Ngành Y tế Thủ đô: Đã và sẽ còn những bước tiến vượt bậc

19:44 | 13/10/2017
Y tế - Giáo dục là hai lĩnh vưc luôn được Thành phố đặc biệt quan tâm và được Bộ Y tế đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về chất lượng cơ sở khám chữa bệnh, chất lượng nguồn nhân lực. Kỷ niệm 63 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, PV báo Lao động Thủ đô đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến về sự thay đổi, phát triển của ngành Y tế Thủ đô và quy hoạch phát triển hệ thống y tế Thành phố đến năm 2020.
da va se con nhung buoc tien vuot bac Ngành Y tế Thủ đô: Làm tốt công tác khám, chữa bệnh trong dịp Tết
da va se con nhung buoc tien vuot bac Nét đẹp nữ cán bộ ngành Y tế Thủ đô
da va se con nhung buoc tien vuot bac
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến.

- PV: Xin Thứ trưởng cho biết đánh giá của mình về sự phát triển của Y tế Thủ đô sau 63 năm giải phóng? Và theo Thứ trưởng, sự phát triển đó đã đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của nhân dân chưa?

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến: 63 năm sau giải phóng ngành Y tế Thủ đô ngày càng phát triển, đặc biệt là trong những năm gần đây. Điều đáng mừng là ngành Y tế Thủ đô có xây được một số bệnh viện lớn như Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện K Tân Triều… và hiện đang xây dựng Bệnh viện Sản nhi Hà Nội. Phần lớn các bệnh viện đã đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân.

Cụ thể, tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản Quốc Gia (Bệnh viện Phụ sản Trung ương), từ ngày mới thành lập tỷ lệ thụ tinh trong ống nghiệm chỉ đạt 20-25%, nhưng đến nay tỷ lệ thành công đã đạt tới 60% và giữ ổn định. Đặc biệt có những kỹ thuật chẩn đoán để loại bỏ một số bệnh di truyền, giúp bảo vệ nòi giống của dân tộc. Mới đây nhất, lần đầu tiên Trung tâm đã thực hiện thành công kỹ thuật chẩn đoán di truyền nước chuyển phôi trong ống nghiệm giúp loại trừ bệnh tan máu bẩm sinh hiệu quả.

Trước đây ngành Y Thủ đô chủ yếu là dựa vào các bệnh viện lớn của Trung ương, nhưng hiện nay các bệnh viện của Hà Nội đã vươn mình, lớn mạnh cả về cơ sở vật chất và chất lượng đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận, dù ngành y tế Thủ đô đã phát triển như vậy nhưng vẫn chưa thể đáp ứng hoàn toàn công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

da va se con nhung buoc tien vuot bac
việc xây dựng Trung tâm kỹ thuật cao Bệnh viện Xanh Pôn đánh dấu mốc quan trọng về sự phát triển không ngừng của Y tế Thủ đô. ảnh: LĐ

Hiện nay, quá tải bệnh viện đang là một trong những vấn đề bất cập của ngành Y tế Thủ đô. Vậy theo Thứ trưởng, ngành Y tế cần tập trung vào những nhiệm vụ nào để giải quyết vấn đề này?

Không chỉ các bệnh viện ở Thủ đô, mà tại TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác trong cả nước vẫn tồn tại tình trạng quá tải bệnh viện. Tại Thủ đô, đã có rất nhiều các bệnh viện đã được xây dựng mới và hoạt động rất có hiệu quả. Tuy nhiên, vì số lượng bệnh nhân quá lớn, nên để giải quyết triệt để được vấn đề quá tải bệnh viện vẫn còn khó.

Trong khi, vấn đề mấu chốt là việc đào tạo được nguồn nhân lực, nhất là những nhân lực giỏi phải tốn rất nhiều thời gian. Thường phải mất 5-10 năm, thậm chí là mấy chục năm mới có thể đào tạo được một bác sĩ tay nghề cao. Vì vậy, song song với việc xây dựng cơ sở vật chất, thì việc đào tạo được đội ngũ cán bộ chuyên sâu cũng đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành y tế hướng tới.

