Thành lập Hội đồng y khoa: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

17:46 | 28/09/2017
“Đổi mới hệ thống đào tạo y khoa phải sau 10 - 15 năm mới thấy được thành quả nhưng nếu bây giờ chúng ta không làm, cứ lùi thì sau này rất nguy hiểm” - Đó là ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm về bảo đảm chất lượng đào tạo nhân lực y tế” tổ chức mới đây tại Hà Nội.
thanh lap hoi dong y khoa nang cao chat luong nguon nhan luc nganh y Đào tạo nhân lực y tế theo hướng dựa trên năng lực
thanh lap hoi dong y khoa nang cao chat luong nguon nhan luc nganh y Chất lượng nhân lực ngành y tế: Bao giờ đáp ứng yêu cầu của thị trường?

Thống kê của Bộ Y tế cho biết, hiện Việt Nam có 73 cơ sở đào tạo y khoa, chỉ tiêu đào tạo hàng năm là trên 106.000 sinh viên, học viên ở các trình độ. Những năm gần đây, các cơ sở đào tạo y khoa đã chú trọng đào tạo nhân lực y tế bằng việc đa dạng hóa các hình thức đào tạo cũng như mở rộng các cơ sở đào tạo.

thanh lap hoi dong y khoa nang cao chat luong nguon nhan luc nganh y
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội thảo về nhân lực ngành y. Ảnh: H.Thành

Tuy nhiên, theo Phó cục trưởng Khoa học công nghệ và đào tạo y tế Nguyễn Minh Lợi thừa nhận, việc đào tạo chưa gắn với nhu cầu và yêu cầu sử dụng. Chất lượng đầu vào và đầu ra của các cơ sở đào tạo không đều, chưa được kiểm định độc lập. Từ đó dẫn đến nhân lực đầu vào của hệ thống y tế chưa được kiểm soát năng lực trước khi cấp chứng chỉ hành nghề.

Theo Thứ trưởng Y tế Lê Quang Cường, các chương trình đào tạo y khoa ở Việt Nam hiện nay chưa theo chuẩn quốc tế. Việc đánh giá chương trình đào tạo có đạt chuẩn hay không, sinh viên tốt nghiệp có đáp ứng được yêu cầu chuyên môn hay không cũng chưa được thực hiện. Hiện Bộ Y tế mới bắt đầu xây dựng chuẩn đào tạo cho ngành Sản khoa và Ngoại khoa để chuẩn hóa chương trình đào tạo…

Để bảo đảm chất lượng nhân lực, tạo tiền đề nâng cao chất lượng y tế, tại Nghị định số 75/2017/NĐ-CP, Chính phủ đã giao Bộ Y tế có nhiệm vụ "Quy định, hướng dẫn tổ chức thực hiện việc thi để xét cấp chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực y tế theo quy định của pháp luật". Việc thi để xét cấp chứng chỉ hành nghề là một giải pháp quan trọng nhằm kiểm soát chất lượng đào tạo và năng lực hành nghề của nhân lực y tế, song đây là một việc làm mới chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam.

Phát biểu tại cuộc hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Nghề y là một nghề đặc biệt phải được tuyển dụng, đào tạo, đãi ngộ đặc biệt, nhất là trong điều kiện của Việt Nam, số lượng bác sĩ, điều dưỡng còn thiếu nhưng trình độ chuyên môn từ kiến thức lý thuyết chung đến thực hành, đạo đức nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu. Chưa kể tình trạng các bệnh viện ở Hà Nội, TPHCM thừa bác sĩ đợi việc, trong khi bệnh viện các tỉnh rất thiếu. Để giải quyết hài hoà mâu thuẫn này phải có lộ trình từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo y khoa”.

Cũng theo Phó Thủ tướng, cả nước có 4 trung tâm kiểm định đại học nhưng chưa trung tâm nào đủ năng lực, “dũng cảm” để kiểm định đào tạo y khoa. Vì vậy, việc đầu tiên là phải có trung tâm kiểm định riêng về đào tạo y khoa. Đây là trách nhiệm và hoàn toàn nằm trong khả năng của Bộ Y tế, Tổng hội Y học và cả câu lạc bộ các trường đại học y.

Cũng theo Phó Thủ tướng, sau thời gian chuẩn bị, sắp tới Chính phủ sẽ ban hành một nghị định dành riêng cho hệ thống đào tạo y khoa trong đó nhấn mạnh đến yêu cầu đào tạo kiến thức cơ bản, rồi đến bác sĩ đa khoa có thể phục vụ cho công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu, tiếp đến là đào tạo thực hành chuyên khoa. Nhất là quy định điều kiện các cơ sở bệnh viện có quyền lợi, trách nhiệm tham gia vào công tác đào tạo thực hành…

Còn trao đổi về mô hình hội đồng y khoa, Phó Thủ tướng đánh giá các ý kiến nêu ra tại hội thảo cho thấy đây là xu hướng chung đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng từ hàng chục năm nay. Tại khu vực ASEAN hiện chỉ có Việt Nam và Brunei chưa có mô hình này. Theo Phó Thủ tướng, qua nhiều hội thảo, các ý kiến trao đổi đã thấy rõ sự cần thiết phải có một tổ chức như hội đồng y khoa nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo y khoa. Đây là tổ chức được nhà nước uỷ quyền nhưng độc lập, hoạt động phi lợi nhuận với sự tham gia của những người làm công tác đào tạo, bác sĩ khám chữa bệnh, đại diện cơ quan quản lý, người thụ hưởng dịch vụ y tế…

Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế, Tổng hội Y học xây dựng đề án thành lập cơ quan này phù hợp với tình hình thế giới và điều kiện thực tiễn ở Việt Nam. Trong đó có các khuyến nghị cụ thể về việc lập ra tổ chức chứng nhận chất lượng đào tạo bác sĩ thông qua các kỳ thi."Sắp tới, Trung ương bàn đề án về y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân và đào tạo y khoa là một điểm trong đề án. Chúng ta đang có cơ hội đổi mới đào tạo y khoa một cách căn bản. Đổi mới phải sau 10-15 năm mới thấy được thành quả nhưng nếu bây giờ không làm thì sau này rất nguy hiểm", Phó Thủ tướng cho hay.

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan đã chia sẻ những kinh nghiệm về bảo đảm chất lượng nhân lực y tế, trong đó hội đồng y khoa được coi là cơ chế quan trọng trong xây dựng và kiểm định tiêu chuẩn chương trình đào tạo, tổ chức kỳ thi đánh giá chất lượng đầu ra của các cơ sở đào tạo y khoa./.

K.Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này