Rộn rã nhịp hát trống quân Khánh Hà

09:57 | 29/08/2017
Quanh năm gắn bó với ruộng vườn, ban ngày chân lấm tay bùn nhưng mỗi khi đêm về, những nông dân ở xã Khánh Hà (huyện Thường Tín, Hà Nội) lại trở thành những nghệ sĩ thực thụ. Những làn điệu trống quân trong đêm văn nghệ nơi đây luôn có sức hút kỳ lạ, ngọt ngào làm mê đắm lòng người.
ron ra nhip hat trong quan khanh ha 10 năm, đào tạo trên 1000 hạt nhân văn hóa văn nghệ cơ sở
ron ra nhip hat trong quan khanh ha Nhiều hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Loại hình nghệ thuật đặc sắc

Từ lâu, xã Khánh Hà được biết tới như một nơi có địa hình thơ mộng với sông Nhuệ và sông Tô Lịch tựa dải lụa mềm chảy ngang qua. Đến giờ, những người Khánh Hà vẫn truyền tai nhau rằng, điệu hát đặc sắc của vùng có từ thời vua Lê Lợi. Với họ, hát trống quân đã trở thành một nét văn hoá đẹp, là chất keo kết nối tình làng nghĩa xóm.

Nói sâu hơn về gốc tích điệu hát, ông Nguyễn Văn Tươi - Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) hát trống quân xã Khánh Hà cho biết: Trước kia, cứ đến khi trăng đầu tháng nhô khỏi lũy tre làng, người dân sống dọc hai bờ sông Nhuệ và Tô Lịch, đặc biệt là các tốp nam thanh nữ tú lại rủ nhau ra ven bờ hát đối đáp. Để hát được trống quân, người hát phải có chất giọng tốt, cao, tròn vành, rõ tiếng. Mỗi nhóm tham gia thường có từ 5 đến 7 người. Nam mặc bộ quần áo nâu tươi, đầu quấn khăn lưỡi rìu, nữ mặc váy nâu, áo cánh nâu bên ngoài, đầu quấn khăn nhung đen.

ron ra nhip hat trong quan khanh ha
Các thành viên chủ chốt trong CLB trống quân thường họp nhau ôn luyện các điệu hát trước khi truyền dạy.

Theo lời ông Tươi, câu hát, điệu đối hay những dụng cụ của hát trống quân thường rất dân dã và dễ kiếm tìm. “Hát trống quân hay nhờ chiếc trống bằng đất, một dây mây già giúp tạo âm thanh trầm bổng. Khi đi hát, thanh niên thường khoét xuống đất một hố theo kiểu hình chum, bề ngang miệng hố rộng khoảng 40cm, sâu độ 50cm. Sau khi khoét hố sẽ đặt một tấm gỗ mỏng lên trên, căng một sợi dây mây hoặc dây chão được xe thật chặt trên một chiếc nạng gỗ nhỏ đặt chính giữa tấm gỗ. Dây sẽ được cột chắc hai đầu bằng hai cọc tre xuống đất. Khi hát, người ta làm dùi trống là thanh tre nhỏ, bằng hai ngón tay, được mài nhẵn gõ vào sợi dây, dây tác động vào hố tạo nên những tiếng thình thùng rất trầm ấm” – ông Tươi chia sẻ.

Lề lối hát trống quân ở Khánh Hà đặc biệt hơn nhiều vùng miền khác ở chỗ, kép hát luôn tuân thủ chặt ở các chặng hát. Các chặng hát thường là, chặng chào hỏi mở đầu, tiếp đó là chặng đối đáp tâm tình, xe kết người hát, cuối cùng là hát hẹn giã biệt.

Theo lời bà Lanh, sự đối đáp không chỉ trong phạm vi vùng miền ở Khánh Hà hoặc các vùng lân cận, bên nam nữ khi hát có thể đưa ra những câu có nội dung hay về một vấn đề nào đó như thiên nhiên, cỏ cây hoa lá, tình cảm lứa đôi… Dĩ nhiên, khi một bên không đối đáp được với bên còn lại thì sẽ thua. Giải thưởng cuộc hát rất giản đơn chỉ là tấm lụa hoặc cái khăn, cái áo.

