Vấn nạn vi phạm bản quyền: Luật có... đừng kêu khó thực thi!

16:13 | 23/11/2017
​Vừa ra mắt chỉ được ít ngày, bộ phim đang ăn khách “Cô Ba Sài Gòn” của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, đã gặp phải sự cố bản quyền nghiêm trọng. Việc vi phạm bản quyền trắng trợn như vậy không chỉ gây thiệt hại lớn cho nhà sản xuất, hãng phim mà còn dấy lên hồi chuông cảnh báo về “vấn nạn” đang cản trở sự phát triển văn hóa ở Việt Nam hiện nay. 
van nan vi pham ban quyen luat co dung keu kho thuc thi Phạt nặng website vi phạm bản quyền
van nan vi pham ban quyen luat co dung keu kho thuc thi Sử dụng nhạc chế: Bóp méo nghệ thuật, vi phạm bản quyền
van nan vi pham ban quyen luat co dung keu kho thuc thi Đạo diễn phim Avatar lại thắng kiện "đạo" ý tưởng
van nan vi pham ban quyen luat co dung keu kho thuc thi Youtube bị kiện vì phát tán "Táo quân 2014"

Hàng loạt phim rò rỉ bản quyền

Vừa qua, khi bộ phim này đang chiếu tại rạp phim ở Bà Rịa-Vũng Tàu, một khán giả nam (19 tuổi) trong lúc ngồi xem đã bật chế độ livestream-phát trực tiếp toàn bộ nội dung phim này lên facebook. Video clip bị phát đi dưới hình thức livestream này đã thu hút hơn 5,3 nghìn lượt xem chỉ sau 30 phút phát trên mạng. Với mức vé trung bình 60.000 đồng, nhà sản xuất ước tính thiệt hại hơn 342 triệu đồng. Bày tỏ nỗi bức xúc trên trang cá nhân, Ngô Thanh Vân cho biết có thể cô sẽ không làm phim nữa. “Tôi cảm thấy thật bất lực trước ý thức của những người trẻ xem phim. Tôi đang khóc cho thành quả lao động của ê-kíp của mình. Làm phim đã khó, thị trường phim thì gian nan, còn phải đối mặt với những người vô ý thức livestream như vậy! Có lẽ đây sẽ là phim cuối cùng tôi sản xuất” – Ngô Thanh Vân bức xúc.

van nan vi pham ban quyen luat co dung keu kho thuc thi
Một cảnh trong phim Cô Ba Sài Gòn

Đây không phải là lần đầu tiên điện ảnh Việt bị vi phạm bản quyền trắng trợn ngay trong rạp phim. Hồi tháng 4/2017, bộ phim “Em chưa 18” của đạo diễn Lê Thanh Sơn cũng từng bị một khán giả nữ live stream ngay từ cụm rạp CGV Cần Thơ trong suất chiếu sớm. Bộ phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” của Ngô Thanh Vân cũng bị một khán giả nữ trẻ tại một rạp ở TP Hồ Chí Minh live stream hồi tháng 6/2017. Nhiều phim Việt khác cũng là nạn nhân của việc xâm phạm bản quyền trên mạng. Điển hình như bộ phim “Bụi đời Chợ Lớn”chưa ra rạp nhưng đã bị nhiều trang phim công khai đoạn phim dài tới 60 phút. Hay một loạt phim như “Chạy đi rồi tính”, “Vòng eo 56”, “Dòng máu anh hùng”, “Cánh đồng bất tận”, “Chàng trai năm ấy”, “Để Mai tính 2”... cũng bị rò rỉ bản quyền khiến nhà sản xuất cùng ê kíp làm phim bức xúc.

