Gia tăng phụ nữ bị trầm cảm sau sinh

09:10 | 02/09/2017
Vừa qua, Bộ Y tế đã phối hợp với Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số và Liên minh về Công bằng sức khỏe đã tổ chức buổi Tọa đàm “Trầm cảm sau sinh ở Việt Nam: Chúng ta biết gì và có thể làm gì”.
gia tang phu nu bi tram cam sau sinh Hơn 8% phụ nữ Việt Nam có dấu hiệu bị trầm cảm sau sinh
gia tang phu nu bi tram cam sau sinh 7 hiểu lầm cần gỡ bỏ về trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh là một rối loạn nguy hiểm có tác động tiêu cực đối với phụ nữ và trẻ sơ sinh. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có khoảng 10-20% phụ nữ đang mang thai hoặc sau sinh từng trải qua ít nhất một dạng rối loạn tâm thần, trong đó chủ yếu là trầm cảm.

Tại Việt Nam, cứ 4 phụ nữ thì có 1 người có thể trầm cảm và các rối loạn tâm thần khác trong vòng một năm sau khi sinh con. Trong đó, bạo lực gia đình và áp lực phải có con trai để nối dõi tông đường là những nguyên nhân quan trọng làm tăng nguy cơ trầm cảm đối với phụ nữ sau sinh. Trong những trường hợp nghiêm trọng, điều này có thể dẫn đến suy nghĩ và hành vi tự tử ở người mẹ hoặc gây tổn hại cho con.

gia tang phu nu bi tram cam sau sinh
Tại tọa đàm, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đã đề cập đến tình trạng trầm cảm sau sinh của phụ nữ, phân tích nguyên nhân và gợi mở những giải pháp. Ảnh: Minh Khuê.

Tại tọa đàm các chuyên gia cho biết, có tới 6,2% phụ nữ bị chồng bạo hành đã sinh non và 4,9% sinh con nhẹ cân. Bên cạnh đó, tại Việt Nam có khoảng 1/3 phụ nữ mang thai bị bạo hành, nhưng có gần một nửa số trường hợp không thông báo cho người khác. Phụ nữ sinh con gái một bề có nguy cơ bị chồng bạo hành trong quá trình mang thai gấp 2 lần so với phụ nữ có con trai. Bạo lực tinh thần là hình thức phổ biến nhất đối với phụ nữ mang thai, chiếm 32,2%, tiếp theo là bạo lực tình dục 9,8% và bạo lực thể xác 3,5%.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế cho rằng, thời gian vừa qua có một số trường hợp đáng tiếc xảy ra, xuất phát từ chứng trầm cảm sau sinh. Trong đó, cũng có một phần trách nhiệm của ngành y tế. Nhưng cũng có một phần nguyên nhân khách quan khác từ phía xã hội và gia đình. Thực tế, cán bộ y tế vẫn chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, chưa có nhận thức đúng, chưa có những hành động đúng về chăm sóc đảm bảo an toàn.

Ông Nguyễn Đức Vinh cho biết: “Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em sẽ tiếp tục hợp tác với các tổ chức, đối tác phát triển khác để nghiên cứu, tập hợp dữ liệu đủ sức thuyết phục để đưa ra những can thiệp về chính sách. Từ đó có thể trở thành những thực hành thường quy cho cán bộ y tế khi mà chăm sóc trước sinh, sau sinh. Bên cạnh việc dự phòng tai biến sản khoa, phòng nhiễm khuẩn thì phải chăm sóc về tâm lý nữa”.

Về giải pháp, bà Phạm Kiều Linh, Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số cho hay, cần nâng cao nhận thức và giảm kỳ thị, định kiến của cộng đồng đối với phụ nữ bị trầm cảm khi mang thai/sau sinh và chăm sóc sức khỏe tâm thần. Phụ nữ mang thai và sau sinh cần được sàng lọc và phát hiện trầm cảm, từ cấp độ cá nhân, gia đình, cộng đồng và cơ sở y tế. Các dịch vụ sàng lọc, chẩn đoán, điều trị và hỗ trợ phụ nữ mang thai và sau sinh trầm cảm cần có sự kết nối và được phổ biến rộng rãi.

Cũng tại buổi tọa đàm, các chuyên gia cũng đã đưa ra những giải pháp và cách ứng phó với trầm cảm khi mang thai và sau sinh. Ngoài ra, các chuyên gia cũng giao lưu, giải đáp những thắc mắc giúp phụ nữ thoát khỏi trầm cảm.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này