Tiềm ẩn nguy cơ cháy nhà xưởng, kho bãi: Nhiều chủ cơ sở vẫn thờ ơ

10:01 | 29/08/2017
Trên địa bàn TP Hà Nội có hàng nghìn khu nhà xưởng, kho bãi đang hoạt động nhưng phần lớn không đạt yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Do đó, nguy cơ hỏa hoạn gây thiệt hại nghiêm trọng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Và vụ cháy kho hàng tại Cảng Hà Nội diễn ra vào sáng 28/8, một lần nữa báo động tình trạng “cẩu thả” trong việc tuân thủ về PCCC của các chủ xưởng, chủ nhà kho, thậm chí tại các khu công nghiệp.
nhieu chu co so van tho o Tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ
nhieu chu co so van tho o Tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ

Kho bãi chứa nhiều “mồi ngon” của lửa…

Khoảng 8 giờ 45 phút ngày 28/8, lửa đột nhiên bùng phát tại kho D trong Cảng Hà Nội. Kho hàng của Công ty Cổ phần kho bãi và Giao nhận T&C, khu vực xảy ra cháy có diện tích hàng trăm mét vuông. Các nhân viên kho hàng tập trung dập lửa nhưng bất thành đã nhanh chóng điện thoại xin chi viện từ lực lượng cứu hỏa chuyên nghiệp.

nhieu chu co so van tho o
Hiện trường vụ cháy xảy ra ở Cảng Hà Nội sáng ngày 28/8/2017. Ảnh: NC

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Phòng Cảnh sát PCCC số 1 (Cảnh sát PCCC TP Hà Nội), đơn vị phụ trách địa bàn quận Hai Bà Trưng và Hoàn Kiếm đã điều động xe cứu hỏa cùng lực lượng cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường triển khai phương án dập lửa, cứu hộ, cứu nạn, chống cháy lan. Lực lượng công an sở tại cũng có mặt làm nhiệm vụ bảo vệ hiện trường, tài sản, đồng thời phân luồng hỗ trợ lực lượng cứu hỏa làm nhiệm vụ.

Tại hiện trường, phóng viên ghi nhận có khoảng 20 xe cứu hỏa chuyên dụng tham gia chữa cháy. Do trong kho có chứa rất nhiều hàng hóa là “mồi ngon” của lửa nên đám cháy được dự báo có nhiều khả năng diễn biến phức tạp. Thêm nữa, nhà kho có tường gạch dày, mái tôn rất kín nên khói lửa bị “nhốt” trong kho đang bùng phát rất mạnh và đặc quánh. Lực lượng chữa cháy phải sử dụng xe máy xúc để phá tường gạch, tìm cách tiếp cận đám cháy.

Theo Trung Tá Phạm Trung Hiếu – Trưởng phòng Cảnh sát PC&CC số 1 cho biết, lực lượng chữa cháy chỉ tiếp cận được một mặt ở phía nhà kho, còn một mặt do tiếp giáp với khu nhà dân nên gặp rất nhiều khó khăn. Nhờ sợ hợp tác rất tốt của các lực lượng tại chỗ, sau gần 1 giờ, đám cháy cơ bản được xử lý, không để lửa lan sang các kho hàng bên cạnh. Rất may không có thiệt hại về người, tuy nhiên, hầu như toàn bộ hàng hóa ở bên trong xưởng đã bị thiêu rụi.

Ông Trần Văn Song – Nhân viên bảo vệ công ty cho biết, ngay sau khi nghe thấy tiếng nổ lớn ở trong xưởng, anh em công nhân đã sử dụng các thiết bị PCCC tại chỗ để dập lửa, nhưng do khối lượng hàng hóa quá lớn, mà đa số lại là những vật liệu dễ cháy như: Các thiết bị điện tử, máy móc, thiết bị, bình nhựa để đóng nước tinh khiết, thùng sơn, phích nước, bóng đèn, giấy… nên ngọn lửa lan rất nhanh. “May mắn là lực lượng cảnh sát PCCC đóng ngay gần đây nên đã kịp thời có mặt để ngăn không cho đám cháy lan rộng ra các kho xưởng xung quanh” – ông Song bày tỏ.

… nhưng sơ sài, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ

Ghi nhận của phóng viên, tại khu vực Cảng Hà Nội tập trung rất nhiều nhà xưởng, nhà kho có diện tích từ vài trăm đến hàng nghìn mét vuông. Hầu hết những nhà xưởng, nhà kho này được làm bằng khung thép, mái tôn xen lẫn khu dân cư để làm nơi lưu giữ, trung chuyển hàng hóa… tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.

