Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị chưa chốt mức tăng lương tối thiểu

15:48 | 28/07/2017
Sáng nay (28/7) tại Hà Nội, phiên họp thứ hai để thương lượng phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2018 của Hội đồng tiền lương Quốc gia đã diễn ra. Tuy nhiên, sau gần 4 giờ bàn thảo căng thẳng, cuộc họp đã tạm dừng vào lúc 12 giờ theo đề nghị của Tổng LĐLĐVN vì mức đề xuất của các bên còn quá xa so với đề nghị của phía đại diện người lao động.
de nghi chua chot muc tang luong toi thieu Cuộc rượt đuổi giữa lương tối thiểu và mức sống tối thiểu: Chưa có hồi kết
de nghi chua chot muc tang luong toi thieu Lương tối thiểu vùng năm 2018: Phương án nào sẽ được chấp nhận?
de nghi chua chot muc tang luong toi thieu Bộ LĐTBXH lý giải việc tăng lương tối thiểu vùng 2017

Phiên họp sáng nay diễn ra dưới sự chủ trì của ông Doãn Mậu Diệp- Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia. Đại diện cho người lao động, về phía Tổng LĐLĐVN có Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính- Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia. Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cũng tham gia với tư cách là thành viên Hội đồng.

de nghi chua chot muc tang luong toi thieu
Phiên họp thứ hai của Hội đồng tiền lương Quốc gia diễn ra sáng 28/7

Không chấp nhận đề xuất mức tăng 5%

Chia sẻ với báo chí về mức đề xuất tăng lương tối thiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính khẳng định: Việc đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 ở mức 5% như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra là không thể chấp nhận bởi nếu tăng 5% thì coi như không tăng, mà mới chỉ bù trượt giá.

Theo lộ trình tiền lương tối thiểu đáp ứng như cầu sống tối thiểu của người lao động, thì mức tăng lương năm 2018 phải là 13,3% theo như đề xuất của Tổng LĐLĐVN. Còn nếu kéo dài thời gian đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động thì ít nhất năm 2018 phải tăng lương ở mức 10%.

Là thành viên trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia, ông Vũ Quang Thọ- Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐVN) cũng đưa ra nhiều luận cứ để bảo vệ quan điểm cần tăng lương tối thiểu cho người lao động và khẳng định thêm: Tổ chức Công đoàn kỳ vọng mức tăng lương tối thiểu năm 2018 ít nhất phải là 10%.

de nghi chua chot muc tang luong toi thieu
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Mai Đức Chính xin dừng cuộc họp vì không đạt được kỳ vọng ở mức tăng hợp lý cho người lao động

Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Mai Đức Chính nhấn mạnh: Quan trọng là Hội đồng tiền lương Quốc gia phải xác định được thời hạn kết thúc tiền lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu vào thời điểm năm nào. Nếu không, con số đề xuất mức tăng lương vẫn sẽ vênh nhau giữa tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và tổ chức đại diện cho người lao động.

Cũng theo Phó Chủ tịch Mai Đức Chính, các chỉ số kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2017 đều có kết quả tốt hơn năm 2016. Trong kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của công nhân lao động cả nước, bởi vậy, không có lý gì lại tăng lương tối thiểu ở mức 5%, thấp hơn năm 2017. Nếu điều đó xảy, công nhân lao động của chúng tôi không bao giờ chấp nhận.

de nghi chua chot muc tang luong toi thieu
Đúng 12h00 ngày 28/7, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Vũ Quang Thọ- thành viên Hội đồng là người đầu tiên bước ra khỏi cuộc họp

Giữ đúng quan điểm, không đạt được kỳ vọng ở mức tăng hợp lý cho người lao động, vì vậy, tổ chức đại diện cho người lao động quyết định dừng cuộc thương lượng ở phiên thứ hai vào lúc 12 giờ ngày 28/7.

