Hàng trăm nghìn cử nhân, kỹ sư thất nghiệp:

Lệch chuẩn định hướng ngành, nghề

12:38 | 14/07/2017
Không biết mình học nghề này ra sau này sẽ làm gì, ở đâu, tiếp cận công việc như thế nào? Đó là tình trạng khá phổ biến của phần lớn sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng và trường nghề hiện nay. 
lech chuan dinh huong nganh nghe Bạn thất nghiệp vì bạn muốn thế!
lech chuan dinh huong nganh nghe Số lao động thất nghiệp trình độ Cao đẳng, Đại học giảm mạnh
lech chuan dinh huong nganh nghe Đến năm 2020, sẽ dư thừa hơn 70 nghìn cử nhân sư phạm

Tù mù định hướng

Theo các chuyên gia về lao động - việc làm, việc thiếu sự định hướng nghề nghiệp là nguyên nhân khiến mỗi năm vẫn có hàng trăm ngàn sinh viên tốt nghiệp gia nhập đội ngũ thất nghiệp, gây lãng phí cho gia đình và xã hội.

lech chuan dinh huong nganh nghe
Rất nhiều bạn trẻ tìm đến phiên giao dịch việc làm để ứng tuyển, nhưng tỷ lệ có việc làm không cao.

Bà Đỗ Yến - người đã có gần 20 năm kinh nghiệm thực tiễn về quản trị nguồn nhân lực tại các tập đoàn lớn trong và ngoài nước, hiện là Giám đốc điều hành tại GPO - công ty cung cấp các dịch vụ về nhân sự cho rằng: Hiện nay việc chọn nghề của học sinh đa phần dựa theo tư vấn của bố mẹ, thầy cô.

Nghề nghiệp của bố mẹ ảnh hưởng khá nhiều tới sự tư vấn nghề nghiệp cho con cái, theo kiểu bố mẹ làm nghề gì sẽ định hướng cho con cái học theo; hoặc bố mẹ có quan hệ trước, có chỗ trước, sẽ cho con thế chỗ khi nghỉ hưu. Ngược lại, con cái cũng lười, không chịu vận động, tìm hiểu, không quan tâm đến năng lực, khả năng, ước mơ của mình, ra trường chỉ cần có chỗ làm là được.

Với kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo và tuyển dụng, cung cấp nhân sự, theo bà Đỗ Yến: Công tác định hướng nghề nghiệp, thông tin về việc làm và thị trường lao động cần được tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, bài bản.

Mỗi nghề nghiệp nên được mô phỏng và chia sẻ bởi chính các chuyên gia lâu năm trong nghề, giúp sinh viên có thể mường tượng thực tế về nghề, thậm chí nếu có điều kiện, các em có thể trải nghiệm trong kỳ nghỉ hè để các em khám phá chính bản thân mình. Khi các em đã xác định rõ lộ trình và mục tiêu cuộc đời mình, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa học và làm ắt sẽ thành công.

Bà Đỗ Yến dẫn ra bằng chứng; khảo sát gần đây của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho thấy trong số gần 3.000 sinh viên đã tốt nghiệp được hỏi, có tới 58,2% sinh viên cho biết không biết xin việc ở đâu; 42% không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng; 27% không xin được việc vì ngành học không phù hợp với thị trường; thậm chí có 18% sinh viên không tìm được việc vì nhà tuyển dụng không biết đến ngành đào tạo.

Từng bao nhiêu năm đọc xét hàng chục nghìn hồ sơ xin việc của sinh viên mới tốt nghiệp, bà Yến cho biết: Ngoài điểm yếu “biết rồi khổ lắm nói mãi” của các tân cử nhân là khả năng ngoại ngữ, tin học, thì kỹ năng sử dụng các thiết bị văn phòng cũng rất yếu kém. Khi được nhận vào thử việc, nhiều sinh viên còn lúng túng không biết dùng máy fax, photocopy hay thậm chí là những ứng dụng tin học văn phòng đơn giản.

Và điều này thường gây khó chịu không nhỏ cho nhà tuyển dụng và người sử dụng lao động. Vì thế, họ thường tuyển chọn những người đã có kinh nghiệm để có thể bắt tay ngay vào công việc, đỡ mất thời gian đào tạo hoặc tránh việc đào tạo xong, ứng viên lại nhảy việc.

“Kết quả nghiên cứu cho thấy, một bộ phận lớn sinh viên sau khi đã đi gần hết quá trình đào tạo trong trường đại học, chuẩn bị bước vào môi trường lao động nghề nghiệp thiếu định hướng đầy đủ về nghề nghiệp, mà đây mới là điều cần thiết để xin được việc làm”- bà Đỗ Yến khẳng định.

Hãy theo đuổi ngành, nghề mình thích

PGS.TS Hoàng Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã dẫn ra một câu chuyện thực tế: Tại cuộc tư vấn tuyển sinh gần đây, một phụ huynh chỉ muốn con theo học ngành báo chí, trong khi con thích học ngành Đông phương học. Sau một vòng tìm hiểu, cô con gái quyết định học ngành Quốc tế học, nhưng người mẹ có vẻ không hài lòng.

Từ trường hợp này, thầy Tuấn cho rằng: Phụ huynh nên cố gắng lắng nghe và ủng hộ niềm đam mê, yêu thích của con bởi nếu con có đam mê, yêu thích, chắc chắn sau này sẽ tìm mọi cách để đạt được thành công.

Đồng thuận với quan điểm này, ông Trần Huy Hoàng - Tổng Giám đốc Censtaf dẫn ra thực tế từ nghề tài chính kế toán mà ông đang đào tạo và tuyển dụng: Các nhà tuyển dụng thường không tuyển, hoặc cùng lắm chỉ chọn từ 4-5% sinh viên mới ra trường trong số nhân lực cần tuyển. Nguyên nhân chính là nhiều em không có niềm đam mê, thái độ chuẩn bị bước vào làm việc chưa tốt, đặc biệt là thiếu những kiến thức, kỹ năng mềm để phục vụ cho công việc.

“Mỗi phụ huynh nên cân nhắc, đầu tư cho con cái học sau khi đã học 12 năm, sau đó thêm 3-4 năm học cao đẳng hoặc đại học nữa. Nhưng nếu các con không xác định được nghề nghiệp mình muốn theo đuổi từ những năm đầu tiên, xác định việc học là cho tương lai của mình thì sau này sẽ khó tìm được việc làm ổn định và thành công. Cha mẹ đừng nên ép buộc, cố gắng thổi cho con niềm đam mê, ước muốn đạt được thành công và đồng hành cùng con lập nghiệp. Chắc chắn những người con đó sẽ thành đạt trong xã hội”- ông Hoàng khuyên.

Ngọc Lan

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này