Khuyến khích hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp: Nhiều trở ngại sẽ gây chuyển đổi ngược

12:55 | 29/06/2017
Đồng cảm với các hộ kinh doanh, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, dù là một chủ trương đúng đắn nhưng không nên gượng ép mà chỉ nên đưa ra các hình thức hỗ trợ, làm sao để các chủ hộ cảm thấy nếu trở thành doanh nghiệp họ sẽ được lợi hơn rất nhiều so với khi là hộ kinh doanh.
nhieu tro ngai se gay chuyen doi nguoc Thủ tục thành lập doanh nghiệp chỉ trong 2 ngày
nhieu tro ngai se gay chuyen doi nguoc Hạn chế thành lập doanh nghiệp tràn lan
nhieu tro ngai se gay chuyen doi nguoc Để các hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp

Nhiều hộ kinh doanh chưa sẵn sàng

Thực tế cho thấy, nhiều hộ kinh doanh cá thể có doanh thu lớn, sử dụng nhiều lao động đã đủ điều kiện để thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua không ít hộ đã “né” việc này. Lý do được nhiều chủ hộ kinh doanh cá thể đưa ra, đó là việc họ e ngại thủ tục hành chính, “chi phí ngầm” cũng như các cuộc thanh, kiểm tra hằng năm.

nhieu tro ngai se gay chuyen doi nguoc
Đại diện cục thuế Hà Nội khẳng định, DN sẽ nhận được sự hỗ trợ từ phía cơ quan thuế nhiều hơn từ hộ kinh doanh. Ảnh minh họa.

Là người từng chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp, ông Đỗ Hùng Chiêu, Giám đốc Công ty CP sản xuất và dịch vụ thương mại An Huy ở Thường Tín (Hà Nội) cho biết, từ khi thực hiện chuyển đổi, doanh nghiệp của ông gặp khá nhiều thuận lợi trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là ngành nghề, lĩnh vực sơn mài mà doanh nghiệp ông đang kinh doanh. “Sơn mài là mặt hàng liên quan đến xuất khẩu, chỉ khi chuyển đổi thành doanh nghiệp mới đủ tư cách pháp nhân để tiến hành làm các thủ tục thuế và hải quan” - ông Chiêu nói.

Bên cạnh đó, ông Chiêu cũng chia sẻ, ngoài những thuận lợi có được khi chuyển thành doanh nghiệp, vẫn có những khó khăn doanh nghiệp sẽ gặp phải như thuê kế toán trưởng, phải báo cáo hàng chục loại sổ sách khác nhau… Trong khi đó, nếu chỉ là hộ kinh doanh sẽ không cần có những thủ tục và quy trình phức tạp như vậy.

Cùng quan điểm này, bà Hoài Thu – chủ một cơ sở kinh doanh và sản xuất dép nhựa (Hà Đông – Hà Nội) vừa hoàn thiện thủ tục chuyển đổi lên doanh nghiệp cho biết, để thích nghi với “vai trò mới”, công ty đã phải tuyển thêm nhân viên kế toán phụ trách mảng hóa đơn, chứng từ, thuế.... Do nhân sự của công ty chủ yếu là con cháu trong gia đình, phần lớn chỉ tập trung vào khâu sản xuất nên không có đủ trình độ quản lý.

Để đảm bảo thủ tục thuế theo đúng quy định hàng tháng, công ty phải mất thêm một khoản lương cố định cho nhân sự này bởi việc đào tạo nhân sự đã có sẵn ở công ty để gánh vác được công tác này cần phải có thời gian...Bà Thu cũng mong muốn, các quy định, thủ tục về hành chính, thuế... cần đơn giản và không quá khác biệt với những bước mà đơn vị hiện nay đang làm.

Cần phối hợp đồng bộ

Ông Mai Sơn - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết: “Về góc độ cơ quan thuế, tôi cho rằng khi chuyển đổi thành doanh nghiệp, số thuế đóng góp cho ngân sách nhà nước sẽ được minh bạch hơn, doanh nghiệp sẽ nộp thuế trên cơ sở kết quả sản xuất kinh doanh của mình. Bên cạnh đó, khi mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, có cơ hội được tiếp cận các thông tin về thị trường, doanh nghiệp sẽ nhận được sự hỗ trợ từ phía cơ quan thuế nhiều hơn từ hộ kinh doanh.”

Tại Hội thảo “Chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp – thực trạng và các giải pháp hỗ trợ” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vừa qua tại Hà Nội, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng , nhà quản lý không thể dùng mệnh lệnh hành chính để khuyến khích hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, thay vào đó phải khuyến khích động viên bằng đòn bẩy kinh tế, tạo môi trường kinh doanh đơn giản, hợp lý và phù hợp với quy mô và tính chất kinh doanh.

“Điều quan trọng trong chính sách này là khuyến khích, vận động làm sao để các hộ kinh doanh tự thấy được lợi ích khi chuyển đổi thành doanh nghiệp. Khi đã lên doanh nghiệp sẽ không phải thường trực nỗi lo lắng phải đối diện với nhiều nguy cơ về chi phí ngầm, thanh kiểm tra và hàng loạt những thủ tục hành chính rườm rà khác…”, ông Hiếu nêu rõ.

Theo quan điểm của ông Hiếu, chỉ cần Chính phủ ưu tiên triển khai Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ, miễn giảm thuế và thay đổi các thủ tục hành chính, kế toán, kiểm toán… các hộ kinh doanh cá thể thấy có lợi, tự khắc họ sẽ chuyển đổi thành doanh nghiệp mà không cần khuyến khích, hỗ trợ, động viên.

Còn bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI nhìn nhận, những trở ngại về thủ tục hành chính, điều kiện hoạt động kinh doanh không thuận lợi đang là những vướng mắc cơ bản. Thậm chí vì những trở ngại này đã khiến nhiều doanh nghiệp tình nguyện chuyển thành hộ kinh doanh cá thể. Do đó, theo bà Hằng, chỉ nên đưa ra các hình thức hỗ trợ, làm sao để các chủ hộ cảm thấy nếu trở thành doanh nghiệp họ sẽ được lợi hơn rất nhiều so với khi là hộ kinh doanh.

“Nếu hộ kinh doanh cảm thấy không muốn “lớn” thành doanh nghiệp, nhà quản lý cũng không nên ép", bà Hằng nói và cho rằng, những hộ kinh doanh cá thể đang cảm thấy thuận lợi nhất ở mô hình đó họ vẫn có thể tiếp tục làm. Làm sao cả nhà nước và người dân cùng có lợi là mục tiêu quan trọng nhất.

Tuệ Liên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này