Doanh nghiệp vận tải dần ổn định kinh doanh sau điều chuyển

08:37 | 18/08/2017
Thời gian qua, việc sắp xếp lại luồng tuyến các bến xe khách liên tỉnh đã khiến các doanh nghiệp vận tải gặp không ít khó khăn. Nhưng nhờ sự hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa của các đơn vị chức năng, các doanh nghiệp trong diện điều chuyển đã dần ổn định kinh doanh.
doanh nghiep van tai dan on dinh kinh doanh sau dieu chuyen Hết thời “cò” vé, “chặt chém”!
doanh nghiep van tai dan on dinh kinh doanh sau dieu chuyen Các xe có cùng lộ trình: Nghiên cứu điều về một bến
doanh nghiep van tai dan on dinh kinh doanh sau dieu chuyen Tạm đình chỉ hoạt động 138 doanh nghiệp vận tải
doanh nghiep van tai dan on dinh kinh doanh sau dieu chuyen Hà Nội: Chuẩn bị đủ phương tiện phục vụ hành khách đi lại dịp 2-9
doanh nghiep van tai dan on dinh kinh doanh sau dieu chuyen
Các xe khách trong diện điều chuyển dần ổn định kinh doanh. Ảnh: Thành Nam

Kết thúc đợt điều chuyển lớn nhất

Ngày 20/7 vừa qua, 53 nốt xe khách liên tỉnh tuyến Mỹ Đình - Ninh Bình đã được phân bổ về 2 bến xe: Giáp Bát, Yên Nghĩa, kết thúc đợt sắp xếp luồng tuyến lớn nhất trên địa bàn Hà Nội. Dù còn gặp khó khăn nhưng các doanh nghiệp vận tải đang dần ổn định kinh doanh.

Được sự đồng thuận của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và UBND TP. Hà Nội, từ ngày 2/1, Sở GTVT Hà Nội đã tiến hành điều chỉnh 691 nốt xe khách liên tỉnh với 20.396 chuyến/tháng (trung bình 680 chuyến/ngày), tập trung chủ yếu vào 3 bến xe lớn: Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm. Dù kéo dài đến ngày 20/7 mới chính thức hoàn tất nhưng trên thực tế, hơn 90% lượng xe khách đã được điều chỉnh ngay trong giai đoạn đầu tiên.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nhìn nhận, sau khi điều chuyển luồng tuyến xe khách liên tỉnh, tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông trên tuyến đường Vành đai 3, khu vực bến xe Mỹ Đình đã tốt hơn, ùn tắc giao thông trên cung đường này đã giảm hẳn. Đa phần các doanh nghiệp vận tải đều chấp hành điều chuyển; đặc biệt là người dân đã rất đồng tình, ủng hộ chủ trương này.

Các bến xe: Nước Ngầm, Giáp Bát, Yên Nghĩa, Gia Lâm đã làm tốt công tác tiếp nhận xe mới, xây dựng biểu đồ, kế hoạch phục vụ, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu vừa qua.

“Cũng phải thừa nhận, thời gian đầu thực hiện điều chuyển, một số doanh nghiệp đã gặp không ít khó khăn do phải thay đổi phương án kinh doanh; lượng khách sụt giảm, gây nên tâm lý lo lắng; thậm chí có thời điểm một số doanh nghiệp đã phản ứng khá gay gắt với Sở cũng như Thành phố”, ông Vũ Văn Viện cho hay.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, Sở đã đề nghị Tổng Công ty vận tải Hà Nội điều chỉnh, tăng cường các tuyến buýt bến nối bến, kết nối các khu vực trung tâm Thành phố với Bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát để tạo thuận lợi cho người dân đi lại, thu hút hành khách cho xe khách liên tỉnh; chỉ đạo các bến xe có cơ chế miễn, giảm giá dịch vụ bến cho doanh nghiệp thuộc diện điều chuyển trong thời gian đầu…

Trưởng phòng Quản lý vận tải Sở GTVT Đào Việt Long khẳng định: “Sau hơn 6 tháng tập trung sắp xếp, hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải, đến thời điểm này, Sở GTVT đã phối hợp với Công an Thành phố và các đơn vị có liên quan hoàn tất việc điều chuyển luồng tuyến xe khách tại các bến xe trên địa bàn Thành phố”.