Theo ông Nguyễn Văn Nhiêm - Chủ tịch Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt Nam, thực tế, việc “ăn cắp” bản quyền phim không phải mới xảy ra mà đã xảy ra từ cách đây nhiều năm nay. Ông Nhiêm cho biết, vừa là người phụ trách công tác Hội, vừa trực tiếp điều hành hoạt động sản xuất phim của công ty riêng nhiều năm nay nên ông biết rất rõ, rất nhiều phim bị mất bản quyền vì sự thiếu ý thức của người xem. Sự việc này gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng phim, bản quyền phim và doanh thu của nhà sản xuất. Cũng theo ông Nhiêm, để sản xuất một bộ phim vô cùng tốn kém và đòi hỏi nhiều tâm sức của cả một ê kip trong một thời gian dài. Để sản xuất được một bộ phim, nhà sản xuất và hãng phim phải chi rất nhiều khoản, trong đó, ngoài chi phí sản xuất còn có chi phí dành cho mua bản quyền kịch bản, hậu kỳ và truyền thông. Trong khi đó, người làm điện ảnh Việt đang đối diện với quá nhiều khó khăn và thách thức. Và một trong những nguyên nhân lớn là do mất bản quyền. Bởi khi phim đã phát tán ra ngoài, dù chất lượng cao hay thấp nhưng một khi khán giả đã nắm được nội dung thì khó bỏ tiền ra để mua vé vào rạp nữa. Thực tế, điện ảnh Việt đã chứng kiến rất nhiều trường hợp vỡ nợ do phim gặp sự cố bản quyền như phim “Dòng máu anh hùng” của diễn viên Nguyễn Chánh Tín hay phim “Thạch Sanh” của cố đạo diễn Đỗ Quang Hải Âu…

Tăng cường xử lý vi phạm bản quyền

Nếu nhiều năm trước, công nghệ chưa hiện đại, người làm phim đã lao đao vì tác phẩm vừa công chiếu đã bị sao chép bán ngoài thị trường, thì vài năm nay, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có thể phát tán ra ngoài cộng đồng. Phần lớn hành vi xâm phạm bản quyền phim được thực hiện bằng điện thoại thông minh quay trộm từ màn chiếu trong rạp rồi tải lên YouTube hay các trang web, diễn đàn phim… và được gọi là “bản cam” (camera). Gần đây, tính năng “livestream” của mạng xã hội facebook xuất hiện, lập tức, được dùng để thu, phát trái phép rất nhiều chương trình văn hóa - giải trí như ca nhạc, kịch, phim... nhằm mục đích thu hút người xem, có nhiều tương tác nhằm bán quảng cáo kiếm lời. Bên cạnh đó, nhiều người vi phạm lại có suy nghĩ đơn giản là “khoe” với cộng đồng mạng. Không ít người phẫn nộ trước hành vi “ăn cắp chất xám” này và cho rằng có rất nhiều vấn đề đã tồn tại mà lí ra chúng ta nên quan tâm đến từ rất lâu.

Tuy nhiên, cho đến giờ, cách thông thường mà nhiều hãng phim áp dụng là lập một nhóm nhân viên chuyên túc trực, rà soát các trang mạng xã hội, web phim ảnh, YouTube… khi có phim công chiếu, nếu phát hiện tác phẩm bị “chôm chỉa” thì sẽ liên hệ với chủ tài khoản để yêu cầu chấm dứt và thông báo với quản trị trang đề nghị xóa nội dung. Tuy nhiên, cách này khá thủ công, mất thời gian mà hiệu quả lại thấp. Hầu hết bản quay lén vẫn lọt lưới và được đăng tải. Vì thế, việc nhà sản xuất Ngô Thanh Vân kiên quyết đòi xử lý chàng thanh niên trẻ vừa qua được dư luận ủng hộ. Ông Nhiêm cũng cho rằng, sự việc vừa qua nên xử phạt nghiêm và nên công bố rộng rãi để răn đe, giáo dục ý thức cộng đồng về bản quyền, nhất là giới trẻ hiện nay. Bởi ngoài việc bảo vệ bản quyền cho tác giả, việc quan trọng nhất là nâng cao ý thức của cộng đồng về bản quyền.

Trong cuộc họp báo triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông vừa qua, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, hiện nay, tình trạng vi phạm bản quyền truyền hình trên internet đang ở mức báo động và gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động và doanh thu các doanh nghiệp. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm 2017, Bộ sẽ tăng cường quản lý, xử lý tình trạng vi phạm bản quyền nội dung trên internet. Vụ việc livestream của chàng thanh niên trẻ sẽ là bài học để nâng cao ý thức bản quyền của cộng đồng bởi chỉ một vài giây nội dung vi phạm bản quyền cũng có thể khiến họ phải nhận “trái đắng”.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này