Xiếc Việt vẫn còn lắm gian nan

12:28 | 11/07/2017
Mới đây, tại Liên hoan xiếc quốc tế Cuba Circuba 2017 diễn ra từ ngày 25/6 - 2/7 tại thủ đô La Habana (Cuba), đoàn Việt Nam với tiết mục nhào lộn trên không mang tên “Cánh chim Việt” đã xuất sắc đoạt giải Mái bạt vàng, giải thưởng cao nhất của cuộc thi.
xiec viet van con lam gian nan Việt Nam đoạt giải Bạc Liên hoan Xiếc quốc tế Golden Circus
xiec viet van con lam gian nan Chân dung hai nghệ sĩ xiếc Việt Nam phá Kỷ lục Guinness thế giới
xiec viet van con lam gian nan Trường Xiếc Việt Nam tổ chức lễ khai giảng năm học mới

Tài năng “Cánh chim Việt”

Tiết mục nhào lộn trên không “Cánh chim Việt” do hai diễn viên trẻ Ngọc Ánh và Thu Thùy - học viên Trường Trung cấp nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam biểu diễn. Hai nghệ sĩ đã chinh phục khán giả Cuba với kỹ thuật điêu luyện, các động tác đẹp mắt nhưng không kém phần khỏe khoắn được thực hiện gọn gàng, chính xác khi xoay vòng liên tục trên không ở tốc độ cao.

Trong hơn 10 lần bước ra sân khấu trình diễn, tiết mục mang đậm màu sắc Việt Nam, từ hình tượng cây tre đến nhạc nền là bài dân ca “Bèo dạt mây trôi” luôn nhận được những tràng pháo tay cổ vũ và những tiếng trầm trồ của khán giả, và đã được ban giám khảo chấm điểm cao nhất trong số các tiết mục dự thi.

Được biết, liên hoan Circuba là liên hoan xiếc thường niên có quy mô lớn thứ 3 thế giới, năm nay quy tụ 34 tiết mục được tuyển chọn từ 16 quốc gia. Đây được coi là điểm giao lưu tầm cỡ thế giới để giới thiệu những tài năng mới của nghệ thuật trình diễn độc đáo này.

xiec viet van con lam gian nan
Tiết mục nhào lộn trên không “Cánh chim Việt”. Ảnh TTXVN

TS Hoàng Minh Khánh, hiệu trưởng Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, trưởng đoàn Việt Nam tại Liên hoan Xiếc quốc tế Cuba nhận định, kỹ thuật của các đội đến từ Cuba và Mexico rất tốt nhưng lại giống nhau về cách thể hiện. Trong khi đó, điều mà Việt Nam làm được chính là việc mang được hồn dân tộc vào trong tiết mục bằng những đạo cụ như ống tre, âm nhạc là bài “Bèo dạt mây trôi” cùng trang phục đậm đà bản sắc dân tộc.

“Kết quả này không mấy bất ngờ vì ngay ở vòng ngoài, tiết mục của Việt Nam đã được BGK đánh giá cao. “Cánh chim Việt” được hai nữ sinh của nhà trường tập luyện hơn một năm nay với sự dàn dựng cầu kỳ, kỹ lưỡng của những người có chuyên môn. Điều làm nên chiến thắng gần như tuyệt đối của tiết mục này đó là sự tổng hòa của các yếu tố: kỹ thuật, nghệ thuật, cấu trúc tiết mục, âm nhạc, trang phục…Hồ Thị Thu Thùy và Nguyễn Ngọc Ánh trình diễn uyển chuyển, đẹp mắt và quan trọng hơn, các em đã thể hiện được tiếng nói Việt Nam trong tiết mục của mình. Đây chính là lý do tiết mục giành được số điểm gần như tuyệt đối ở cả phần kỹ thuật và nghệ thuật, bỏ xa tiết mục về nhì của Cuba về điểm số”, TS Hoàng Minh Khánh chia sẻ.

