Đục thông vòm cầu Long Biên: Phục hồi nguyên trạng nét xưa

16:39 | 14/09/2017
Với mong muốn xây dựng thêm các không gian văn hóa cộng đồng, nên chính quyền Thành phố quyết tâm phục hồi nguyên trạng vòm cầu cạn Long Biên vốn được xây bịt lại trước đó. Thông tin này tiếp tục thu hút sự quan tâm, ủng hộ của người dân và  giới chuyên gia.
phuc hoi nguyen trang net xua Cận cảnh sinh hoạt của người dân bên gầm cầu cạn Long Biên
phuc hoi nguyen trang net xua Hà Nội đề xuất bảo tồn, phát huy giá trị di sản đô thị cầu Long Biên và các vòm đá

Xóa cảnh “gần nhà, xa ngõ”

Những năm 70 của thế kỷ trước, sông Hồng lũ lớn, nước ngập trắng bãi Phúc Xá, Phúc Tân, An Dương, Chương Dương… cực chẳng đã người dân trong khu vực phải chạy lụt vào nội thành, “tá túc” trong các vòm cầu từ phố Gầm Cầu đến phố Phùng Hưng. Sau này khi nước rút, nhiều người vẫn không rời đi mà quyết tâm bám trụ lại, do đó để đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực, Thành phố đã cho xây bịt kín các vòm cầu cạn, mặc dù việc làm này khiến cảnh quan trong khu vực bị xấu hơn rất nhiều.

phuc hoi nguyen trang net xua
Người dân sinh sống hai bên khu vực phố Gầm Cầu với các mái vòm bịt kín.

Chình vì vậy, thông tin về chủ trương khôi phục các vòm cầu đã bị bịt kín ở đường sắt trên phố Phùng Hưng, phố Gầm Cầu thu hút sự quan tâm, ủng hộ của người dân, đặc biệt với người dân sống quanh khu vực. Bà Nguyễn Thị Sinh, 39 Phố Gầm Cầu, phấn khởi cho biết, tôi sinh ra và lớn lên ở nơi đây, cũng chừng ấy năm chứng kiến sự đổi thay từng ngày của con phố Gầm Cầu. Phải khẳng định tôi và người dân trong khu vực rất ủng hộ ý tưởng này. Trước khu phố này rất thông thoáng, người dân hai bên đường có cùng chung một con phố, tuy nhiên, sau này vì lý do an ninh, Thành phố đã cho xây bịt các vòm cầu lại, từ đó dân phố Gầm Cầu phải sống cảnh “gần nhà xa ngõ”. “Ngõ phố Gầm Cầu tập trung nhiều ki-ốt cho thuê, nếu đục thông vòm cầu sẽ giúp khu phố này trở nên thông thoáng hơn, người dân chúng tôi rất mong đợi việc làm này” – bà Sinh cho hay.

Tương tự, người dân sống ở ngõ phố Hàm Hương cũng tán thành ý tưởng này, Bác Đông, nhà phố Hàm Hương cho biết: Tôi thấy đa phần người dân nơi đây đều vui mừng khi nghe tin Thành phố sẽ đục thông vòm cầu. Việc mở vòm cầu sẽ xóa đi những điểm đen trông giữ xe gây mất mỹ quan đô thị.

Cần tạo thành không gian văn hóa nghệ thuật

Tại buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội vào ngày 12/9, đại diện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã bày tỏ quan điểm ủng hộ phương án đục thông 127 vòm cầu đường sắt ở phố Gầm Cầu và Phùng Hưng để cải tạo thành không gian văn hóa. Bộ GTVT cũng lưu ý thành phố Hà Nội trước khi tiến hành cải tạo cần tổ chức kiểm định độ an toàn chịu lực. Trong quá trình cải tạo phải bảo đảm an toàn cho chạy tàu, Bộ cũng khuyến cáo cần tránh xung đột tuyến đường sắt đô thị số 1 đã được lên kế hoạch trước đó.

Theo Tiến sĩ Mỹ học Nguyễn Thế Hùng, cùng với Nhà hát Lớn, cầu Long Biên là một trong những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng toàn Đông Dương, được người Pháp xây dựng (1898 – 1902). Ủng hộ ý tưởng mở các vòm cầu cạn Long Biên để xây dựng một không gian văn hóa chung, tuy nhiên, TS. Nguyễn Thế Hùng cho rằng: Làm thế nào, để biến tất cả những không gian chết (gầm cầu – PV) vốn không mang lại giá trị gì, thành một tác phẩm nghệ thuật nhằm mang lại niềm vui, mang lại cái đẹp cho Thủ đô là một bài toán khó cần được minh bạch và làm rõ.

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, UBND quận Hoàn Kiếm đang tiến hành khảo sát, xin ý kiến các chuyên gia về phát huy giá trị di sản 131 vòm cầu đoạn từ phố Phùng Hưng đến ga Đầu Cầu (ga Long Biên). Theo khảo sát hiện trạng của UBND quận Hoàn Kiếm, hiện cầu cạn Long Biên có tổng số 130 mái vòm được đánh số từ 2 đến 131, kéo dài từ ngã tư Cửa Đông - Phùng Hưng đến Ga Long Biên.

Trong số này, có 4 vòm cầu đã được khơi thông để làm đường đi, dự kiến 127 vòm cầu còn lại sẽ được khôi phục, tạo thành không gian tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, hội họa… Cũng theo UBND quận Hoàn Kiếm, nếu cải tạo toàn bộ cả trong lòng (19-22m2/1 vòm) và vỉa hè, sẽ có phần diện tích hơn 7.000m2 dành cho sinh hoạt văn hóa công cộng ở Thành phố.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này