Đặc biệt ở một số nhà kho, nhà xưởng được xây dựng với kết cấu gạch rất dày, nếu xảy ra cháy, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn để tiếp cận và xử lý ở bên trong. Anh Hoàng Văn Vinh – Công nhân làm việc ở Cảng Hà Nội cho biết, hàng ngày có hàng trăm tấn hàng được tập kết ở đây sau đó vận chuyển đi khắp nơi. Hàng hóa hầu hết là các loại vật liệu dễ cháy như sơn, giấy, nhựa,... thậm chí có cả các loại hóa chất. Tuy nhiên, công tác PCCC vẫn chưa được chú trọng.

Tại một số quận huyện trên địa bàn TP Hà Nội tập trung nhiều nhà xưởng, nhà kho như quận Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, huyện Hoài Đức…, theo ghi nhận, công tác PCCC cũng chưa đạt yêu cầu. Điển hình là tại làng nghề sản xuất bánh kẹo La Phù (huyện Hoài Đức) và cụm sản xuất làng nghề tập trung xã Tân Triều (huyện Thanh Trì), tại đây hoạt động mua bán rất nhộn nhịp. Theo quan sát, phần lớn các nhà xưởng, nhà kho ở đây đều được làm bằng khung thép, mái tôn, bao bọc xung quanh.

Trong các xưởng sản xuất, kho chứa hàng có rất nhiều đồ dễ cháy như giấy, xốp, bao tải nhựa… Tuy nhiên, phần lớn các nhà xưởng, nhà kho ở đây không có hệ thống báo cháy. Ngoài ra, các nhà kho, nhà xưởng vẫn được xây dựng theo kiểu chuồng cọp, một lối thoát duy nhất. Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường cho biết, về việc PCCC trên địa bàn và đặc biệt là tại làng nghề tập trung xã Tân Triều, chính quyền luôn phối hợp tốt với đơn vị PCCC để kiểm tra. Cơ sở nào không đáp ứng đều bị lập biên bản.

Tuy nhiên, theo Đại tá Nguyễn Trường Sơn – Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 2 (Cảnh sát PCCC TP Hà Nội), tùy theo tính chất hàng hóa, mức độ, quy mô của cơ sở mà cảnh sát PCCC xây dưng kế hoạch kiểm tra. Khi thực hiện kế hoạch kiểm tra về PCCC ở các xưởng sản xuất, theo quy định đều phải báo trước cho chủ cơ sở 3 – 4 ngày. Khi kiểm tra, những chủ xưởng, chủ kho có thể đảm bảo nhưng sau đó họ lại tiếp tục vi phạm như việc sắp xếp hàng hóa trong nhà xưởng, hàng hóa lấn chiếm lối thoát nạn, vi phạm khoảng cách PCCC, cản trở giao thông chữa cháy… Nếu khi kiểm tra chủ cơ sở có vi phạm thì cũng chỉ lập biên bản xử phạt hành chính, với mức xử phạt hiện nay tối đa mới chỉ có 80 triệu đồng. Như vậy, rõ ràng việc thực hiện đúng các quy định về PCCC phải do ý thức chấp hành của các cơ sở.

Đại tá Nguyễn Trường Sơn cho hay, hầu hết các nhà xưởng trên địa bàn Thành phố đều thiết kế theo kiểu bịt kín chỉ duy nhất một lối thoát là cửa chính. Khi xảy ra cháy người bên trong không có lối thoát hiểm, còn lực lượng chức năng muốn vào ứng cứu cũng gặp rất nhiều khó khăn… Để đảm bảo an toàn PCCC và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra, Đại tá Sơn khuyến cáo chủ cơ sở, doanh nghiệp cần ý thức cao và làm tốt các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC như trong quá trình xây dựng phải đảm bảo cho việc thoát hiểm khi có sự cố như cháy nổ xảy ra; các nhà kho, nhà xưởng cần phải có hai lối thoát nạn. Thậm chí, càng nhiều lối thoát càng tốt.

Bên cạnh đó, cũng phải thường xuyên giám sát nhắc nhở cán bộ công nhân viên thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về PCCC. Nghiêm cấm các hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt (thắp hương thờ cúng, hút thuốc, hóa vàng…) trong các nhà xưởng, kho hàng.

Nguyễn Công

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này