Việc làm tất yếu để nâng cao chất lượng dịch vụ

10:59 | 31/08/2017
Sở GTVT Hà Nội vừa có Tờ trình gửi UBND TP Hà Nội về việc ban hành Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn TP Hà Nội. Mặc dù vẫn còn nhiều băn khoăn nhưng Dự thảo được đánh giá là bước đột phá quan trọng trong quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ taxi ở Thủ đô.
viec lam tat yeu de nang cao chat luong dich vu Đề xuất từ năm 2025, thống nhất màu sơn chung cho taxi
viec lam tat yeu de nang cao chat luong dich vu Hà Nội: Cấm taxi hoạt động một số tuyến phố vào giờ cao điểm
viec lam tat yeu de nang cao chat luong dich vu Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội nói gì về Đề án quản lý xe taxi?

Còn nhiều băn khoăn

Trước thông tin sẽ thực hiện “đồng phục màu sơn” đối với xe taxi hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội, anh Dương Văn Định (Hưng Yên) bày tỏ: Hiện có rất nhiều hãng taxi đang hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội. Như mình hiện đang phải đóng tiền bộ đàm gần 4 triệu để được sử dụng thương thiệu (màu sơn). Cũng có nhiều đồng nghiệp chạy cho các hãng taxi mới, tiền bộ đàm có thể ít hơn rất nhiều. Nếu bây giờ, tất cả taxi đều có chung 1 màu sơn, khách hàng sẽ rất khó phân biệt, lúc này, hãng có thương hiệu uy tín cũng không khác gì những hãng vừa mới thành lập. Như vậy, rõ ràng là không công bằng. “Thực tế, nhiều khách hàng gọi xe trực tiếp mà không thông qua tổng đài. Họ thường lựa chọn những hãng taxi có thương hiệu, uy tín để đi, bởi vì họ rất sợ dính phải “taxi dù”. Mà để phân biệt được thì chỉ có màu sơn là dễ nhận biết nhất”.

Một số doanh nghiệp taxi cũng cho rằng, màu sơn xe là yếu tố kết hợp để nhận diện logo thương hiệu của mỗi hãng. Nó đã trở thành thói quen, ăn sâu vào tiềm thức của khách hàng. Ví dụ nhắc tới Taxi Mai Linh, khách hàng sẽ nghĩ đến xe màu xanh lá. Taxi Group màu trắng viền đỏ, Taxi ABC màu trắng và ghi viền hồng… Khi màu sơn được đồng nhất, khách hàng sẽ khó nhận diện được logo thương hiệu, đèn mào, số điện thoại riêng của hãng taxi. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp đã dầy công gây dựng thương hiệu.

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc taxi Ba Sao cho rằng, quy định về một màu sơn cho taxi đã được các nước phát triển đã áp dụng từ lâu. Việc quy định một màu sơn có những điểm tích cực nhất định. Màu sơn thống nhất sẽ giúp phân biệt được xe ngoại tỉnh so với xe được phép hoạt động trong Thành phố. Tuy nhiên, việc quy định "mặc đồng phục" này cần phải bàn thêm, vì thương hiệu các hãng taxi sẽ bị đánh đồng. Các công ty mất nhiều năm gây dựng thương hiệu. Nếu cùng một màu xe, thương hiệu sẽ bị đánh đồng hết. Ngoài ra, khách hàng rất khó nhận biết doanh nghiệp nào với doanh nghiệp nào, để lựa chọn. Rất khó có cái gì đó khác biệt.

Đồng quan điểm, ông Phạm Bình Minh, Giám đốc Công ty taxi Vạn Xuân chia sẻ, một số thành phố lớn trên thế giới chỉ có khoảng 4-5 hãng taxi. Do đó quy định các hãng đều một màu không quá phức tạp. Tuy nhiên, tại Hà Nội hiện tại có tới 70-80 hãng taxi đang hoạt động. Việc sơn màu xe thế nào cho hợp lý, đảm bảo việc kinh doanh là điều cần bàn thêm.

viec lam tat yeu de nang cao chat luong dich vu
Tăng cường quản lý taxi trên địa bàn TP Hà Nội là yêu cầu tất yếu để nâng cao chất lượng phục vụ của loại hình dịch vụ vận tải này.

Về các vấn đề phân vùng hoạt động và thành lập Trung tâm quản lý, điều hành chung, rất nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng không phù hợp và sẽ làm xáo trộn công việc kinh doanh của xe taxi. Theo Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội Đỗ Quốc Bình, việc quy định địa giới hành chính để phân vùng phục vụ đối với taxi là không khả thi. Bởi vì, trên thực tế việc phân định địa giới hành chính giữa các quận, huyện là rất khó khăn, do vậy lái xe không phải lúc nào cũng có thể phân biệt được việc này. Thực tế rất nhiều DN có địa bàn hoạt động ở các khu vực giáp ranh, như: Long Biên - Gia Lâm; Hoàng Mai - Thanh Trì, Từ Liêm - Hoài Đức - Đan Phượng… “Nếu Thành phố đưa quyền khai thác kinh doanh taxi vào để đấu giá thì cần phải làm rõ hơn và xác định các thuộc tính của nó để đảm bảo tính hợp pháp” – ông Bình bày tỏ.

