Hội chợ hàng thủ công truyền thống 2017:

Nâng cao giá trị của sản phẩm thủ công

10:20 | 21/11/2017
Trong sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sản phẩm thủ công truyền thống, đặc biệt là của đồng bào các dân tộc thiểu số làm ra, luôn thất thế hơn trong sự cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn. Vì thế, để bảo tồn và phát huy những nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, Hội chợ hàng thủ công truyền thống đã và đang trở thành cầu nối giúp sản phẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc phát triển bền vững và đến gần hơn với người tiêu dùng.
tin nhap 20171121101452 Cơ hội cho hàng thủ công mỹ nghệ mở rộng thị trường
tin nhap 20171121101452 Hơn 650 gian hàng tham gia Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội
tin nhap 20171121101452 Phát động cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mĩ nghệ Hà Nội năm 2014

Cơ hội quảng bá sản phẩm

Hiện nay, liên tiếp các hội chợ kết nối giao thương được mở ra tại các tỉnh, thành phố… đã trở thành một trong những cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội tìm kiếm thị trường, kết nối sản phẩm. Tuy nhiên, trong tất cả các chương trình kết nối giao thương có thể thấy, nhóm sản phẩm truyền thống của các đồng bào dân tộc thiểu số gần như “mất tích”. Lý giải về vấn đề này, nhiều người cho rằng phần lớn là do họ thiếu kinh tế, thiếu sự định hướng và kết nối cộng đồng…

Trước bối cảnh các hội chợ đang bị “bão hòa”, có thể nói, việc hội chợ hàng thủ công truyền thống do Craft Link - một tổ chức phi Chính phủ, phi lợi nhuận và công bằng thương mại tổ chức với mục đích trợ giúp các nhóm dân tộc thiểu số, các nhóm khuyết tật và các nhóm làng nghề… khôi phục nền văn hóa truyền thống và tăng thêm thu nhập cho thợ thủ công nghèo, đã và đang nhận được nhiều tín hiệu tích cực từ người tiêu dùng. Đặc biệt là với các đồng bào dân tộc thiểu số trực tiếp sản xuất.

tin nhap 20171121101452
Hội chợ hàng thủ công truyền thống thu hút nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng Thủ đô và du khách quốc tế.

Hội chợ hàng thủ công truyền thống năm 2017 do Craft Link tổ chức ngày 18/11 vừa qua, đã thu hút 48 gian hàng và quy tụ nhiều nhóm sản xuất từ các địa phương trong cả nước. Trong đó, có 25 quầy hàng thuộc nhóm dân tộc thiểu số như Thái, Tày, H’Mông, Dao... 25 quầy thuộc các nhóm khuyết tật và làng nghề truyền thống. Điều đó cho thấy, sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số khá đa dạng, phong phú.
Chị Mùa Y Gánh đại diện nhóm sản xuất thêu thổ cẩm truyền thống của người H’Mông xanh (ở Mai Châu, Hòa Bình) chia sẻ, tham gia hội chợ không chỉ là cơ hội để sản phẩm truyền thống của bà con người dân tộc H’Mông xanh đến gần hơn với người tiêu dùng và khách du lịch, mà nhóm sản xuất còn được tổ chức giúp đỡ trong việc giới thiệu sản phẩm đến gần hơn với các tổ chức trong và ngoài nước. Qua đó, tạo thương hiệu cho sản phẩm để bảo tồn và phát triển bền vững và chị em có việc làm, có thu nhập ổn định hơn.
Cùng chung quan điểm với chị Gánh, một đại diện của nhóm dệt thổ cẩm truyền thống đến từ Chế Cu Nha (Mù Cang Chải, Yên Bái) cho biết, khi tham gia hội chợ, các nhóm sản xuất truyền thống của người dân tộc thiểu số đến từ các vùng miền trên cả nước, đều nhận được sự hỗ trợ công bằng như nhau. Ngoài ra, các nhóm sản xuất còn được tham gia lớp tập huấn các kỹ năng cần thiết về quản lý như: Làm sổ sách, khôi phục kỹ thuật làm hàng truyền thống, phát triển sản phẩm và marketting…

Khơi dậy giá trị văn hóa các vùng miền

Không chỉ giúp các nhóm sản xuất của người khuyết tật, của đồng bào các dân tộc thiểu số trên khắp cả nước trong việc gìn giữ, phát triển và quảng bá các sản phẩm thủ công truyền thống. Hội chợ hàng thủ công truyền thống còn hỗ trợ các nhóm sản xuất tham gia hội chợ có cơ hội bảo tồn, khôi phục truyền thống văn hóa và phát triển các kỹ năng cho các đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, không chỉ làm tăng thêm thu nhập cho người sản xuất, mà còn góp phần vun đắp thêm lòng tự hào của dân tộc và gìn giữ được những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

Anh Ngọc Tiến (ở phường Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, khi đến với hội chợ chúng tôi được tiếp cận với các sản phẩm truyền thống, vốn là một trong những giá trị văn hóa giàu bản sắc của các dân tộc thiểu số ở mọi miền đất nước. Tại hội chợ, người tiêu dùng được trực tiếp xem cách người dân tộc thiểu số dệt, thêu, nhuộm sản phẩm… qua đó chúng tôi cảm nhận như mình có được sự trải nghiệm về đời sống, văn hóa của người dân tộc thiểu số ở khắp nơi.

Qua quy mô cũng như số lượng gian hàng tham gia hội chợ, những du khách như chúng tôi có thể cảm nhận rõ được sự nỗ lực, cũng như tâm huyết trong lao động của những người thợ thủ công nơi đây”, anh Tiến cho hay.

Chia sẻ về ý tưởng cũng như mục đích của Hội chợ hàng thủ công truyền thống, bà Trần Tuyết Lan, đại diện tổ chức Craft Link cho biết, hội chợ là một hoạt động thường niên nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về các sản phẩm truyền thống của các nhóm dân tộc thiểu số, người khuyết tật và nhóm làng nghề và những nét văn hóa truyền thống của họ. Thông qua hội chợ, các nhóm sản xuất không chỉ bán được hàng, tăng thêm thu nhập mà còn là dịp để giao lưu trực tiếp với du khách, giúp họ hiểu rõ hơn về thị hiếu và thói quen tiêu dùng.

Cũng theo bà Lan, khi tham gia hội chợ, khách hàng không chỉ đến để mua các sản phẩm thủ công truyền thống, mà còn được xem các tiết mục văn nghệ đặc sắc, đậm đà tính dân tộc như: Múa sạp người Thái, múa khèn của người H’Mông, dệt thổ cẩm… Đặc biệt, các em nhỏ còn được tham gia các hoạt động hữu ích miễn phí như: Tập làm các sản phẩm thủ công, làm thiệp chúc mừng, làm vòng tay, tô mầu các mẫu hoa văn dân tộc thiểu số… Thông qua những hoạt động này, các em sẽ hiểu rõ hơn về quy trình làm hàng thủ công truyền thống, đồng thời nhận thức được giá trị của lao động và đây sẽ là những kiến thức quý báu để các em mang theo trong suốt cuộc đời.

Có thể nói, trước hiện thực hàng thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đang dần bị mai một, việc tổ chức một hội chợ vừa mang ý nghĩa kết nối, lại vừa mang mục đích bảo tồn và giới thiệu những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, đã và tạo ra nét riêng đầy thu hút. Qua đó, các sản phẩm truyền thống, các giá trị văn hóa dân tộc không chỉ được bảo tồn mà còn phát triển một cách bền vững.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này