Nhà báo Nguyễn Thanh

Bản lĩnh phóng viên chiến trường

11:48 | 21/06/2017
Ra Bắc rồi lại vào Nam, lên rừng và xuống biển, bằng “vũ khí” sắc bén là ngòi bút cùng tinh thần làm việc quên mình, người chiến sỹ, phóng viên chiến trường Nguyễn Thanh năm xưa đã kịp lận lưng cho mình hàng trăm tác phẩm về ký sự chiến tranh với nhiều giải thưởng. Giờ đây, ở cái tuổi ngoài thất thập cổ lai hy, Nhà báo Nguyễn Thanh vẫn không thể quên những câu chuyện một thời làm báo tại chiến trường
tin nhap 20170620101125 Thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, góp phần phát triển KT-XH
tin nhap 20170620101125 Bảo vệ phụ nữ làm nghề báo
tin nhap 20170620101125 ​Báo chí cần chú trọng tạo đồng thuận xã hội

Mối lương duyên bất ngờ

Nhà báo Nguyễn Thanh vốn là Bí thư chi Đoàn, công nhân bậc 3 Liên hiệp Xí nghiệp lắp máy Hà Nội. Năm 1964, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc ông lên đường nhập ngũ với quân hàm Hạ sỹ tại Sư đoàn pháo binh 308. Vốn là thành phần tri thức, ông nhanh chóng được thăng hàm chuẩn úy, Chính trị viên Đại đội 7 và được cử đi học tại Trường Sỹ quan pháo binh 400.

Tuy nhiên, sự nghiệp chàng lính pháo binh của ông nhanh chóng kết thúc một cách nhẹ nhàng như chưa từng xảy ra, chàng lính trẻ Nguyễn Thanh tiếp tục con đường binh nghiệp của mình nhưng với một vai trò mới, nơi ông được phát huy hết khả năng chính trị của mình. Tốt nghiệp khóa học với tấm bằng loại ưu, Nguyễn Thanh được giữ lại nhà trường làm giảng viên khóa bổ túc cán bộ tiểu đoàn, một thời gian sau ông được cử đi học khóa bổ túc ban đêm tại Đại học Biên Phòng. Đến cuối năm 1968, ông được cử đi Khu 4, sau đó tiếp tục được điều chuyển sang báo Quân đội Nhân dân.

tin nhap 20170620101125
Nhà báo Nguyễn Thanh bồi hồi bên tập hồi ký “Ký ức phóng viên chiến trường” của mình.

Và từ đây, Nhà báo Nguyễn Thanh với bút danh Nguyễn Thanh – Bun Thong - Rvua Mai, cùng chiếc ba lô con cóc, bộ máy ảnh Zenit của Nga và cuốn sổ ghi chép nhỏ kính đặc chữ đã theo chân ông rong ruổi khắp các chiến trường. Cùng với những người lính cầm súng đánh địch trên mặt trận quân sự, Nguyễn Thanh đã dùng “vũ khí” của mình là cây bút với cuốn sổ xông pha nơi chiến trường để kịp ghi, thông tin nhanh tới nhân dân về những chiến thắng vẻ vang của quân đội ta từ Chiến dịch Khe Sanh năm 1968; Chiến dịch Trung Lào năm 1970; Chiến dịch Đường 9 -Nam Lào năm 1971; Chiến dịch Cánh đồng Chum -Long Chẹng cuối năm 1971; Chiến dịch Quảng Trị 1972; Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975…

Nhà báo, nhà văn Nguyễn Thanh người đã gắn bó cả thời trai trẻ với lửa đạn chiến trường ấy kể, thời điểm đấy ai cũng vất vả, người chiến sỹ trên mặt trận tuyên truyền lại càng gian khổ, thiếu thốn trăm bề, đặc biệt là khi tác nghiệp ở chiến trường. “Phóng viên ít trong khi chiến trường rộng, quân đội đông, chiến sự diễn ra ác liệt nên phóng viên chúng tôi suốt ngày đi. Cũng vì đi nhiều nên tôi có cơ hội để khai thác nhiều đề tài từ những gương chiến đấu dũng cảm của chiến sỹ, kinh nghiệm đào hầm, tổ chức ăn ở, sinh hoạt, tình hình giữ gìn sức khỏe bộ đội…” - Nhà báo Nguyễn Thanh chia sẻ.