Sẽ cố gắng “chốt” phương án tăng lương vào 7/8

Chia sẻ với báo giới sau khi cuộc họp kết thúc, ông Hoàng Quang Phòng- Phó chủ tịch VCCI, Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia cho biết: Phiên họp thứ hai của Hội đồng tiền lương Quốc gia diễn ra khá cởi mở và mang tính xây dựng cao. 15 thành viên Hội đồng đều có phát biểu, mỗi thành viên đều có luận cứ và có trách nhiệm rất cao đối với sự phát triển của doanh nghiệp và đời sống người lao động.

“Chúng tôi cũng đồng ý với Tổng LĐLĐVN về việc lương tối thiểu chưa đáp ứng, tiệm cận được mức sống tối thiểu và đây là sự cũng đang là sự phấn đấu. Bản thân doanh nghiệp cũng mong muốn, phấn đấu chi trả cao hơn để đảm bảo đời sống người lao động. Tuy nhiên, mức phấn đấu cần có sự điều chỉnh, tái cơ cấu sản xuất, nâng cao năng lực quản trị, cạnh tranh, tăng năng suất lao động... Chỉ khi làm được những điều đó, mới có thể chi trả lương tối thiểu tiệm cận được mức sống tối thiểu”, ông Phòng cho biết.

Về việc chưa tìm được tiếng nói chung với đại diện người lao động trong phương án tăng lương tối thiểu tại phiên họp lần này, đại diện VCCI cho biết thêm: Chúng tôi sẽ xem xét, trao đổi thêm với các thành viên trong Hội đồng, cân nhắc các yếu tố khác và có thể sẽ tiến hành một cuộc khảo sát nhanh để có được nhiều thông tin, đưa ra quyết định phù hợp.

de nghi chua chot muc tang luong toi thieu
Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến - thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia trao đổi quan điểm với Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia Doãn Mậu Diệp

Trao đổi với phóng viên sau khi cuộc họp kết thúc, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia Doãn Mậu Diệp cho biết: Đến nay, khoảng cách giữa hai bên (VCCI và Tổng LĐLĐVN) đã thu hẹp rất nhiều so với phiên họp lần thứ nhất là hơn 8% (lần lượt là 5% và 13,3%). Với thiện chí của cả hai bên, cân nhắc cả lợi ích của Quốc gia, lợi ích của người lao động và khả năng chi trả của doanh nghiệp, các thành viên trong Hội đồng đã đưa ra 2 phương án lần lượt là VCCI 5% và Tổng LĐLĐVN là 8%. Tuy nhiên, do vẫn còn vênh nhau, nên Hội đồng quyết định sẽ cần thêm phiên họp nữa để thương lượng, thống nhất.

“Chủ tịch Hội đồng không quyết bất kỳ phương án nào vì đây là quá trình thương lượng, thỏa thuận giữa hai bên. Quyết định sẽ được đưa ra trên cơ sở bỏ phiếu kín. Tôi tin rằng trong 1 tuần nữa, trước khi diễn ra phiên họp cuối, Tổng LĐLĐVN và VCCI sẽ có tiếp xúc, trao đổi để có được phương án thống nhất, tối ưu hơn trong thời gian tới”, ông Diệp cho biết.

Bước vào phiên họp lần thứ hai, Tổng LĐLĐVN đề xuất mức tăng 13,3% (tăng khoảng 370.000-450.000 đồng). Trong khi đó, VCCI đề xuất không tăng hoặc tăng ở mức dưới 5%. Tuy nhiên, sau khi thảo luận và lắng nghe quan điểm của các bên, đại điện người lao động và chủ sử dụng lao động đều có sự điều chỉnh. Theo đó, phía đại diện chủ sử dụng lao động đề xuất tăng 5%; Tổng LĐLĐVN điều chỉnh xuống 8%. Tuy nhiên, do hai bên còn quá vênh nhau (3%) nên Tổng LĐLĐVN đã đề xuất tạm dừng phiên họp. Dự kiến, sáng 7/8 các bên sẽ họp lại để có thể tìm ra tiếng nói chung.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này