Tái hợp

15:33 | 25/07/2017
Đến với nhau bằng tình yêu – kết hôn – từng sống cuộc sống gia đình vui vẻ và hạnh phúc. Thế rồi, cuộc đời luôn có khúc quanh bắt ngờ. Chia tay – gia đình tan đàn xẻ nghé. Hụt hẫng, đau khổ...
tai hop Quản chồng
tai hop Khi tình yêu đến
tai hop Khánh Thi - Chí Anh tái hợp sau 5 năm

Thời gian cũng phai nhạt mọi buồn đau, mỗi người đều có hướng tìm cho mình một tình yêu mới, một cuộc sống mới. Rồi như trò đùa của số phận, bỗng dưng một ngày những người đàn ông, đàn bà ấy quay về sum họp với nhau. Người ta bảo“Gương vỡ lại lành”.

tai hop
Ảnh minh họa: nguồn Internet

Cảm giác của người yêu lại..

“Vừa mới mẻ lại vừa thân thuộc, gần gũi”. Chị Minh bẽn lẽn kể: “Sau hai năm chung sống, chúng tôi chia tay nhau, mỗi người một ngả, không tin tức, chẳng liên lạc. Con cái chưa có, không có gì ràng buộc nên cũng chỉ như một cuộc tình không thành mà thôi. Tôi cũng có bạn trai nhưng không đi đến đâu.

Lần ra Hà Nội công tác, bất ngờ gặp lại anh ấy ở sân bay. Cảm giác thật khó tả. Hình như anh ấy cũng thế! Lúc đầu, chúng tôi chỉ chuyện trò, hỏi thăm nhau như những người bạn lâu ngày gặp lại. Mấy ngày ở khách sạn, anh ấy thường xuyên gọi điện rồi mời tôi đi ăn, đi café ở những nơi mà ngày xưa chúng tôi từng đến.

…Thế rồi, tôi không muốn xa Hà Nội nữa…Và bây giờ như chị thấy đấy! Căn phòng nhỏ ấm cúng này là tổ ấm của vợ chồng tôi. Tôi và anh ấy đang chuẩn bị đón đứa con đầu lòng…”. Chị đặt nhẹ bàn tay lên cái bụng căng tròn, gương mặt ngời lên niềm hạnh phúc.

Tiễn tôi ra cửa, chị cười bảo: “Chị không biết cái cảm giác yêu lại một người nó thú vị như thế nào đâu! “Tôi không biết nhưng nhìn vào mắt chị, tôi hiểu…

Gương lành nhưng còn vết…

Sự trở về không ngọt ngào, lãng mạn nhưng sự vui sướng của những đứa con khi có cả cha, cả mẹ khiến vợ chồng anh Hải phần nào nguôi quên những tháng ngày sóng gió đã qua.

Ngày ấy, vì làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất, vợ không chia sẻ lại còn chì chiết, hờn trách nên anh sinh ra chán nản, rượu chè bê tha. Kinh tế gia đình sa sút, vợ chồng bất hòa, mâu thuẫn nọ chồng lên khúc mắc kia, khó lòng hòa giải, thế là li hôn. Căn nhà chia đôi, đứa ở với bố, đứa ở với mẹ. Sau cùng, cả hai phải về ở với ông bà ngoại vì bố mẹ đều bận đi làm ăn xa.

Anh rong ruổi kiếm cơ hội làm ăn và chẳng nhớ nổi đã chung đụng với bao nhiêu người đàn bà trong những đêm trường cô đơn, chán nản. Chị không phải là người đàn bà lẳng lơ nhưng không thiếu những người đàn ông thích chị. Và chuyện gì đến cũng đến. Chị có con với người đàn ông từng thề thốt yêu thương, bao bọc chở che cho chị đến hết cuộc đời. Nhưng rồi hắn vội vàng “ xin lỗi tình yêu” khi đứa con chưa tròn 1 tuổi.

