Xung quanh chuyện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam: Bất đồng bài toán lợi ích

17:43 | 21/09/2017
Những ngày qua, nhiều nghệ sĩ của Hãng Phim truyện Việt Nam liên tục có kiến nghị liên quan đến những bất cập trong quá trình cổ phần hóa Hãng phim. Để giải quyết vấn đề này, chiều 19/9, Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam đã có buổi đối thoại làm việc với các nghệ sĩ, cán bộ nhân viên công ty. Tuy nhiên, sau cả buổi chiều làm việc căng thẳng, dường như giữa họ vẫn chưa có sự đồng thuận. 
xung quanh chuyen co phan hoa hang phim truyen viet nam bat dong bai toan loi ich Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Mới đạt chỉ tiêu về lượng!
xung quanh chuyen co phan hoa hang phim truyen viet nam bat dong bai toan loi ich Quốc hội sẽ giám sát cổ phần hóa
xung quanh chuyen co phan hoa hang phim truyen viet nam bat dong bai toan loi ich Phó Thủ tướng yêu cầu công khai 730 DN cổ phần hóa nhưng chưa niêm yết

Chính sách lương không rõ ràng

Đến nay việc cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Hãng Phim truyện Việt Nam mới được trên 2 tháng, song rất nhiều nghệ sĩ bức xúc với việc công ty nắm cổ phần chính của hãng phim không đảm bảo việc làm, tôn trọng nghề nghiệp cũng như đảm bảo mức lương theo quy định Nhà nước.

Trực tiếp chủ trì, điều hành cuộc đối thoại là ông Nguyễn Thủy Nguyên, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Vận tải Thủy (nhà đầu tư chiến lược hiện đang nắm giữ 65% cổ phần). Theo ghi nhận của PV LĐTĐ, suốt 4 tiếng đồng hồ diễn ra đối thoại, những bức xúc chủ yếu xoay quanh câu chuyện về lương, về sự xáo trộn cơ sở vật chất cũng như về định hướng làm phim.

Nhiều nghệ sĩ cho biết, trong 2 tháng qua, chỉ có một số cán bộ được tạm ứng lương và có sự chênh lệch cao thấp không theo định mức, không rõ ràng và một số cán bộ hoàn toàn không có lương. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyên khẳng định, ban lãnh đạo công ty không bao giờ có ý định không trả lương nhưng có quy định riêng về trả lương.

“Nguyên tắc trả lương của công ty là có làm có hưởng, không làm không hưởng. Chúng tôi chỉ trả lương trong trường hợp, một là đi làm như giờ hành chính, hai là đăng ký theo sản phẩm, theo phim. Tôi không thể trả lương nếu không biết các đồng chí làm gì. Ở đây có những nghệ sĩ cây đa, cây đề nhưng có người 2-3 năm không đến cơ quan nhưng vẫn trả lương đầy đủ, đóng bảo hiểm bình thường”.

xung quanh chuyen co phan hoa hang phim truyen viet nam bat dong bai toan loi ich
Lối vào Hãng Phim Truyện Việt Nam (số 4, Thụy Khuê, Hà Nội) Ảnh: Phương Bùi

Nhiều nghệ sĩ cho biết, bản thân họ cũng không trông mong gì vào số lương ít ỏi đó mà cái họ cần là có được cơ hội làm việc và cống hiến. Đạo diễn Quốc Tuấn bức xúc: “Trong bản cam kết ghi một năm chỉ có một phim truyện nhựa và một phim video, tức là chỉ có 2 đạo diễn làm việc. Vậy 8 đạo diễn còn lại sẽ làm việc như thế nào? Chúng tôi muốn có công việc, muốn cống hiến nhưng anh không cho chúng tôi cơ hội đó”.

