Thuốc cản quang trong chẩn đoán hình ảnh nguy hiểm như thế nào?

15:59 | 04/10/2017
Số bệnh nhân được chỉ định tiêm thuốc cản quang trong chẩn đoán hình ảnh tăng, tần suất bệnh nhân bị sốc phản vệ do thuốc cản quang nói chung và Ultravist nói riêng cũng tăng.
thuoc can quang trong chan doan hinh anh nguy hiem nhu the nao Bệnh nhân tử vong bất thường sau tiêm thuốc cản quang
thuoc can quang trong chan doan hinh anh nguy hiem nhu the nao 10 bệnh nhân bị sốc phản vệ ở Hòa Bình đã được chuyển về bệnh viện Bạch Mai

Sốc phản vệ do thuốc cản quang là có thật

Liên quan đến trường hợp tử vong sau khi tiêm thuốc cản quang tại BV K, BV cho biết, bệnh nhân được chẩn đoán tử vong do sốc phản vệ vì thuốc cản quang tĩnh mạch không hồi phục trên bệnh nhân theo dõi ung thư cổ tử cung tái phát.

thuoc can quang trong chan doan hinh anh nguy hiem nhu the nao
Đã có nhiều ca sốc thuốc cản quang. Ảnh minh họa

Mỗi năm, trên thế giới có hơn 70 triệu lượt thăm dò chẩn đoán hình ảnh có sử dụng thuốc cản quang, riêng ở Mỹ có ít nhất 10 triệu người.

TS.BS Nguyễn Tiến Quang, BV K, phân tích rõ hơn sốc phản vệ chỉ xảy ra ở những cơ thể có cơ địa dị ứng. Nghĩa là, với cùng một liều lượng, tốc độ và thời gian hấp thụ, phơi nhiễm, sốc có thể xảy ra ở người này nhưng chưa chắc xảy ra ở cơ thể khác.

Về tỷ lệ sốc phản vệ do thuốc cản quang (Ultravist) dùng trong chẩn đoán hình ảnh, theo một thống kê quốc tế là có 10/1.142 bệnh nhân sử dụng thuốc cản quang bị sốc, trong đó có tới 7 bệnh nhân tử vong trong vòng khoảng 5 ngày sau xuất hiện sốc. Tại Việt Nam hiện chưa có thống kể về tỷ lệ này.

“Hiện nay, số bệnh nhân được chỉ định tiêm thuốc cản quang trong chẩn đoán hình ảnh tăng nên tần suất bệnh nhân bị sốc phản vệ do thuốc cản quang nói chung và Ultravist nói riêng cũng tăng. Nhiều trường hợp mặc dù phát hiện sớm, xử trí chính xác và kịp thời cũng không tránh khỏi tử vong.

Đó là lý do bệnh nhân luôn phải ký cam kết trước mọi thủ thuật, can thiệp và trong nghề y không thầy thuốc nào có thể nói trước được 100% các can thiệp chẩn đoán, điều trị sẽ thành công, không xảy ra tai biến”, TS.BS Nguyễn Tiến Quang cho hay.

Sốc thuốc cản quang không liên quan đến liều lượng

Theo BS Bùi Hoàng Hải, BV Đại học Y Hà Nội: Sốc phản vệ xảy ra chủ yếu khi dùng thuốc cản quang dạng tiêm truyền tĩnh mạch. Phản ứng quá mẫn cảm với thuốc cản quang thường không liên quan đến liều và tốc độ tiêm thuốc, có thể xuất hiện ngay cả khi chỉ tiếp xúc với một lượng nhỏ dị thuốc cản quang.

Kiểu phản ứng có thể được chia làm nhiều thể khác nhau. Triệu chứng quá mẫn cảm tức thì với thuốc cản quang xuất hiện trong vòng một giờ, bừng mặt, ngứa mề đay cấp, phát ban, phù mạch, co thắt phế quản và thở rít, phù thanh quản và rút lõm lồng ngực, tụt huyết áp và sốc, mất ý thức.

Cũng theo BS Bùi Hoàng Hải, sốc phản vệ xuất hiện khi bệnh nhân được tiếp xúc với một dị nguyên, trong đó thuốc cản quang được xem là dị nguyên hay gặp nhất. Phát hiện sớm phản vệ với các dấu hiệu ngoài da, thay đổi hô hấp, huyết động là cần thiết và có tính chất quyết định trước khi tiến hành cấp cứu phản vệ. Adrenalin được xem là thuốc đầu tay trong cấp cứu phản vệ.

Theo L.Hà/ laodong.vn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này