Anh khấp khởi trở về làng khi đã có trong tay một số vốn kha khá với quyết tâm làm lại cuộc đời và lo cho hai đứa trẻ. Bất ngờ, anh ngã bệnh.

Biết tin, chị về thăm anh. Họ nhìn nhau và khóc. Con cái van nài…và như còn duyên phận, họ chăm sóc, nương tựa vào nhau trong ngôi nhà xưa cũ. Sức khỏe của anh dần khá lên. Đứa con riêng của chị cũng được anh chấp nhận mang họ và yêu thương nó. Mặc miệng đời chọc phá, dèm pha, hạnh phúc tuy không trọn vẹn, tình cảm cũng đôi ba sứt mẻ nhưng anh chị hiểu hơn ai hết giá trị của gia đình và trân trọng những gì tốt đẹp còn sót lại.

Những mảnh vỡ không dễ hàn gắn…

Quyết lấy nhau bằng được và cũng nhanh chóng đưa nhau ra tòa khi đứa con gái nhỏ mới non 6 tháng tuổi là câu chuyện của vợ chồng cậu em họ tôi. Họ là một minh chứng tiêu biểu cho không ít cặp vợ chồng “ trẻ con”: thích là nhích, chửa thì cưới, chán là bỏ... ở một vùng quê không xa thủ đô là mấy.

Nghề nghiệp không có, kinh nghiệm sống bằng không, hoang tưởng về tình yêu và cuộc sống hôn nhân bởi những bộ phim và tiểu thuyết ngôn tình, cộng thêm sự bao bọc vô điều kiện của mẹ cha khiến cho họ dù thừa tuổi để kí vào tờ giấy đăng kí kết hôn nhưng chưa thực sự trưởng thành. Va vấp và những khó khăn những năm đầu hôn nhân dễ dàng hạ gục họ. Non nớt, cả nể lại một lần nữa đẩy họ vào sai lầm khi vội vã trở về với nhau và sinh thêm một nàng công chúa nữa trước sự thúc ép, hàn gắn của gia đình hai bên.

Tinh cách không hợp, công việc bấp bênh, con cái đau ốm, ý thức trách nhiệm làm cha làm mẹ chưa thông…mâu thuẫn lại nảy sinh. Ràng buộc về pháp luật không có (không đăng kí kết hôn lại), sự ngây thơ, đáng yêu của con trẻ dường như không có ý nghĩa gì đối với bậc cha mẹ không biết yêu ai ngoài chính bản thân mình. Chàng có bồ thì nàng cũng có người nhắn tin hẹn hò.

Con cái quẳng ở nhà cho ông bà chăm. Thương cháu, ông bà lại phải nai lưng, muối mặt vay mượn đầu tư cho “vợ chồng nó” cái cửa hàng, mong con chí thú làm ăn, yên ấm gia đình. Chứng nào tật nấy, khai trương vài bữa vợ chồng lại đánh chửi nhau vì tị nạnh nhau không quét dọn cửa hàng!!!Chồng bỏ đi với đám chúng bạn, vợ hờn dỗi ôm một đứa về nhà ngoại nửa năm chưa thèm về….Coi như xong!

Chỉ tội ông bà nội, xấp xỉ 70 rồi còn phải đêm hôm chăm cháu và ôm một đống nợ. Nhiều lúc xót xa, ông bà cũng chỉ biết ngậm ngùi “Hối hận vì đã gò ép, hàn gắn chúng nó”. Hạnh phúc rạn nứt, có cơ hội hàn gắn thật đáng quý, đáng trân trọng nhưng nó cũng vô cùng mong manh, dễ vỡ nên cần lắm sự nâng niu, gìn giữ.

Trải qua bao mất mát, đổ vỡ, những gia đình “châu về hợp phố” thấu hiểu hơn ai hết sự trả giá cho tình yêu và hạnh phúc. Phải chăng: “Giá của cái nắm tay khi về già là bao giông bão của tuổi trẻ.”!

Nguyệt Hằng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này