Triển khai Luật Bảo hiểm xã hội từ 1/1/2018:

Mong muốn xem xét lại quy định tại Điều 56 và 74

10:43 | 31/10/2017
Theo lộ trình 1/1/2018 Luật BHXH năm 2014 sẽ có hiệu lực. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn những bất cập mà một số nhà làm chính sách về lao động nữ kiến nghị Quốc hội cần xem xét lại quy định tại Điều 56 và 74 của Luật.
mong muon xem xet lai quy dinh tai dieu 56 va 74 Cần sớm có giải pháp gỡ vướng trong khởi kiện nợ BHXH
mong muon xem xet lai quy dinh tai dieu 56 va 74 Từ 1/1/2018: Nhiều thay đổi trong phương thức đóng bảo hiểm xã hội

Thiệt lên tới 10% so với quy định cũ

Theo quy định của Luật BHXH 2006, với LĐ nữ sau 15 năm đóng BHXH sẽ được hưởng 45% lương và mỗi năm đóng BHXH ngoài 15 năm trên, mỗi năm đóng thêm sẽ được cộng thêm 3%. Nhưng theo Luật BHXH 2014, sau ngày 1/1/2018, từ năm công tác thứ 16, mỗi năm đóng thêm LĐ nữ chỉ được cộng 2%.

mong muon xem xet lai quy dinh tai dieu 56 va 74
Nếu áp dụng quy định mới, nhiều LĐ nữ nghỉ hưu từ 1/1/2018 sẽ bị thiệt thòi. Ảnh: L.N

Điều này khiến nhiều ý kiến cho rằng, chỉ sau 1 đêm- trước và sau ngày 1/1/2018 LĐ nữ có thể mất tới 10% lương hưu so với cách tính của Luật BHXH năm 2006. Có thể làm bài toán đơn giản: LĐ nữ nghỉ hưu trước ngày 31/12/2017, chỉ cần đóng BHXH đủ 25 năm sẽ được hưởng tối đa 75% lương hưu, nhưng nếu nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 thì phải đóng BHXH đủ 30 năm mới được hưởng 75% lương hưu.

Với LĐ nữ đóng BHXH đủ 25 năm, nếu nghỉ hưu vào ngày 31/12/2017 sẽ được hưởng 75% lương hưu. Nhưng nếu LĐ đó, nghỉ hưu sau 1 ngày- ngày 1/1/2018, thì tỷ lệ lương hưu được hưởng chỉ là 65%. Tóm lại, tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH, LĐ nữ về nghỉ hưu từ 1/1/2018 sẽ thiệt lên đến 10% lương hưu so với về hưu trong năm 2017.

Theo quy định tại Điều 56 của Luật BHXH năm 2014, từ ngày 1/1/2018, mức lương hưu hằng tháng của người LĐ đủ điều kiện nghỉ hưu được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng BHXH như sau: LĐ nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm.

Trong khi LĐ nam có lộ trình từng năm tính đến năm 2022 thì đối với LĐ nữ, nếu nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm, sau đó cứ thêm 1 năm, LĐ nữ được tính thêm 2% đến mức tối đa bằng 75%.

Việc áp dụng chính sách ngay đối với LĐ nữ trong năm 2018, theo các chuyên gia trong lĩnh vực chính sách thì điều này chưa phù hợp thực tiễn và chưa bảo đảm chính sách bình đẳng giới. Ông Lê Đình Quảng- Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐVN cho rằng: Do quy định công thức tính lương hưu của nữ không có lộ trình thay dần trong vòng 5 năm như của nam nên dẫn đến một số LĐ nữ nghỉ hưu năm 2018 có tỷ lệ lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017, nhất là người có dưới 30 năm đóng BHXH. “Quy định trên chưa đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới, gây thiệt thòi cho LĐ nữ”, ông Quảng khẳng định.

Cần xem xét điều chỉnh lại quy định

Chị Bùi Thị Điệp (34 tuổi), công nhân may đang làm việc tại Cụm công nghiệp tập trung vừa và nhỏ Từ Liêm- Hà Nội tâm sự: Trước khi gắn bó với công ty hiện tại, chị từng trải qua 2-3 công ty khác, nhưng do môi trường không phù hợp nên làm được thời gian ngắn lại nghỉ.

Đây cũng là lý do đến nay chị mới đóng BHXH được 8 năm. Trước những thay đổi của chính sách, chị Điệp nhẩm tính, chị sẽ phải làm việc thêm 22 năm nữa, tức là khi đó chị 56 tuổi mới được 75% lương hưu. Nhưng với đặc thù của ngành may, rất ít LĐ nữ trụ được ở công ty đến ngoài 50 tuổi vì không chịu được áp lực công việc, bệnh nghề nghiệp do hít bụi vải, ngồi nhiều đau mỏi cơ, xương khớp tại thắt lưng, vùng cổ và bả vai.

“Tôi đang tính vài năm nữa xin ra ngoài làm nhưng sẽ cố gắng duy trì đóng BHXH tự nguyện cho đủ 25 năm để được hưởng lương hưu. Nhưng theo quy định mới, chắc tôi làm tháng nào biết tháng đó, không làm ở công ty nữa tôi sẽ làm đơn xin hưởng chế độ BHXH một lần”, chị Điệp buồn bã nói.

