Phát triển các làng nghề truyền thống của Thành phố:

Song hành với bảo vệ môi trường

10:13 | 14/07/2017
Sự phát triển của các làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội có đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, mang lại thu nhập cho người dân. Vì vậy Thành phố đang nỗ lực triển khai các giải pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề hướng đến phát triển bền vững.
song hanh voi bao ve moi truong Gốm sứ Bát Tràng: Từ góc nhìn làng nghề truyền thống
song hanh voi bao ve moi truong Làng hoa Tây Tựu: Thành làng nghề truyền thống

Theo Sở Công Thương TP Hà Nội, hiện trên toàn địa bàn Thành phố có 1.300 làng nghề tiểu thủ công nghiệp được công nhận. Nhiều nghề vẫn giữ nhịp độ phát triển tốt như: Sơn mài, khảm trai, điêu khắc, mộc dân dụng, gỗ mỹ nghệ, thêu, ren, dệt lụa, khăn bông, may, da giày, cơ kim khí, gốm sứ, dát quỳ vàng bạc, chế biến nông sản thực phẩm, nuôi trồng hoa cây cảnh, sinh vật cảnh.

song hanh voi bao ve moi truong

Các sản phẩm của làng nghề ngày càng có uy tín trên thị trường, tạo nhiều việc làm cho người lao động trong và ngoài địa phương. Đơn cử, tại huyện Phú Xuyên hiện vẫn còn nhiều làng nghề nổi tiếng như: Giày da Phú Yên, may mặc Vân Từ, khảm trai Chuyên Mỹ, đồ gỗ Tân Dân, Văn Nhân, cơ khí Đại Thắng... hàng năm các làng nghề của huyện đã giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho hàng nghìn lao động nông thôn.

Những năm qua, Thành phố đã có nhiều biện pháp hỗ trợ các làng nghề như giúp đào tạo nghề, nhân cấy nghề cho lao động nông thôn; chương trình xúc tiến thương mại, tổ chức tham gia các hội chợ thủ công mỹ nghệ trong nước và quốc tế; áp dụng khoa học - công nghệ... đã góp phần quan trọng vào sự lớn mạnh của các làng nghề.

Tuy nhiên, ở một số làng nghề vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế như hạ tầng giao thông, duy trì và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu, đào tạo nghề,… Đặc biệt là vấn nạn ô nhiễm môi trường ở các làng nghề đang ngày càng trở nên báo động. Tại làng nghề sản xuất gốm sứ Bát Tràng, tình trạng ô nhiễm môi trường do khói bụi, khí CO2 diễn ra khá phổ biến. Đường làng ngõ xóm ở đây bao phủ lớp đất nung, bụi gốm sứ. Còn tại huyện Thanh Trì, sự nhếch nhác và tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động tái chế nhựa, thu gom phế thải, lông vũ... của làng Triều Khúc và Yên Xá (xã Tân Triều) đáng báo động.

Toàn bộ nước thải của các cơ sở sản xuất đều xả thẳng ra môi trường khiến hệ thống nước mặt xung quanh làng Triều Khúc bị ô nhiễm nặng. Chất thải ở một số làng nghề chế biến nông sản thuộc các huyện Thạch Thất, Ba Vì, Hoài Đức, Quốc Oai... đã làm tắc nghẽn ao, hồ, kênh, mương, cống rãnh. Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, hơn 1.300 làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội mỗi ngày xả ra môi trường 156.000m3 nước thải. Hầu hết lượng nước thải này không qua bất cứ hệ thống xử lý tập trung nào và có hàm lượng chất ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần...

Trước thực trạng đó, các cấp, các ngành TP Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong đó chú trọng đến các giải pháp khắc phục ô nhiễm làng nghề để hướng đến phát triển bền vững. UBND TP Hà Nội kêu gọi hợp tác đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, trong đó, có xây dựng nhiều công trình xử lý nước thải như: Nhà máy xử lý nước thải tập trung Cầu Ngà, xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức đã đi vào vận hành, với công suất 20.000m3/ngày đêm, góp phần xử lý nước thải của 3 xã có làng nghề trong lưu vực sông Nhuệ gồm: Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế. Ngoài ra, thành phố đã phê duyệt Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng nghề cơ khí, kim khí xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, với công suất 1.000m3/ngày đêm; đang xem xét phê duyệt điều chỉnh công suất Dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Phú Đô từ 84.000m3/ngày đêm lên 98.000m3/ngày đêm, dự kiến quý III-2017 sẽ khởi công…

Chắc chắn với sự quan tâm của Thành phố vấn đề giải bài toán môi trường gắn với phát triển bền vững của các làng nghề trên địa bàn Thủ đô sẽ sớm thành hiện thực.

Hoàng Phúc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này