Cũng theo TS Hoàng Minh Khánh, sau liên hoan, một tập đoàn giải trí ở Anh mời trường đem tiết mục này và vài tiết mục đặc sắc sang biểu diễn vào tháng 3 năm sau trong 6 tháng. Một tập đoàn giải trí Mexico theo lời ông Khánh cuối năm nay sang Việt Nam khảo sát, đề nghị gửi học sinh sang học xiếc.

Khó khăn đủ đường

Mặc dù đã có chỗ đứng nhất định trong làng xiếc thế giới nhưng theo TS Khánh việc đào tạo xiếc ở Việt Nam vẫn còn lắm gian nan. Theo báo cáo về kế hoạch tuyển sinh của Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, năm nay tổng số thí sinh đăng ký dự tuyển là 8.321 thí sinh. Mặc dù con số dự tuyển tương đối cao nhưng số lượng thi sính trúng tuyển rất khiêm tốn là 35 thí sinh. Bởi để theo được môn nghệ thuật này, đòi hỏi thí sinh rất gắt gao về tỉ lệ hình thể cũng như sức khỏe.

Theo TS Hoàng Minh Khánh, vòng thứ nhất sơ tuyển diện mạo, hình thể. Vòng 2 chính thức tuyển sinh, hội đồng tuyển sinh sẽ phải kỹ càng hơn từ việc tuyển tỷ lệ cân đối thân cho tới kết hợp với Bệnh viện Thể thao để khám sức khoẻ tìm các em không có dị tật, bệnh lý, đủ tiêu chuẩn làm diễn viên xiếc. Vòng 3 là tuyển sinh năng khiếu sâu hơn. 35 thí sinh được lựa chọn phải đáp ứng được những yêu cầu đặc biệt của nghề xiếc như tỷ lệ thân, chiều dài của chân, chiều dài của lưng. Tuy vậy, một số em khi vào học không theo được do quá trình đào tạo khắc nghiệt của nghề hoặc do cơ thể phát triển lại không đáp ứng được yêu cầu của một diễn viên xiếc.

Bên cạnh đó, người đứng đầu trường xiếc cũng thừa nhận với đặc thù là ngành nghệ thuật biểu diễn, mặc dù Nhà nước đã miễn giảm 70% học phí đối với học sinh nghệ thuật xiếc, nhưng với đặc thù hầu hết các học sinh trường xiếc chủ yếu là con em ở các vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn vì vậy mỗi tháng phải bỏ ra một khoản tiền từ 1,5 đến 2 triệu đồng cho con theo học xiếc là cả một vấn đề đối với mỗi gia đình. Trường cũng đã trích hỗ trợ tiền ăn tại nhà ăn học sinh, sinh viên của trường theo định mức là 180.000 đồng/tháng cho mỗi học sinh. Thế nhưng năm nào cũng có trường hợp học viên nghỉ vì không đủ điều kiện theo học. Do đó, cũng vì những lý do trên mà số học viên cũng rơi rụng dần trong quá trình đào tạo.

Đặc biệt, nguồn lực giáo viên chuyên ngành xiếc hiện nay quá mỏng khó có thể đáp ứng những tiêu chí, đòi hỏi cao hơn trong công tác tuyển sinh. Trong khi đặc thù của ngành này đào tạo theo hình thức dạy một thầy kèm một trò. Tuy nhiên, từ năm 2017, trường không còn thuộc quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo nữa mà do Tổng cục Dạy nghề Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đảm nhận. Trong khi đó, khối các trường dạy nghề thuộc Tổng cục Dạy nghề đa phần đào tạo theo lớp đông, đại trà. Vì vậy, thầy và trò trường xiếc rất mong nhà nước cũng như Tổng cục Dạy nghề sẽ quan tâm hơn đến đặc thù của nhà trường để làm sao có được một cơ chế và phương pháp đào tạo hợp lý để có thể thu hút và đào tạo được nhiều tài năng trẻ phát triển cho ngành xiếc.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này