Cũng mang tâm lý lo lắng như chị Điệp, nhiều người LĐ làm việc tại khu vực ngoài nhà nước cho rằng, hiện nay mức tiền lương đóng BHXH của đa số người LĐ trong khu vực này chỉ khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng nên lương hưu thấp, nay áp dụng cách tính mới thì tỷ lệ tiền lương sẽ giảm sâu hơn.

Chị Phạm Mai Hương, nhân viên một công ty có vốn đầu tư Hàn Quốc tại Hà Nội cho biết, đa số các công ty ngoài nhà nước chỉ đóng BHXH ở mức thấp nhất cho người LĐ, tương đương với mức lương tối thiểu vùng 1 là 3.750.000 đồng dành cho LĐ chưa qua đào tạo và 4.012.500 đồng cho LĐ đã qua học nghề.

Do đó, khi người LĐ nghỉ hưu, nếu đóng đủ thời gian 25 năm như cách cũ, tiền lương hưu cũng chỉ xấp xỉ 3.000.000 đồng/tháng, cuộc sống cũng đã rất chật vật. Quy định mới càng khiến LĐ nữ chịu thêm thiệt thòi, cuộc sống gặp khó khăn hơn, nhất là khi các công ty tư nhân không “mặn mà” với nữ LĐ trên 45 tuổi.

Bà Bùi Thị Thu Én (sinh năm 1961) ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết: Trước đây, khi công tác trong quân đội tôi có tham gia đóng BHXH được 10 năm, khi ngành thực hiện giảm biên chế và nhận chế độ trợ cấp thôi việc một lần theo chính sách 176.

Về địa phương, tôi được chính quyền mời tham gia công tác trong Mặt trận Tổ quốc phường và đã tham gia đóng BHXH đến nay được 17 năm. Trước cách tính lương hưu sẽ áp dụng từ 1/1/2018, bà Én tiếc nuối tâm sự, quy định trên khiến tôi rất lăn tăn, ở bên mặt trận cơ sở không giới hạn tuổi nghỉ hưu với những người vẫn có sức khỏe và làm được việc, nhưng năm nay tôi đã 56 tuổi, theo cách tính cũ tôi còn có thể cố gắng làm đến năm 63 tuổi để nhận 75% lương hưu. Tuy nhiên, theo quy định mới, khả năng tôi phải chấp nhận “lĩnh một cục” lần thứ hai thay vì đợi lấy lương hưu như mong đợi trước kia.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, bà Trần Thu Phương- Phó Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp và chế xuất (KCN-CX) Hà Nội cho biết, LĐ nữ ở KCN-CX Hà Nội hiện có hơn 90.000 người, đa phần còn trẻ (từ 25-35 tuổi) nên chưa quan tâm nhiều đến các thay đổi trong việc tham gia đóng BHXH, do đó chưa có nhiều ý kiến phản đối quy định mới.

Tuy nhiên, trước hay sau việc này cũng xảy đến với người LĐ, khoảng 10% LĐ nữ trên 40 tuổi trong vòng 5 năm tới sẽ có nhu cầu nghỉ hưu, lúc đó họ phải đối mặt với nhiều thiệt thòi hơn nam giới. Vì thế, Công đoàn KCN-CX đề nghị Quốc hội xem xét sửa lại quy định để tránh thiệt thòi cho LĐ nữ cũng như tránh kéo dài khoảng cách về bình đẳng giới. Bởi cùng đi làm, cùng cống hiến về công việc như nhau nhưng đến khi nghỉ hưu tiền lương của LĐ nữ bị giảm 10% so với LĐ nam.

“Theo nhìn nhận của cá nhân tôi, trong các KCN-CX, LĐ nữ để được nghỉ hưu phải rất kiên trì, nhiều người chưa kịp nghỉ hưu đã phải chấp nhận hưởng BHXH 1 lần do áp lực công việc làm theo ca kíp vất vả. Nếu áp dụng chính sách chưa hợp lý sẽ đặt thêm gánh nặng lên vai LĐ nữ, dẫn đến rất nhiều người không đủ kiên trì để đóng tiếp BHXH. Nếu họ tính đến chuyện lĩnh một cục sẽ kéo theo tình trạng quỹ BHXH sẽ thu được ít hơn, nhưng quan trọng về lâu dài thì thiệt thòi lại đổ về phía người LĐ yếu thế. Do đó, cần phải sửa lại quy định phải đảm bảo công bằng cho LĐ nữ”, bà Phương bày tỏ quan điểm.

Theo số liệu của BHXH Việt Nam, dự báo năm 2018 sẽ có khoảng 50.000 LĐ nữ nghỉ hưu, trong đó có trên 21.000 người có thời gian đóng BHXH dưới 30 năm, có tỉ lệ hưởng lương hưu thấp hơn từ 5%-10%. Vì vậy, trước những bất cập về chính sách, người LĐ và tổ chức đại diện cho người LĐ đều mong muốn Quốc hội sớm có xem xét, điều chỉnh lại quy định theo hướng đảm bảo công bằng cho LĐ nữ.

Bảo Duy- Mai Phương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này