Lại chuyện sổ đỏ!

12:08 | 24/11/2017
Hôm nay, tớ thấy chú tươi hơn hớn…Có chuyện gì vui à? - Ôi! Đúng là không có chuyện gì giấu được bác. Chẳng là, em mới được cấp sổ đỏ. Thật bõ công những ngày chạy đôn, chạy đáo…bác nhẩy!
lai chuyen so do “Em đẹp, em có quyền”
lai chuyen so do “Hãy gọi tôi là cô giáo”
lai chuyen so do Rất đáng suy nghĩ!

- Ừ!, anh mừng cho chú. Nếu không có cải cách, thay đổi về quy định, thủ tục thì nhà chú có mọt đời cũng không có sổ đỏ…

- Bác nói vậy là thế nào?

- Thì đấy, nhà đất của chú mua bán bằng giấy viết tay, nếu không có quyết định công nhận hợp pháp liệu chú có làm được sổ đỏ không?

-Bác nói cũng phải. Dưng mà mấy ngày nay, em lại thấy rộ lên chuyện “Sổ đỏ” sắp có “cải cách” cụ thể là Sổ đỏ sắp tới phải ghi tên mọi thành viên của gia đình: vợ chồng, con cái… Mà nghe thông tin thì chẳng biết “phân giải” thế nào!

- Thế thì chú cũng giống tớ rồi!

- Giống ở chỗ nào bác nói em nghe thử?

- Thì đấy, khi có thông tin này đã rộ lên những ý kiến phản đối. Người bảo, bất cập, mâu thuẫn, người thì cho rằng, những người đề xuất chuyện này không hiểu gì về Luật Dân sự…

- Mới đây, Bộ TN&MT đã lên tiếng giải thích rồi…

- Chú muốn nói tới viện dẫn của họ là theo quy định tại Khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất”…chứ gì?

-Vâng, đúng vậy! Nhưng quan trọng hơn là ở chỗ, họ bảo: “Quy định này nhằm khắc phục những tồn tại trong thực tế triển khai thi hành Luật Đất đai như tranh chấp, mâu thuẫn về quyền sử dụng đất giữa các thành viên trong hộ gia đình khi thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất…”

-…Và chú thấy cũng có lý chứ gì?

- Đã là luật thì làm sao sai được hả bác?

- Thì vưỡn! Dưng mà ngẫm cho kỹ, tớ thấy vận vào thực tế thì…thế nào ấy!

- Ý bác là sao? Em không hiểu!

- Thì cứ mang chuyện sổ đỏ của nhà chú ra thì khắc thấy. Này nhé, có phải chú mua nhà đất từ khi vợ chồng chú mới lấy nhau không? Bọn trẻ ngày ấy đã ra đời đâu. Bây giờ chú mới làm được sổ đỏ, bọn trẻ cũng đã lớn khôn, chẳng phải sổ đỏ nhà chú cũng phải có tên của chúng nó hay sao?

-…Ôi trời! Nếu thế, nay mai vợ chồng em muốn bán nhà cũng phải được sự đồng ý của chúng, phải vậy không bác?

- Không thế thì chú phạm luật à! Nhưng chuyện nhà chú không nhiêu khê bằng chuyện nhà tớ…

- Bác cũng vướng ở chuyện sổ đỏ theo quy định mới à?

- Không hẳn là như vậy. Nhưng về bản chất cũng khá giống nhau. Chẳng là, bố mẹ tớ ở quê có cả ngàn mét vuông nhà đất và họ đang đứng tên trong sổ đỏ. Nhà tớ có tới 8 anh chị em. Nhiều người có công trong việc tạo dựng cơ nghiệp này, bây giờ có ai đòi quyền đứng tên trong sổ đỏ thì giải quyết sao đây? Rồi chuyện người được, người không! Nhiễu sự…

- Theo em thì cứ chiểu theo luật mà làm!

- Thì vưỡn! Cũng như chuyện nhà chú, theo luật mà làm. Vậy tớ hỏi chú: Con cái chú không có công lại có quyền, còn anh em nhà tớ, có công…không quyền, thì công bằng ở chỗ nào?

- Bác thật lo xa, theo em biết, những chuyện như thế đã có các luật khác chi phối. Ví như Luật Dân sự, Luật Thừa kế đã quy định về quyền lợi của các thành viên trong gia đình…

- Vậy nên, chú có nghĩ, chuyện tất cả các thành viên trong gia đình cần thiết có hay không trong sổ đỏ, hay chỉ tạo thêm rối ren như nhiều người đã nói?

- Bác nói, em mới nhớ ra. Có người bảo, quy định bổ sung tên vào sổ đỏ sẽ tránh được một số tranh chấp trong quá trình mua bán, chuyển nhượng tuy nhiên không nên kỳ vọng việc một quyển sổ sẽ giải quyết được mọi tranh chấp tài sản. Về pháp luật, nếu là tài sản của ai, thì đứng tên người ấy. Sau này, kể cả là ghi tên thành viên trong gia đình, nhưng khi làm thủ tục chuyển nhượng vẫn phải truy ra những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Ghi là ghi tên vào cho đầy đủ, chặt chẽ hơn, còn có ghi hay không vẫn phải thực hiện đầy đủ thủ tục chuyển nhượng như bình thường.

- Ý chú muốn nói, chuyện sổ đỏ thêm những quy định mới có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Có đúng vậy không?

- Thì em cứ theo những phân tích, cụ thể từ chuyện nhà em sang chuyện nhà bác, thì là vậy đó!

- Tớ còn nghĩ tới chuyện sâu xa hơn. Sao chuyện này không làm ngay từ đầu để đến bây giờ mới nghĩ ra. Ở ta, lâu lâu lại có chuyện “thêm bớt”. Đành rằng là cần thiết nhưng mãi thế này thì không ổn!

- Bác nói chí phải. Các cụ nhà ta còn chí phải hơn. Chẳng phải các cụ từng bảo: “Một người lo bằng kho người làm đấy thôi”!

- Đúng thế. Nếu mọi sự được “lo” tốt, chuẩn bị tốt ngay từ đầu thì đỡ biết bao nhiêu. Vậy nên mong rằng, Quốc hội lần này “lo” được nhiều cái chu toàn hơn!

Thiện Tâm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này