Hơn 65.000 trường hợp bị tay chân miệng

20:36 | 25/10/2017
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 65.000 người mắc dịch bệnh tay chân miệng. Trong đó, có gần 30.000 trường hợp phải nhập viện điều trị, tăng xấp xỉ 10% so với cùng kỳ năm 2016.
hon 65000 truong hop bi tay chan mieng Bộ Y tế: Khuyến cáo 6 cách phòng bệnh tay chân miệng
hon 65000 truong hop bi tay chan mieng Những bệnh thường gặp khi thời tiết chuyển mùa hè sang thu

Tại Hà Nội, ghi nhận các trường hợp mắc tay chân miệng gia tăng bắt đầu từ giữa tháng 9, mỗi tuần ghi nhận trên 80 trường hợp mắc bệnh. Tính từ đầu năm đến ngày 15/10, toàn thành phố có 601 trường hợp mắc tay chân miệng, không có trường hợp tử vong.

hon 65000 truong hop bi tay chan mieng
Cho trẻ rửa tay với xà phòng là một các phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất. (Ảnh minh họa).

Mặc dù số ca mắc tay chân miệng giảm 66,5% so với cùng kỳ năm 2016 nhưng không chủ quan, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị triển khai các biện pháp chủ động phòng chống dịch tay chân miệng song song với phòng chống dịch sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác. Đồng thời, ngành y tế tích cực tuyên truyền để người dân thực hiện công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn và thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho trẻ vì bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh.

Theo các chuyên gia dịch tễ, tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh rất dễ lây cho người khác nếu hành vi vệ sinh không đảm bảo. Dịch bệnh tay chân miệng lưu hành quanh năm ở nước ta, nhưng thường tăng mạnh số người mắc trong khoảng thời gian từ tháng 3 - 5 và tháng 9 - 10.

Đáng chú ý, bệnh tay chân miệng thường có dấu hiệu đặc trưng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết ca bệnh đều diễn biến nhẹ.

Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong. Bởi vậy, ngay khi thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường trên, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này