Thúc đẩy việc xử lý nợ xấu

12:28 | 15/06/2017
Theo các chuyên gia kinh tế, cần thiết phải ban hành một nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) để tạo cơ sở pháp lý quan trọng, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, đáp ứng yêu cầu giải quyết cơ bản nợ xấu trong tình hình hiện nay.
thuc day viec xu ly no xau Xử lý nợ xấu nên theo hướng nào?
thuc day viec xu ly no xau Xử lý nợ xấu: Những nút thắt cần tháo gỡ

4 năm xử lý hơn 600 nghìn tỷ đồng nợ xấu

Theo báo cáo của Vụ Pháp chế - Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sau gần 4 năm triển khai thực hiện Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD” và Đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam” (VAMC) ban hành kèm theo Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013, đến nay toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 611,59 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Kết quả xử lý nợ xấu đã góp phần giúp các TCTD mở rộng tín dụng cho nền kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, ngành chiến lược theo định hướng tái cấu trúc nền kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

thuc day viec xu ly no xau

Ngoài ra, VAMC cũng góp phần xử lý nợ xấu. Tính đến cuối năm 2016, VAMC đã cùng với các TCTD xử lý được 50.139 tỷ đồng nợ xấu trong tổng số 245.924 tỷ đồng nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt. Bên cạnh đó, việc xử lý nợ xấu của các TCTD cũng được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua quá trình thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD. Đồng thời, NHNN đã triển khai đồng bộ một số giải pháp phòng ngừa nợ xấu, kiểm soát nâng cao chất lượng tín dụng.

Tuy nhiên, quá trình xử lý nợ xấu đến nay cho thấy còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên là do cơ chế, chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện, chưa bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của các TCTD, quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ còn nhiều bất cập làm hạn chế hiệu quả của việc xử lý nợ xấu...

Tạo cơ chế ưu đãi cho tổ chức tín dụng

Với thực trạng nợ xấu còn ở mức cao, đe dọa tới sự an toàn và ổn định của nền kinh tế, dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang được đưa ra để thảo thảo luận, lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 14.

Để tháo gỡ vướng mắc nói trên, dự thảo nghị quyết tiếp tục quy định về quyền thu giữ tài sản đảm bảo cho các TCTD; đồng thời, áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp tại tòa. Theo các chuyên gia, biện pháp này sẽ đẩy nhanh quá trình thu hồi nợ xấu. Dự thảo nghị quyết cũng khẳng định rõ hơn về quyền bán các khoản nợ xấu theo giá trị thị trường, theo đó, kể cả khi bán thấp hơn, người bán sẽ không phải chịu trách nhiệm nếu thực hiện đúng quy định pháp luật.

Nội dung cơ bản của nghị quyết nhằm xử lý các vướng mắc, bất cập trong quy định pháp luật hiện nay không phù hợp với hoạt động của TCTD hay nói cách khác là quy định hiện hành chưa bảo đảm quyền chủ nợ hợp pháp của TCTD. Theo đó, nghị quyết không tạo ra cơ chế ưu đãi mà chỉ ghi nhận, cho phép TCTD thực hiện quyền chủ nợ hợp pháp, chính đáng, đương nhiên của chủ nợ như TCTD mà pháp luật hiện hành chưa ghi nhận. Nghị quyết không tạo ra bất kỳ đặc quyền hay ưu ái nào cho TCTD. So với các chủ nợ khác trong quan hệ dân sự thông thường, bản chất hoạt động của TCTD có đặc thù là tổ chức trung gian tài chính, theo đó, TCTD huy động tiền từ tổ chức, cá nhân này để cấp tín dụng cho tổ chức, cá nhân khác. Do đó, bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của TCTD cũng chính là bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền tại TCTD chứ không chỉ bảo đảm quyền của TCTD.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng nhấn mạnh: “Trong Dự thảo nghị quyết xử lý nợ xấu, Chính phủ đã nghiên cứu rất kỹ để bảo đảm nghị quyết không có quy định nào có thể tạo điều kiện cho các TCTD hay tổ chức, cá nhân liên quan trục lợi. Các hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.

Phương Linh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này