Người dân cần chủ động phòng tránh khi xảy ra cháy, nổ

12:50 | 01/08/2017
Thời gian qua, trên địa bàn Thành phố Hà Nội liên tiếp xảy ra những vụ cháy lớn làm thiệt hại về người và của, gần đây nhất là vụ cháy xảy ra khoảng 11h30 ngày 29/7 tại Hoài Đức khiến 8 người thiệt mạng. 
nguoi dan can chu dong phong tranh khi xay ra chay no Những vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng do hàn xì gây ra
nguoi dan can chu dong phong tranh khi xay ra chay no Lỗi tại quản không chặt
nguoi dan can chu dong phong tranh khi xay ra chay no Hà Nội: Còn 79 công trình vi phạm quy định an toàn cháy nổ

Theo các chuyên gia, nếu có kỹ năng và kiến thức về phòng cháy chữa cháy và kỹ năng thoát nạn thì con số thương vong về người sẽ giảm đi đáng kể. Xung quanh vấn đề này, PV báo LĐTĐ đã có cuộc trao đổi với Trung úy Phạm Quốc Hưng, giảng viên Khoa Cứu nạn - Cứu hộ, Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an).

PV: Thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ cháy lớn trên địa bàn TP Hà Nội, vậy theo ông chúng ta phải làm gì để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản?

nguoi dan can chu dong phong tranh khi xay ra chay no
Trung úy Phạm Quốc Hưng.

Trung úy Phạm Quốc Hưng: Nguy cơ cháy nổ đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh là do các cơ sở này thường được thiết kế rất kín để tránh tiếng ồn, mặt trước tòa nhà hầu như bị che chắn khá kín, điều kiện thông gió gần như không có nên khi xảy ra cháy sẽ gây ra hiện tượng tụ khói, gây khó khăn cho việc thoát hiểm và tổ chức cứu nạn, cứu hộ và chữa cháy của cơ quan chức năng. Hơn nữa, trong các cơ sở sản xuất, nhà xưởng thường sử dụng các vật liệu dễ cháy như mút, xốp, cao su…khi có cháy xảy ra sẽ khiến tốc độ cháy lan rất nhanh, tỏa nhiều khói khí độc, nếu người dân, người lao động không phát hiện sớm và thoát nhanh ra nơi an toàn sẽ nhiễm độc khói và gây tử vong.

Hiện nay, hầu như các cơ sở sản xuất kinh doanh không chú ý đến các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC như: Không đảm bảo lối thoát nạn, không được trang bị phương tiện, thiết bị báo cháy và chữa cháy, không bố trí đèn chiếu sáng sự cố và đèn chỉ dẫn thoát nạn nên không phát hiện được đám cháy sớm, không kịp thời cứu chữa gây cháy lan và cháy lớn. Mặt khác, chủ cơ sở kinh doanh thiếu kiến thức PCCC hoặc không quan tâm đến việc đảm bảo an toàn cho chính cơ sở của họ và khách hàng…

Đối với các khu nhà xưởng có liên quan đến việc hàn xì, cần hết sức cẩn thận bằng cách: Hãy thận trọng, che chắn bằng vật liệu không cháy cho vật liệu dễ cháy. Cần chuẩn bị sẵn phương tiện chữa cháy nếu có sự cố xảy ra. Tuyệt đối không hàn cắt trong khu vực có chứa khí cháy nổ, chỉ làm khi đã sạch hơi khí cháy nổ, thận trọng từng mũi hàn nhỏ để không gây tai họa lớn. Bởi vì, chỉ những mối hàn đơn giản nhưng sự bất cẩn đã gây ra tai họa, những đám cháy lớn làm hàng trăm người chết và bị thương thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng…

Khi xảy ra cháy người dân cần phải làm gì để thoát nạn?

Trung úy Phạm Quốc Hưng: Để chủ động phòng tránh khi xảy ra cháy nổ, trước hết mỗi người phải biết tự bảo vệ mình ở bất cứ đâu bằng cách, tìm hiểu kiến thức cơ bản về phòng cháy chữa cháy và kỹ năng thoát nạn. Khi vào các khu vui chơi hay làm việc trong các xưởng sản xuất cần quan sát các lối thoát nạn. Khi có cháy cần bĩnh tĩnh hô hoán báo động cho mọi người ra cửa chính. Nếu cửa chính bị lửa khói ngăn chặn, hãy tìm lối thoát khác như: ban công, cửa sổ, sân thượng sang nhà bên, hoặc xuống đất bằng thang; tuyệt đối không núp trong phòng nhà vệ sinh. Nếu phải băng qua lửa hãy dùng khăn ướt quấn chặt vào người và thoát ra nhanh nhất có thể. Nếu có khói hãy dùng khăn ướt che kín mũi, miệng và cúi thật thấp men theo tường để theo lối thoát nạn ra ngoài.