“Hiện thực khốc liệt trên chiến trường như “đập thẳng” vào mắt tôi, nó thôi thúc tôi phải lao ra trận địa để thu vào ống kính, thu vào tầm nhìn những khúc tráng ca của cuộc chiến. Làm sao để truyền tải thông điệp cho bạn đọc ở nhà những nỗi vất vả gian truân của các anh chị em công binh, thanh niên xung phong vừa trú bom vừa gấp rút vá đường cho xe qua, bất kể ngày đêm, nắng mưa. Làm thế nào truyền tải về những chiến công của những anh hùng thầm lặng… ” - Nhà báo tâm sự.

Khó trăm bề vẫn phải vượt qua

Nhà báo chiến trường Nguyễn Thanh cũng chia sẻ, do khó khăn chung lúc đó, nên dù được cử đi chiến trường, người phóng viên cũng không có được thêm bất kỳ chế độ nào. Ngoài 1 kg ruốc theo chế độ cùng bộ giấy tờ đi đường, toàn bộ không gian hành trang trên vai, được ưu tiên nhất cho dăm bộ phim Kodax và chiếc máy ảnh Zenit cũ của Nga. Thiếu thốn đủ bề nên theo Nguyễn Thanh, người phóng viên chiến trường trước hết phải là người giỏi ăn giỏi nói để có thể “xin” được đi nhờ xe, “xin” được ngủ nhờ và thậm chí phải “xin” được ăn…

“Thời điểm đó, thông tin liên lạc không được hiện đại như ngày nay, thậm chí ở chiến trường cũng không có giấy mà viết bản thảo, vì vậy tất cả đều được tôi ghi vắn tắt trong cuốn sổ nhỏ của mình. Chính vì thiếu thốn như vậy đã tôi luyện cho tôi một trí nhớ dẻo dai. Đến nay, tôi vẫn nhớ như in từng bài viết, từng nhân vật, thậm chí từng chi tiết nhỏ trong bài viết của mình” – nhà báo Nguyễn Thanh Tâm sự.

Đến sau này, khi đã bớt khó khăn hơn, thì làm như thế nào để truyền tải thông tin kịp thời về tòa soạn cũng là một vấn đề. Trước hết, người phóng viên chiến trường phải làm quen, thậm chí là quen thân với lính thông tin trong quân khu. Phải làm sao khi đã xong được bản thảo, thì phải nhờ được lính thông tin đọc để ngoài Hà Nội gõ lại. Ngoài ra, việc chuyển ảnh cũng là một vấn đề, máy ảnh Zenit thì chỉ chụp được một thời gian là hỏng, vì vậy những thước phim là tư liệu rất là quý, thậm chí người có thể bị thương nhưng phim tiêu bản thì không được hỏng. “Chúng tôi phải cắt nhỏ từng cuộn phim, bọc cẩn thận trong túi ni lông, sau đó mới quấn quanh vòng nhét vào cát tút để gửi nhờ các đoàn xe vận tải. Cẩn thận là vậy nhưng trong hoàn cảnh chiến tranh, khó tránh khỏi trường hợp tiêu bản bị mất, hỏng, hủy hoặc thất lạc. Lúc này thì cũng chỉ biết than trời” – nhà báo Nguyễn Thanh cho hay.

