Nỗi niềm nghề có tỉ lệ “chọi” cao nhất

10:20 | 05/10/2017
Nằm trong top 10 ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất hiện nay, chỉ đứng sau ngành IT - Phần mềm nhưng thu nhập của người lao động làm trong lĩnh vực hành chính - thư ký lại chỉ ở mức trung bình và chịu nhiều áp lực khác nhau.
noi niem nghe co ti le choi cao nhat 9X Bắc Ninh giành học bổng tiền tỷ vào đại học “tỷ lệ chọi” cao nhất Mỹ
noi niem nghe co ti le choi cao nhat Chuyện nhặt … từ cuộc thi của các chú “dê vàng”

Cánh cửa hẹp

Theo Báo cáo thị trường tuyển dụng nửa đầu năm 2017 của VietnamWorks - tập đoàn tuyển dụng nhân sự lớn nhất Việt Nam thì tỉ lệ cạnh tranh ngành hành chính - thư ký ở mức cao nhất 1/69; tiếp đến kế toán 1/65; xuất nhập khẩu 1/60; sản xuất 1/50… Điều này đã chỉ ra, 1 người tìm việc trong ngành hành chính - thư ký phải cạnh tranh với trung bình 69 người khác để có công việc mới.

noi niem nghe co ti le choi cao nhat
Ảnh minh họa.

Những số liệu trên đã phản ánh thực tế cuộc chạy đua tìm kiếm việc làm ở nhóm lao động hành chính văn phòng ở những thành phố lớn. Chị Dương Mỹ Linh (27 tuổi),nhân viên hành chính chăm sóc khách hàng tại Công ty Kinh doanh mạng Internet và Truyền hình tại Hà Nội cho biết: “Tốt nghiệp đại học chuyên ngành ngân hàng nhưng nhận thấy cơ hội xin việc đúng nghề không nhiều nên quyết định ứng tuyển vị trí hành chính văn phòng”.

Để có được công việc hiện tại, hơn 1 năm trước chị Linh đã phải trải qua 3 vòng phỏng vấn trực tiếp, lần thứ nhất phải “đấu” với hơn 25 người, lần thứ 2 là 15 người, đến vòng thứ 3 còn 1 “chọi” 10.

Mặc dù có tỉ lệ “chọi” cao nhưng nhiều nhà tuyển dụng hành chính - thư ký vẫn gặp khó khăn khi tìm được 1 ứng viên ứng đủ các tiêu chí. Chị Hoàng Thu Nguyệt (ở quận Cầu Giấy), phụ trách tuyển nhân sự cho công ty D.T.P chuyên sản xuất xe đạp điện chia sẻ: “Một đợt tuyển dụng nhân viên văn phòng sẽ qua 2 hoặc 3 vòng phỏng vấn. Đây đều là những ứng viên được chọn lựa từ hàng trăm CV (đơn xin việc) gửi đến qua mail. Thế nhưng đến vòng phỏng vấn trực tiếp, cứ 10 người mới có 1 - 2 người tạm ổn”. Chị Nguyệt cho biết thêm, điểm trừ của ứng viên bị loại đa phần do thiếu kỹ năng về tin học văn phòng, thiếu kinh nghiệm về chính sách bảo hiểm.

Chị Nguyễn Thị Hương (ở quận Thanh Xuân), phụ trách tuyển nhân sự cho Công ty kinh doanh đá nhân tạo Hàn Quốc tại Hà Nội cũng tiết lộ, mỗi đợt tuyển dụng nhân viên hành chính văn phòng dù chỉ đăng tuyển trên mạng xã hội hoặc 1 số website miễn phí nhưng số lượng CV gửi về rất nhiều.

“Đặc thù của công ty tôi là không cần đợi hết thời hạn tuyển dụng mới bắt đầu lọc hồ sơ lên lịch phỏng vấn. Chúng tôi thực hiện ngay sau khi đăng tuyển vì không có thời gian đọc hết tất cả hồ sơ gửi về do số lượng rất nhiều. Quá trình tuyển dụng kết thúc khi tìm được người phù hợp, thông thường chỉ 1 - 2 người được nhận thử việc”, chị Hương nói.