Những người truyền lửa

Đặc sắc và độc đáo là vậy nhưng từng có thời điểm hát trống quân ở Khánh Hà bị gián đoạn, có lúc tưởng rơi vào quên lãng. Chứng kiến những câu hát đã chinh phục bao lớp người dần rơi vào quên lãng, những người tâm huyết với điệu hát này như ông Nguyễn Văn Tươi và nhiều cao niên như cụ Vẫy, cụ Bôn… luôn ấp ủ phải làm một điều gì đó để lưu giữ nét văn hoá đặc sắc này. Ông Tươi bộc bạch: “Năm 2005, tôi và nhiều cụ cao tuổi trong xã tìm và sưu tập các bài hát để gây dựng phong trào văn hóa văn nghệ. Thời điểm đó chúng tôi ấp ủ sẽ lưu giữ rồi truyền dạy nghệ thuật hát này lại cho lớp con cháu. Năm 2008, xã Khánh Hà ra quyết định thành lập CLB. Từ đó đến nay, CLB đã truyền dạy được cho 4 lớp cháu nhỏ. Lớp đầu tiên chúng tôi truyền được cho 40 cháu, sinh hoạt định kỳ vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần”.

Theo tìm hiểu, mỗi năm CLB lại mở một lớp tập hát cho trẻ từ 9 đến 15 tuổi. Qua nhiều năm hoạt động, hiện có khoảng 100 người dân trong 7 thôn thuộc Khánh Hà đã được truyền dạy hát trống quân, trong đó có 45 thành viên thường xuyên tham gia sinh hoạt trong đội văn nghệ và tham gia biểu diễn dịp hội làng, lễ tết... Đặc biệt, gần đây CLB vinh dự có 6 người được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian trong đó có 5 người còn sống.

Bước qua thời điểm khó khăn, giờ đây trống quân Khánh Hà đã ít nhiều được xa gần biết tới, lớp trẻ cũng không vì những phù phiếm đời sống thường nhật mà lãng quên điệu hát. Song bên cạnh niềm vui đó, ông Tươi và những thành viên trong CLB vẫn không giấu nổi ưu tư. Ông Tươi cho biết, hiện khó khăn lớn nhất mà CLB phải đối mặt là lớp trẻ lớn lên, họ lập gia đình nên thường bỏ hát. Đáng lo hơn cả, CLB chỉ tìm được các kép nữ, không tìm được kép nam. Các nghệ nhân phần nhiều tuổi đã cao như cụ Nguyễn Thị Vẫy (80 tuổi), Nguyễn Văn Bôn (80 tuổi), Lê Văn Trường (gần 70 tuổi), Nguyễn Thị Lơ (82 tuổi) và Nguyễn Thị Điệp (66 tuổi)… nên công tác lưu giữ và truyền dạy điệu hát càng trở nên cấp bách hơn.

Đối mặt nhiều khó khăn là vậy nhưng không vì thế mà trống quân Khánh Hà lơi nhịp. Minh chứng dễ thấy là CLB thường xuyên giành các giải thưởng cao tại các hội diễn dân ca, dân vũ, hội diễn văn nghệ không chuyên… Trao đổi thêm về CLB, ông Nguyễn Đại Tình – Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Khánh Hà cho biết: Địa phương rất quan tâm đến loại hình văn hóa văn nghệ này. Nếu như trước kia việc lưu giữ và truyền dạy hát trống quân chỉ là phong trào tự phát thì nay đã được chú trọng quan tâm và khôi phục bài bản hơn. CLB trống quân hoạt động tích cực đã giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về giá trị văn hóa văn nghệ của quê hương, góp phần lưu giữ nét văn hóa truyền thống đặc sắc của Khánh Hà.

Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này