Đối với nhà cao tầng, khi phát hiện có cháy cần bình tĩnh suy xét tìm lối thoát nạn sẵn có theo đèn chỉ dẫn “EXIT”, hoặc nghe thông báo qua loa. Khi chạy hãy thông báo cho các phòng lân cận biết có cháy. Nếu phải băng qua lửa khói, khí độc hãy dùng mặt nạ phòng độc, hoặc dùng khăn, áo, chăn ướt trùm lên đầu, lên mặt. Khi di chuyển cần cúi khom theo tường nhà. Khi mở cửa cần đặt tay lên cửa kiểm tra nhiệt độ, khi mở cần tránh mặt, tránh người sang một bên tránh lửa tạt. Nếu nhiệt độ quá cao tuyệt đối không được mở và tìm lối khác. Nếu không thể ra cửa và tìm lối thoát nạn an toàn hãy ra ban công, cửa sổ hô to, dùng đồ vật sáng màu ra hiệu, gọi điện thoại theo số 114, hoặc báo cho người thân. Có thể tìm thang, dây, rèm, ga… nối lại để xuống thấp. Tuyệt đối không nhảy từ tầng nhà quá cao, nếu không có sự hướng dẫn của cứu hộ. Biết cách thoát nạn an toàn bạn có thể cứu được chính mình và mọi người.

Đối với các nhà xưởng sản xuất sắt thép, khi có cháy cần tìm lối thoát nạn gần nhất, sau đó đi men theo tường lối có biển Exit. Tiếp đó bằng mọi cách thoát hiểm một cách nhanh nhất. Lúc này mọi người cũng cần bình tĩnh sử dụng quần áo, hoặc khăn các loại ở chỗ gần nhất thấm nước quấn quanh người, bịt mũi và chạy ra ngoài.

nguoi dan can chu dong phong tranh khi xay ra chay no
Thường xuyên tập huấn, kiểm tra công tác PCCC giảm thiểu thiệt hại khi sự cố xảy ra.

Vậy để đảm bảo an toàn cho người dân các cơ quan chức năng, cơ sở kinh doanh dịch vụ đông người cần phải làm gì?

Trung úy Phạm Quốc Hưng: Các cơ sở kinh doanh trước khi đưa vào hoạt động phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện về PCCC theo quy định tại Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ đó là: Tổ chức cho nhân viên tự tìm hiểu, học tập để có kiến thức, kỹ năng về PCCC và thoát nạn khi có cháy xảy ra; Thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở nhân viên, khách hàng chấp hành quy định về an toàn PCCC; Tổ chức quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt (nơi đun nấu, thờ cúng, đốt vàng mã); lắp đặt và sử dụng an toàn hệ thống điện, thiết bị điện công suất cao (có thiết bị bảo vệ chống quá tải, chập mạch); Chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy tại chỗ; phương án thoát nạn, di chuyển người bị nạn ra nơi an toàn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Về phía cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra hướng dẫn cơ sở khắc phục ngay những thiếu sót. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về PCCC, trường hợp vi phạm nghiêm trọng phải tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn biện pháp, kỹ năng chữa cháy, thoát nạn trước khi lực lượng chuyên nghiệp đến hỗ trợ.

Xin cảm ơn ông!

Theo thống kê của Cảnh sát Phòng Cháy và chữa cháy (PCCC) TP Hà Nội, tính từ đầu năm đến trước vụ cháy xảy ra tại Hoài Đức, trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra 447 vụ cháy, trong đó có 19 vụ cháy lớn, làm 3 người chết, 2 người bị thương, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản ước tính trên 300 tỷ đồng, 5ha rừng... Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do chập điện (248 vụ), sơ xuất khi sử dụng lửa (121 vụ), đốt vàng mã, thắp hương, sự cố kỹ thuật máy móc…Nhằm giảm thiểu các vụ cháy xảy ra, cũng như giúp người dân chủ động phòng tránh khi có hỏa hoạn,

Đỗ Đạt (thực hiện)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này