Càng gian khổ, càng vinh quang

Theo nhà báo Nguyễn Thanh, vinh quang lớn nhất của người làm báo là bài viết được ghi nhận và nhất là được bác Hồ, vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam ghi nhận và chỉ đạo thì không có niềm vui nào được sánh bằng. Theo lời ông kể, vào năm 1968, khi mới bước vào nghề, ông được cử đi chiến dịch Thượng Lào, sau hơn 1 tháng ăn nằm cùng các chiến sỹ, ông đã viết một loạt bài 5 kỳ về bà Hoàng Thị Khảy: Người đón đường chăm sóc thương bình trong một thời gian dài. Bài viết này đã được đăng trên báo Quân đội Nhân dân, sau khi đọc được bài báo này, đích thân bác Hồ đã bút phê vào tờ báo “Báo Quân đội kiểm tra, nếu đúng Bác sẽ tặng huy chương”. Tuy nhiên, Nguyễn Thanh cũng không dấu được nỗi buồn vì tờ báo này cũng với bút phê của Bác sau này đã bị tòa soạn làm thất lạc.

Chia sẻ thêm về những trải nghiệm của phóng viên chiến trường, nhà báo Nguyễn Thanh cho rằng, có ở trên chiến trường mới cảm nhận được sự mong manh giữa sống và chết, dù sự hy sinh nào cũng là đau thương, cũng là đáng quý nhưng ký ức đau buồn nhất của ông là việc tận mắt phải chứng kiến cảnh quân ta bắn nhầm quân mình trong chiến dịch giải phóng Quy Nhơn năm 1975. Theo lời ông kể, vào đêm ngày 31/3/1975, ông theo một mũi tấn công vào Dinh tỉnh trưởng, thời điểm lúc đó là vào rạng sáng, tuy nhiên trước đó do chiến dịch vận động quá nhanh, Dinh Tỉnh trưởng đã được quân ta chiếm được trước đó, sau một thời gian chiến đấu, chỉ đến khi bên trong dùng súng AK bắn ra thì hai bên mới nhận được nhau. Tuy nhiên, đến lúc này, cả hai mũi tiến công đều đã có thương vong (!?).

“Chỉ trong chiến dịch ấy tôi đã chết hụt vài lần, một đêm mà đã chết hụt vài lần. Vậy nếu nhẩm tính một tuần, một tháng thì sẽ suýt chết bao nhiêu lần? Sau này tôi mới hiểu vì sao người Trung đội trưởng ấy không nói suýt chết mà chỉ bảo hôm nay, ta chưa chết”. Câu nói, ánh mắt đầy khắc khoải ấy vẫn ám ảnh tôi đến tận bây giờ, dù sau đêm đó, chưa một lần tôi gặp lại anh” - nhà báo Nguyễn Thanh nhớ lại.

Lặng đi chừng vài phút, nhà báo đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân đi dọc cuộc chiến từ Bắc vào Nam, từ quê hương tới đất bạn Lào, Campuchia để rồi có mặt tại Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 ấy bảo: “Nếu không có lòng say nghề, không dám xông pha vào những nơi ác liệt nhất thì không thể làm được phóng viên chiến trường. Với phóng viên chiến trường, càng gian khổ thì càng vinh quang.”

Trong không khí tưng bừng của cả nước, kỷ niệm 92 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, nhà báo, người chiến sỹ quân đội nhân dân Nguyễn Thanh luôn xông pha trận mạc năm xưa, giờ đã bước vào cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng nhìn dáng vẻ nhanh nhẹn, hoạt bát của ông, chúng tôi hiểu rằng, chính những năm tháng được rèn luyện ở chiến trường đã giúp ông có tinh thần làm việc không biết mệt mỏi. Tác phong của người lính từng kinh qua trận mạc vẫn mãi theo ông đến ngày nay. Đến giờ, mặc dù đã nghỉ hưu nhưng người chiến sĩ này vẫn bị cuốn hút bởi bóng chuyền thi thoảng vẫn ra một vài tác phẩm bút ký của mình.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này