Sở Y tế Hà Nội hiện quản lý 41 bệnh viện công lập, khối y tế ngoài công lập có 34 bệnh viện, 2.931 phòng khám đa khoa, chuyên khoa và cơ sở dịch vụ y tế. Tổng số giường bệnh là 13.347 giường bệnh. Thời gian qua, các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đã triển khai nhiều biện pháp đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp, quản lý tốt chất lượng bệnh viện, ứng dụng và phát triển các kỹ thuật mới trong điều trị, chăm sóc tốt sức khỏe cho nhân dân…

Cũng để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đã sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ để xây dựng và nâng cao chất lượng cho nhiều bệnh viện tuyến tỉnh. Tập trung vào việc phát triển một số chuyên khoa hay gặp tình trạng quá tải như: chấn thương chỉnh hình, tim mạch, ung bướu…Vừa qua, với sự ra đời và đi vào hoạt động hiệu quả của Trung tâm kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội (Bệnh viện Xanh Pôn), đã nhận được sự đánh giá cao của người bệnh. Trung tâm này góp phần phát hiện và điều trị sớm những trường hợp ung thư cho người dân Thủ đô nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.

Hiện nay, Bộ Y tế đang đẩy mạnh việc triển khai hệ thống sổ khám chữa bệnh điện tử cho nhân dân. Vậy xin Thứ trưởng cho biết, công tác khám chữa bệnh bằng sổ điện tử đã được triển khai tới đâu?

Bộ Y tế rất chú trọng việc triển khai hệ thống sổ khám chữa bệnh điện tử. Để triển khai có hiệu quả việc quản lý sổ khám chữa bệnh điện tử, Bộ Y tế đã tham khảo, học tập hệ thống này của nhiều nước tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là Nhật Bản. Bắt đầu từ tháng 3 Bộ Y tế đã thí điểm hệ thống sổ khám bệnh điện tử cho một số tỉnh thành trong cả nước.

Qua thí điểm này, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều điểm có lợi như: Tra về tiền sử, bệnh sử, chuyển tuyến của bệnh nhân… rất là thuận lợi và chính xác. Tuy nhiên để triển khai hiệu quả vấn đề này chúng ta cũng cần làm bài bản và có nguồn kinh phí đảm bảo. Trong thời gian tới, khi Bộ Y tế đã có triển khai ở một số tỉnh rồi, thì sẽ có tổng kết, sơ kết…đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm sau đó mới có thể đồng bộ hệ thống này trong cả nước.

Thưa Thứ trưởng thời gian tới Bộ Y tế đã và sẽ có chỉ đạo cũng như hỗ trợ như thế nào đối với ngành Ytế Thủ đô, nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và bảo vệ sức khỏe cho người dân được tốt nhất?

Bộ Y tế phối hợp với UBND TP Hà Nội trong việc tổ chức lập quy hoạch chi tiết các tổ hợp y tế và tổ chức triển khai thực hiện; đồng thời phối hợp đầu tư và triển khai xây dựng các Trung tâm y tế chuyên sâu trên địa bàn Thành phố, đầu tư nâng cấp các cơ sở hiện có. Về chủ trương, Bộ Y tế khuyến khích việc đa dạng hóa các loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh trong nhân dân, trong đó có hình thức chăm sóc sức khỏe tại gia đình.

Chú trọng đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, về đội ngũ nhân lực cho hoạt động y tế dự phòng với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Chỉ có vậy, hoạt động của ngành Y tế nói chung mới đối phó kịp thời với các loại bệnh dịch lây lan và những vấn đề ô nhiễm có ảnh hưởng xấu đến môi trường sống, đến sức khỏe của nhân dân.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Vốn là nơi tập trung các bệnh viện đầu ngành tuyến Trung ương, thời gian qua, các bệnh viện của Hà Nội đang ngày càng khẳng định được khả năng chuyên môn cũng như "thương hiệu" của mình nhờ sự đầu tư và chỉ đạo quyết liệt của thành phố trong việc chọn hướng đi đúng đắn. Năm 2016, thành phố đã đầu tư trên 700 tỷ đồng cho công tác nâng cao chất lượng ngành y tế, trong đó có những lĩnh vực chuyên sâu về kỹ thuật cao như tim mạch, tiêu hóa, ung bướu…

Bệnh viện Ung bướu Hà Nội là đơn vị tự chủ kinh tế 100% từ năm 2017 cũng đã vươn lên làm chủ nhiều kỹ thuật cao như kỹ thuật ứng dụng dược chất phóng xạ đánh dấu hạch ác trong ung thư giai đoạn sớm; kỹ thuật nút động mạch gan, chọn lọc trong điều trị ung thư tế bào gan nguyên phát trên hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA.

Còn 11/2016 vừa qua, UBND TP. Hà Nội đã chính thức khánh thành và đưa vào sử dụng Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội (thuộc BV Xanh Pôn) với nhiều máy móc, thiết bị hiện đại thuộc tốp đầu châu lục…Nhờ những kết quả trong việc phát triển kỹ thuật cao, các bệnh viện đã thực hiện được nhiều kỹ thuật khó, giảm chi phí đáng kể cho người bệnh.

Minh Khuê (thực hiện)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này