề xuất việc miễn học phí cho học sinh bậc THCS”- ông Thịnh cho hay.

Ông Thịnh cho biết thêm, để chuẩn bị cho đề xuất miễn học phí cấp THCS, Bộ GD-ĐT đã nghiên cứu tại 18 nước, đại diện cho 4 châu lục. Các nước được nghiên cứu có thu nhập thấp, thu nhập cao, thu nhập trung bình. Qua nghiên cứu cho thấy, có 33% các nước miễn học phí cấp mầm non, 100% các nước miễn học phí cấp tiểu học, 61% các nước miễn học phí cấp THCS và 44% các nước miễn học phí hoàn toàn cấp THPT.

Liên quan đến vấn đề trên, GS.TSKH Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ quan điểm, nếu được Chính phủ đồng ý và trình Quốc hội thông qua việc miễn học phí ở cấp THCS thì đó là một bước tiến lớn trong chính sách giáo dục của Đảng và Nhà nước ta.

Bởi nước ta tuyên bố phổ cập THCS mà không miễn học phí thì chưa trọn vẹn.Bởi phổ cập tức vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ của học sinh và phụ huynh. Hiểu đúng như vậy thì phải tạo điều kiện cho người dân thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi đó và đương nhiên phải miễn học phí.

Tuy nhiên, GS.TSKH Đào Trọng Thi lại bày tỏ lo ngại, nếu miễn học phí ở cấp THCS thì ngân sách ở đâu ra và làm sao để tạo được sự đồng thuận của xã hội. Đó mới là điều cần bàn sâu hơn vì ngân sách Nhà nước còn có hạn, còn nhiều lĩnh vực khác cũng cần được quan tâm.

Nên ưu tiên cấp Mầm non miễn học phí trước

Trao đổi về việc miễn học phí, ông Nguyễn Quang Long - Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nam cho biết, phụ huynh học sinh mong chờ được miễn học phí từ lâu. Nếu miễn đóng học phí thì nên mở rộng đối tượng miễn học phí đến cấp mầm non.Nếu không thể được, có thể nghiên cứu để miễn học phí đến đối tượng phổ cập (hiện đã phổ cập đến trẻ mầm non dưới 5 tuổi).

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Nam Định cũng đồng thuận chủ trương miễn học phí đến cấp mầm non."Tôi đồng tình và đề xuất mở rộng diện miễn học phí ra cả cấp mầm non. Số tiền đóng góp từ học phí (miền núi hiện chỉ 35.000 đồng/học sinh và đồng bằng 150.000 đồng/học sinh), con số rất nhỏ nên Bộ cần xem xét lại"- ông Dũng nêu quan điểm.

Trước đó, đóng góp vào dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) cho rằng, đề xuất miễn học phí ở cấp THCS đã từng được ngành Giáo dục đề cập tới.

Lần này, Bộ GD-ĐT lại đề cập đến miễn học phí ở cấp học THCS nên Quốc hội cũng cần lưu ý đến vấn đề này, xem cách thức thực hiện như thế nào. Bởi vì đề xuất trên sẽ góp phần thúc đẩy càng nhiều học sinh đến trường học, không phải bỏ học giữa chừng.

H.Thành

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này