Tuy tình hình đến nay đã ổn định, song ông Long cho rằng, khá nhiều doanh nghiệp vẫn còn lo lắng về tình trạng xe “dù”, bến “cóc”, xe hợp đồng “trá hình” Limousine hoạt động mạnh mẽ, cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp.

Về vấn đề này, Sở GTVT Hà Nội đang tiếp tục chỉ đạo Thanh tra GTVT phối hợp với Công an Thành phố và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra xử lý. Đặc biệt là tại khu vực Bến xe Mỹ Đình, dọc đường Vành đai 3 đến Bến xe Nước Ngầm và Giáp Bát. Sở cũng đã kiến nghị Thành phố cho lắp đặt camera giám sát giao thông tại khu vực trước cửa các Bến xe, nhằm nâng cao hiệu quả kiểm tra, xử lý vi phạm. Dự kiến, trong tháng 8 sẽ đưa vào khai thác hệ thống camera tại khu vực bến xe Giáp Bát, đường Giải Phóng, Kim Đồng.

Tiếp tục sắp xếp luồng tuyến xe khách hợp lý

Về chủ trương sắp xếp các tuyến xe cùng tỉnh về một bến, vị đại diện Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP. Hà Nội tiếp tục rà soát để bố trí hợp lý các tuyến thuộc diện điều chuyển về 2 bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm.

Hiện bến xe Giáp Bát có 1.166 chuyến/ngày (trong đó tuyến đi Nam Định có 281 chuyến/ngày; tuyến đi Thái Bình có 137 chuyến/ngày). Bến xe Nước Ngầm có tổng số 824 chuyến/ngày (trong đó tuyến đi Nam Định có 170 chuyến/ngày; tuyến đi Thái Bình có 167 chuyến/ngày).

Ông Đào Việt Long cho biết, nếu tập trung một tỉnh vào cùng một bến xe thì tổng số chuyến/ngày của 2 tỉnh sẽ rất lớn: Nam Định có 451 chuyến/ngày, Thái Bình có 304 chuyến/ngày. Việc sắp xếp biểu đồ hoạt động tại cùng một bến xe sẽ gặp rất nhiều khó khăn do tần suất hoạt động trên một số tuyến ở mức rất cao. Thời gian giãn cách chạy xe chỉ còn 5 phút/chuyến, các đơn vị sẽ không có đủ thời gian xếp khách và thực hiện các thủ tục trước khi cho xe xuất bến, chưa kể sẽ xuất hiện hiện tượng phóng nhanh, vượt ẩu tranh giành khách trên đường gây mất trật tự an toàn giao thông trên tuyến.

Do đó, có thể tái cơ cấu lại mạng lưới tuyến giữa Bến xe Giáp Bát với Bến xe Nước Ngầm để bảo đảm cạnh tranh công bằng, công khai, minh bạch, đặc biệt là với các tuyến đi: Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Thái Bình.

Hiện UBND Thành phố cũng đã chỉ đạo Sở GTVT thực hiện và đến thời điểm này, các tuyến Hà Nội đi: Hà Nam, Ninh Bình đã được sắp xếp về cùng bến xe Giáp Bát. Một phần tuyến Ninh Bình còn lại, sau khi có chấp thuận của Bộ GTVT cũng sẽ được sắp xếp về Bến xe Giáp Bát.

Đối với tuyến Hà Nội-Thanh Hóa, theo ý kiến của UBND tỉnh Thanh Hoá, đã được UBND Thành phố thống nhất, Sở đã đề xuất giữ ổn định, không điều chuyển tất cả về Giáp Bát.

Theo Thành Nam/Báo điện tử Chính phủ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này