Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu:

Khi Di sản văn hóa phi vật thể đang bị thương mại hóa

16:03 | 21/11/2017
Bên cạnh việc bảo tồn giá trị tốt đẹp của di sản văn hóa "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu" thì hiện tín ngưỡng thờ Mẫu đang bị biến tướng “thương mại hóa” làm lệch chuẩn giá trị, vượt qua khỏi không gian vốn có của thực hành tín ngưỡng.
khi di san van hoa phi vat the dang bi thuong mai hoa Liên hoan Văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu - Hà Nội 2017
khi di san van hoa phi vat the dang bi thuong mai hoa Đề xuất xếp hạng đền thờ ông Hoàng Mười là di tích quốc gia
khi di san van hoa phi vat the dang bi thuong mai hoa Tối 2/4 đón Bằng UNESCO ghi danh tín ngưỡng thờ Mẫu
khi di san van hoa phi vat the dang bi thuong mai hoa Độc đáo tranh sơn mài hầu đồng “Giá thánh”

Nở rộ đền, phủ, điện thờ Mẫu

Kết quả kiểm tra sơ bộ của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội vào cuối năm 2016 cho thấy, sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trên địa bàn Hà Nội diễn ra ở hầu khắp các quận, huyện, thị xã với khoảng hơn 1.900 đền, điện thờ Mẫu ở mỗi tư gia. Trong khi đó, theo điều tra của Viện Nghiên cứu tôn giáo, đã có 83 ngôi đền, phủ thờ Mẫu ở Hà Nội (khi Hà Nội chưa mở rộng).

khi di san van hoa phi vat the dang bi thuong mai hoa
Một cảnh hầu đồng diễn ra ở Ecopack. (Ảnh minh họa: Nguyễn Công)

Một trong những nghi thức trong tín ngưỡng thờ Mẫu là “hầu đồng”. Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hành nghi thức hầu đồng đang bị biến tướng nghiêm trọng. Hiện tượng hầu đồng mọi lúc, mọi nơi, từ hầu Tứ phủ trong Phủ Trần Triều, hầu đồng tại các chùa, đình và các sư cũng tham gia hầu đồng. Tại các đền to, phủ lớn, trong các dịp lễ cũng hầu đồng, bên cạnh đó, sự bùng phát trình đồng, mở phủ cũng dẫn đến sự biến đổi trong hàng ngũ con nhang, đệ tử. Không chỉ vậy, việc phát lộc trong lễ hầu đồng còn có sự phân biệt nặng nề về vật chất, làm mất đi nét đẹp ứng xử. Các cung văn hiện nay không còn sáng tác lời ca, sáng tác lai lịch các giá đồng như các cung văn ngày xưa, nhiều lễ phục bị thay đổi thái quá khiến người xem không nhận ra chủ nhân của bộ lễ phục đó là vị thánh, thần nào. Đặc biệt, việc lạm dụng sân khấu hóa, sáng tạo quá mức cũng khiến di sản này bị méo mó, biến dạng.

Chị Đinh Thị Hiền (số nhà 45 phố Tân Ấp, Hà Nội) cho biết, chị đã tham gia nhiều lễ hầu đồng ở các đền, điện, phủ ở Hà Nội như Phủ Tây Hồ, Đền Quan Tam, Đền Ghềnh, Đền Rừng, Đền Đại Lộ, Đền Dầm… và một số điện thờ Mẫu tư gia. Theo chị Hiền, thường thì mỗi người ra hầu đồng cũng tốn kém từ 30 triệu đồng, có những người phải chi đến đến tiền tỷ. Ngoài tiền vàng hương, lễ lạt thì tiền để phát lộc trong lễ hầu đồng là tốn kém nhất. Chị Hiền đã chứng kiến có nhiều người phát lộc bằng tiền đô la, dây chuyền vàng lên đến cả tỷ đồng. Ngoài ra, người ra “hầu” thường được bạn bè “mừng” tiền, số tiền “mừng” cũng khá lớn, từ 500 nghìn đến vài triệu, có người mừng lên đến vài chục triệu tùy quan hệ. Ngoài ra việc mua sắm khăn áo, nước hoa, vòng xuyến, đạo cụ như đao, kiếm, dao… đến thuê thợ chụp ảnh cũng tốn một số tiền không nhỏ. Nhiều người không có tiền nhưng vì phải “trả nợ kiếp trước” cho nên phải vay mượn khắp nơi để đủ tiền hầu giá. Còn hầu ở các điện thờ Mẫu tư gia thì chi phí ít hơn, chủ yếu là tiền “giọt dầu” (chi phí cho chủ điện). Tuy nhiên hầu ở điện nhỏ thì ít người lựa chọn hơn. “Ngày nay quần áo hầu cũng rất đẹp và phong phú, có những bộ lên đến vài chục triệu đồng, tuy nhiên nhiều lúc cũng không rõ là con nhang đang mặc trang phục của thánh mẫu nào nữa vì quá biến tấu, lòe loẹt”- chị Hiền nhận xét.

TS. Nguyễn Thị Yên, Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam): Hầu đồng vốn chưa có quy định, khuôn mẫu cố định. Những tranh luận về nghi lễ hầu đồng cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Vấn đề đặt ra là kế thừa như thế nào, chọn thời điểm nào... Chúng ta cần thái độ phê phán, góp ý và tiếp thu để đi đến đồng thuận, tránh đao to búa lớn, quy chụp. Trên hết vẫn là ý thức trách nhiệm và kiến thức của các thanh đồng, cung văn với nghi lễ truyền thống, bởi họ là những người thực hành và nắm giữ nghi lễ, giới thiệu giá trị văn hóa của Việt Nam.

Chị Trần Thị H., chủ một điện thờ Mẫu ở đường Trần Nhật Duật thì cho biết, điện thờ nhà chị do ông bà truyền lại cho bố mẹ, rồi đến đời chị và các anh chị em tiếp quản. Dù là điện thờ tư gia nhỏ nhưng hầu như tháng nào cũng có người đăng ký “lên đồng”.

Bị thương mại, sân khấu hóa

Theo GS. Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam thì nghi lễ lên đồng ở đô thị có những khác biệt với nông thôn, đó là tính cung đình hóa, đô thị hóa, thể hiện trong kiến trúc, trang trí đền, phủ, lễ phục, dâng đồ cúng… Tính thương mại và vụ lợi cũng thể hiện trong hình thức ban phát lộc, cung cách cầu xin của con nhang đệ tử. Các nhà văn hóa tâm linh cần phải nghiên cứu việc sáng tạo trong thờ Mẫu như thế nào để không phản cảm. Trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 5.922 di tích, nhưng không phải ở đâu cũng có thể thực hành, ở chùa nào cũng có ban Mẫu… Cần phải làm rõ địa bàn thực hành nên ở đâu, vàng mã đốt thế nào cho phù hợp. Về vấn đề tiền lẻ, đồng ý rằng trong thực hành giá đồng có thể thu tiền lẻ, nhưng không nên tung tiền lên cao, gây phản cảm.

TS. Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) cho biết trong buổi “Hội thảo khoa học Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Nhận diện, bảo tồn và phát triển” diễn ra hôm 16/11 vừa qua: “Việc bảo vệ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở Hà Nội cần bắt đầu nhìn thẳng vào những vấn đề bất cập. Việc tổ chức quá nhiều các cuộc trình diễn, liên hoan như hiện nay dẫn tới xu thế sân khấu hóa, du lịch hóa, sính danh hiệu một cách hình thức, phô trương và dần làm thay đổi tính chất và giá trị vốn có của di sản”.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này