Do tỉ lệ “chọi” cao lại không đồng đều về chất lượng nên nhiều người lao động muốn vượt qua được các ứng viên khác để có việc làm đã chấp nhận bỏ 1 khoản tiền học thêm nghiệp vụ hành chính nhân sự. Theo các nhà tuyển dụng thì đây là cơ hội để nhiều trung tâm mở ra các khóa học có giá trên trời, trong khi giá trị thực của khóa học chỉ có giá bằng hoặc thấp hơn 1 nửa.

Tại 1 trung tâm có tên T.P (địa chỉ ở quận Thanh Xuân) chúng tôi nhận được thông tin, các lớp học ở đây khai giảng liên tục, đội ngũ giảng viên được quảng cáo đều có nhiều năm kinh nghiệm tại vị trí Giám đốc, Phó Giám đốc nhân sự tại các tổ chức, tập đoàn lớn.

Lớp học diễn ra trong vòng 2 giờ với tối đa 12 học viên, học phí 2.000.000 đồng/15 buổi học. Theo lời nhân viên tư vấn, “do không mất tiền thuê mặt bằng nên trung tâm mới có giá như trên. Những cơ sở khác dạy 4 - 6 buổi đã có giá từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng nhưng không dạy đủ các nghiệp vụ”.

“Làm dâu trăm họ”

Theo chị Dương Mỹ Linh, dù tuyển dụng gắt gao, làm việc áp lực với định mức lên tới 180 cuộc gọi/ngày nhưng thu nhập chỉ được gần 6.000.000 đồng/tháng. “Tiếng là làm hành chính, quy định của công ty 17h30 được nghỉ nhưng phần đông mọi người sẽ phải ở lại làm thêm đến 19 giờ mới có thể đảm bảo đủ số lượng cuộc gọi. Đây cũng là lý do nhiều nhân viên nghỉ việc, đổi chỗ làm tìm cơ hội mới tốt hơn đồng nghĩa với việc công ty liên tục phải tuyển người mới”, chị Linh mệt mỏi nói.

Chị Hoàng Thu Nguyệt cũng thừa nhận, nhân viên hành chính ở các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ phải chịu nhiều áp lực dẫn đến bỏ việc. Kết thúc 3 tháng thử việc từ mức lương khởi điểm 3.5– 4 triệu/đồng/tháng, 1 năm sau tăng lên 5 triệu đồng nhưng thu nhập cứng sẽ dừng lại đây. Thu nhập thêm phụ thuộc vào tiền thưởng hàng quý hoặc doanh số bán hàng, hay chuyển đổi vào phúc lợi như nâng mức du lịch.

Một người làm hành chính văn phòng phải kiêm thêm công tác tuyển dụng nhân sự, tính lương, chấm công, theo dõi cơm, làm bảo hiểm, công văn giấy tờ, làm thư ký… Ở những công ty mà các sếp luôn nghĩ nhân sự hành chính ít việc thì khi các bộ phận khác bị trống sẽ điều nhân viên văn phòng xuống hỗ trợ như kiểm kho, làm lễ tân.

Mặc dù vậy, hồ sơ đăng tuyển vào vị trí hành chính văn phòng chưa bao giờ hạ nhiệt. Chị Nguyệt dẫn chứng, trong công ty lương kế toán trưởng cao nhưng nhân viên kế toán chỉ bằng lương văn phòng. Do đó, việc một người học kế toán, bảo hiểm có kiến thức tin học tốt và không muốn làm việc liên quan đến con số như cân đối tài chính, thuế sẽ chọn “đá sân” sang văn phòng khiến tỉ lệ “chọi” luôn ở mức cao.

Tại công ty nước ngoài quy mô vừa và nhỏ, thu nhập khởi điểm với người chưa có kinh nghiệm khoảng 5 triệu đồng, người có kinh nghiệm 6 triệu đồng/tháng. Nhân viên gắn bó với công ty sau 2 năm và làm việc trơn tru sẽ có mức thu nhập 8 triệu/tháng. Chị Nguyễn Thị Hương thông tin, yêu cầu đầu tiên đối với 1 nhân sự mới là làm theo chỉ đạo của quản lý và giám đốc. Vì thế, việc nhân viên hành chính phải kiêm lễ tân, làm bảo hiểm, còn kế toán vừa kế toán riêng vừa làm kế toán tổng hợp là bình thường.

Mai Phương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này