Yêu cầu tất yếu để nâng cao chất lượng dịch vụ

Tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 29/8, ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết, mô hình hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi xuất hiện tại Hà Nội từ năm 1993 đến nay. Có thể nói, hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi đáp ứng một phần nhu cầu đi lại của nhân dân.

Theo đề án quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã được UBND thành phố phê duyệt, thì đến năm 2020, số lượng xe taxi trên địa bàn thành phố là 25.000 xe. Thực tế, đến thời điểm này, trên địa bàn Hà Nội có 19.265 xe taxi thuộc quản lý của 77 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, vận tải hành khách bằng xe taxi đang bộc lộ nhiều bất cập, như: Hoạt động của xe taxi phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung tại khu vực trung tâm Thành phố, chưa kể số lượng đáng kể của các tỉnh lân cận và xe “dù” đến hoạt động thường xuyên trên địa bàn Thành phố, từ đó trở thành một trong những nguyên nhân gây ra ùn tắc giao thông tại một số tuyến phố trong giờ cao điểm. Chất lượng cung ứng dịch vụ thấp như: Chất lượng xe, chất lượng lái xe; quản trị doanh nghiệp; giá dịch vụ cao và ít thay đổi so với biến động của thị trường, cao hơn so với chất lượng cung ứng dịch vụ; chưa tạo được hình ảnh văn minh, văn hóa trong nếp sống, đi lại trên địa bàn Thủ đô.

Theo ông Hà Huy Quang, với những bất cập nêu trên, cộng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ mới và việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý vận hành, vận tải hành khách bằng xe taxi, đòi hỏi Nhà nước cần có một quy định quản lý để hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi đáp ứng yêu cầu khách quan của phát triển đô thị Thủ đô Hà Nội theo hướng bền vững, văn minh, hiện đại.

Do đó, theo ông Hà Huy Quang, với những bất cập nêu trên, cộng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ mới và việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý vận hành, vận tải hành khách bằng xe taxi, đòi hỏi Nhà nước cần có một quy định quản lý để hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi đáp ứng yêu cầu khách quan của phát triển đô thị Thủ đô Hà Nội theo hướng bền vững, văn minh, hiện đại.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội nhìn nhận, trước nay thị trường taxi của Hà Nội vẫn được quản lý chủ yếu dựa trên các nghị định, thông tư. Trên thực tế, taxi của Hà Nội có nhiều đặc thù riêng, cần một bộ quy chế riêng hoàn chỉnh, cụ thể để làm công cụ quản lý hữu hiệu. Ông Quang cho biết, mục đích ban hành quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với loại hình vận tải này.

Cụ thể, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ vận tải hành khách của loại hình taxi đáp ứng yêu cầu đi lại của người dân đô thị, giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường đô thị. Quản lý số lượng, chất lượng xe taxi với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong việc quản lý, điều hành giao thông của Thành phố để tạo lập một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh, từ đó tạo dựng nếp sống, thói quen đi lại theo hướng văn minh, hiện đại, phù hợp với sự phát triển đô thị của Thủ đô.

Theo ông Hà Huy Quang, từ tháng 3 năm 2016, Sở GTVT Hà Nội nhiều lần xây dựng dự thảo quy chế quản lý taxi và lấy ý kiến đóng góp của Bộ GTVT, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, các sở, ngành và UBND quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố, các Hiệp hội vận tải, Hiệp hội taxi Hà Nội, các cơ quan, đơn vị liên quan. Ngày 10-5-2017, Sở GTVT đã có tờ trình UBND thành phố về dự thảo quy chế. Ngày 23-5-2017, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì cuộc họp tập thể lãnh đạo UBND thành phố về ban hành quy chế quản lý taxi…

Đến ngày 24/8/2017, lãnh đạo UBND thành phố và đại diện các sở, ngành của thành phố đã có buổi làm việc với Hiệp hội taxi Hà Nội về hoạt động vận tải hành khách của các doanh nghiệp taxi và trao đổi một số nội dung kiến nghị của Hiệp hội taxi về dự thảo quy chế quản lý taxi. “Tất cả những lo lắng đó có thể xuất phát từ việc chưa hiểu rõ bản chất các quy định được xây dựng trong dự thảo Quy chế. Chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại, giải thích với doanh nghiệp để làm rõ những khúc mắc” – Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang cho biết.

Hoàng Phúc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này