Đạo diễn, NSND Thanh Vân cũng thắc mắc: “Hãng phim có hơn 80 người nhưng ban lãnh đạo nói chỉ có 20 người làm việc như nhân viên kế toán, hành chính, bảo vệ… còn 60 nghệ sĩ không được coi là làm việc. Thử hỏi 20 người đó có đem lại sự phát triển cho điện ảnh Việt Nam không? NSND Thanh Vân cũng cho biết, nhiều nghệ sĩ có tự trọng ra ngoài làm không hề nhận lương. Người nghệ sĩ phải có thời gian tích lũy chứ không thể nói lúc nào cũng có sản phẩm. Họ cho rằng công ty không hiểu đặc thù của người làm nghệ thuật. Không thể cứ sáng đi tối về như làm hành chính, mà họ cần những xúc tác để sáng tác. Có những đêm chong đèn ngồi sáng tác thì có được tính là làm việc không? Hầu hết các nghệ sĩ đều muốn được giải thích định nghĩa thế nào là “làm việc”?

Cơ sở vật chất xáo trộn, đạo cụ bị thất thoát

Về việc xáo trộn cơ sở vật chất, các nghệ sĩ bức xúc khi 4 phòng biên kịch, đạo diễn, quay phim, thiết kế mỹ thuật bị dồn vào một phòng chung rộng vỏn vẹn 20m2. Toàn bộ kịch bản quý giá đều bị đem đi gửi ở Viện phim Việt Nam khiến chiếc tủ kịch bản trống trơn không còn một bản thảo nào. Các nghệ sĩ cũng bức xúc khi kho đạo cụ, phục trang vốn là tài sản, gắn liền với hoạt động của hãng cũng bị chuyển đến kho của Công ty vận tải thủy cách hãng phim 40 km.

Tại cuộc họp, đạo diễn, NSƯT Nguyễn Đức Việt đã đưa ra hai đạo cụ là mũ bộ đội và ăng gô- những kỷ vật có tuổi đời vài chục năm đã gắn liền với nhiều bộ phim được anh xin được từ người bán đồng nát… Đạo diễn Nguyễn Đức Việt cho hay: “Việc vận chuyển các đạo cụ phải lập biên bản và sự kiểm kê vì đây là tài sản chung của Hãng. Không thể có chuyện cứ đem đi dễ dàng như vậy được”. Về vấn đề này, ông Nguyên cho hay, hiện tại có hai nhà khu là kho xưởng và nhà làm việc. Việc đầu tiên phải làm là dọn sạch vì toàn rác, ẩm mốc, phải cải tạo lại cho đàng hoàng. Ông cũng cho rằng việc thất thoát đạo cụ là do lỗi của người làm công tác vận chuyển.

Nhiều nghệ sĩ cũng cho biết họ hoang mang vì không có định hướng làm phim trong tương lai. Trước đó, công ty hứa hẹn sẽ đầu tư máy móc hiện đại để làm phim, xây dựng và thực hiện các chương trình quảng bá truyền thông, xây dựng kho bãi, trường quay, bắt tay với các đối tác lớn để làm việc… Trước những băn khoăn của nghệ sĩ, ông Nguyên cho biết chưa có kế hoạch cụ thể và đang trong quá trình nghiên cứu thị trường. Tuy nhiên, người đứng đầu doanh nghiệp cũng mong muốn các nghệ sĩ thay đổi tư duy “bao cấp” để phù hợp với việc làm phim trong thời buổi kinh thế thị trường.

Buổi đối thoại được kỳ vọng để giải đáp các thắc mắc nhưng đã không thành công. Bởi góc độ người nghệ sĩ và góc độ chủ doanh nghiệp chưa có sự đồng thuận. Nếu tình trạng này cứ kéo dài sẽ dẫn đến hệ lụy lớn là tâm lý sáng tác, sáng tạo của nghệ sĩ trong hãng bị mai một, kéo theo sự thất thu của chính doanh nghiệp. Nhưng có lẽ cái mà nhiều người đang băn khoăn là liệu điện ảnh Việt sẽ đi về đâu? Được biết, dự kiến sáng 21/9, Hội Điện ảnh Việt Nam sẽ tổ chức một cuộc gặp gỡ giữa nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam với truyền thông tại trụ sở văn phòng hội, số 51 Trần Hưng Đạo. Đồng thời, dự kiến chiều này (21/9) Phó thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ chủ trì buổi làm việc về Hãng Phim truyện Việt Nam tại Văn phòng Chính phủ.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này