Thế là xong ư!

09:50 | 11/08/2017
Chú thấy ngộ độc có nguy hiểm không? Bác hỏi lạ, ngộ độc mà không nguy hiểm thì ai gọi là “độc”. Bác lại định nói về mấy cái vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại mấy cái nhà máy, xí nghiệp chứ gì?
the la xong u Đáng lo thay!
the la xong u Vẫn chung chung lắm!
the la xong u Cái tóm lại hay!

- Mấy vụ đấy nói mãi rồi. Tớ và chú chả có lần đề nghị phải xử nghiêm thế nào chứ, ai lại tháng trước bị ngộ độc mà tháng sau lại ngộ độc. Tìm hiểu mới biết vẫn “mối” cung cấp suất ăn ấy. Vậy không “ngộ” mới lạ.

- Vậy bác nói “ngộ độc” gì?

- À, chả là tớ vừa đọc báo, thấy cái ý kiến hay “ngộ độc quyền lực”.

- Ái dà, vấn đề lớn rồi đây. Nghe bác nói rất chi là “quyền lực” nhé.

- Tớ không đùa đâu. Ví như chuyện ông giám đốc sở “uýnh” lái xe do đi nhầm đường có coi là “ngộ độc quyền lực” cũng chí lý lắm.

-Bác thật khéo vào chuyện. Mà em công nhận thời gian vừa rồi liên tiếp xảy ra những vụ lãng sẹc, ở khía cạnh nào đó, đúng là “ngộ độc quyền lực” thật.

-Rõ quá còn gì. Này nhé, vụ chị phó chủ tịch quận cho phép mình để xe đâu thì để; vị trung tướng về hưu, sai đúng thế nào chả biết, chỉ tay quát tháo, lăng mạ CSGT; rồi lại chị phó chủ tịch phường vô cảm trong câu chuyện xin giấy khai tử…Tất cả những vụ này, đúng là có nói “ngộ độc quyền lực” chả sai tẹo nào.

-Đó là những người này tự cho mình cái quyền đứng trên công dân nên mới thành “ngộ độc”, chứ theo em dù là quan chức cấp cao thế nào cũng là một công dân, là công dân thì phải chấp hành pháp luật.

- Pháp luật đã đành, còn phải tuân thủ phép văn hóa ứng xử tối thiểu của một con người. Chứ cứ như mấy vụ vừa rồi thì thật đáng lo ngại về một bộ phận cán bộ có chút chức quyền.

-Đúng thế bác ạ. Đằng sau những hành động này, có thể gọi là “bội thực quyền lực” hoặc “tha hóa về quyền lực”. Nếu không kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm mà cứ “đúng quy trình” rồi “rút kinh nghiệm” thì em e rằng công dân sẽ mất niềm tin vào cán bộ.

-Mà mất niềm tin là mất tất cả. Nguy hiểm lắm.

-Điều này thì rõ quá rồi. Gần đây là vụ “viết xác nhận lý lịch” tại một xã ở HD cũng “nổi đình, nổi đám” lắm.

-Xác nhận gì hả bác?

-Chú chưa biết thật à. Vậy thì “nể” chú quá. Ầm ầm lên thế. Có mấy chữ thôi mà có thể vùi dập cả một đời người. Đúng là điển hình của sự “vô cảm” và “tha hóa quyền lực”.

-Mấy ông “quan xã cũng oai lắm”, dưng nghe bác nói thế liệu có “nâng quan điểm” quá không?

-Chả nâng tẹo nào. Này nhé, tớ hỏi nếu con chú ra xã, phường xin xác nhận lý lịch để xin việc, xin học, “ông xã” lại phê: Bản thân và gia đình không chấp hành quy định của xã… chú thấy thế nào?

-Thế thì gay to bác ạ. Mấy chữ ấy mà “sùy” ra thì chả cứ không xin được việc mà làm gì cũng chẳng lọt. Bởi góc nhìn một con người của mình qua cái lý lịch vẫn nặng nề lắm.

- Chưa hết đâu, mới đây nhất một học sinh ở xã DH (HN) đến UBND xã xin xác nhận hồ sơ nhập học cũng bị ông chủ tịch xã xác nhận tương tự như ở HD.

- Dưng vì sao “ông xã” lại phê thế hả bác.

-Cũng chỉ bởi cái nghèo…

-Bác nói sao em không hiểu.

-Cái quy định của xã là các hộ gia đình phải nộp tiền để làm đường... Chưa có tiền đóng, vì vậy mà “không thực hiện quy định của xã”.

-Vô lý thật, ngay cái quy định này đã là vô lý. Làm đường có “xã hội hóa” thì cũng phải tùy trường hợp. Dân nghèo tiền ăn chưa đủ lại è cổ nộp trăm thứ phí như thế thì bao giờ đời sống mới khá được.

-Thế mới thành chuyện.

-Vậy vụ này giải quyết thế nào rồi bác?

-Cái ông “xác nhận” ở HD nói đây vốn là chuyện nhỏ, do cái nhà xin “xác nhận” đưa lên mạng xã hội mới trở thành to.

-Vậy là hòa cả làng à?

-Không. Chuyện to rồi thì xã nhận sai, sai thì xã sẽ xác nhận lại.

-Thế là xong ư!

Thiện Tâm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này