Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận Tải trả lời chất vấn ĐBQH đoàn Hà Nội:

Giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông

15:09 | 13/06/2017
Ngay sau khi nhận được phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội) về nội dung trách nhiệm để ùn tắc giao thông (UTGT) và nhiều dự án giao thông chậm được triển khai, đưa vào sử dụng tại Kỳ họp thứ Ba Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa vừa có văn bản trả lời đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, với một số nội dung như sau.
giai phap khac phuc un tac giao thong Hà Nội mong muốn có cơ chế đặc thù cho các dự án giao thông
giai phap khac phuc un tac giao thong Hà Nội chọn được "thí sinh" tranh giải chống ùn tắc giao thông

Về trách nhiệm để UTGT, Bộ đã tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành với chính quyền các thành phố trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục UTGT. Công tác giảm UTGT tại các thành phố lớn, đặc biệt là tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã và đang được đẩy mạnh với nhiều giải pháp đồng bộ như: Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án giao thông trọng điểm, triển khai các cửa thu phí không dừng tại các trạm thu phí BOT; đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đường sắt đô thị; đẩy mạnh xã hội hóa xe buýt; chú trọng quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông tĩnh; triển khai xây dựng các tuyến buýt nhanh, đề án cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu trung tâm thành phố, điều tiết giữa các phương thức vận tải... nhằm từng bước giảm thiểu phương tiện cá nhân tham gia giao thông, khắc phục UTGT.

giai phap khac phuc un tac giao thong
Ùn tắc giao thông. Ảnh: vnn

Ngoài ra, Bộ đã và đang phối hợp với 02 thành phố để triển khai: Công tác đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; công tác quy hoạch tuyến vận tải hành khách liên tỉnh bằng xe ô tô trên địa bàn địa phương; tăng cường kiểm soát hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng và chỉ đạo xử lý hiện tượng “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng trá hình; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Thường kỳ thực hiện chế độ giao ban hàng quý với UBND thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để rà soát, đánh giá nội dung công việc phải phối hợp thực hiện và bàn các giải pháp để chống UTGT tại hai thành phố.

Với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đang triển khai thực hiện văn bản số 148/TTg-KTN ngày 27/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ: Xây dựng đề án cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu trung tâm thành phố, đẩy mạnh xã hội hóa xe buýt, điều tiết giữa các phương thức vận tải... để từng bước giảm thiểu phương tiện cá nhân tham gia giao thông, khắc phục UTGT. Đang triển khai quyết liệt chiến dịch “Lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè, kiên quyết xử lý các vi phạm; thực hiện quy hoạch tuyến vận tải hành khách liên tỉnh cố định bằng xe ô tô, triển khai các biện pháp chống UTGT tại các điểm có nguy cơ ùn tắc cao trên địa bàn.

Thành phố Hà Nội đã tổ chức triển khai thí điểm cấp phù hiệu riêng cho xe taxi thuộc địa bàn thành phố để tăng cường công tác quản lý hoạt động xe taxi; đưa tuyến xe buýt ứng dụng điện tử vào hoạt động nhằm mục đích tăng hiệu quả hoạt động của xe buýt và sự tiện lợi cho hành khách; đưa Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông vào hoạt động góp phần quan trọng trong công tác kiểm soát, điều khiển linh hoạt tất cả các nút đèn tín hiệu, triển khai xử phạt vi phạm trật tự, an toàn giao thông qua hình ảnh…

Một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới: Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống UTGT giai đoạn 2017 - 2021. Bộ GTVT đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để xử lý các hành vi vi phạm về tốc độ, về hành trình của chủ xe, lái xe, đặc biệt là đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng và du lịch; cung cấp dữ liệu tổng hợp cho Sở GTVT các địa phương để phục vụ công tác quản lý, điều tiết, chống UTGT trên địa bàn theo yêu cầu đặc thù của địa phương; phối hợp với VOV Giao thông để chia sẻ dữ liệu giữa hai bên.

UBND thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo: Triển khai kế hoạch lập lại trật tự giao thông đô thị; tổ chức quản lý hiệu quả phần vỉa hè, lòng đường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Xây dựng và công bố bản đồ các điểm hay UTGT để tăng cường lực lượng điều tiết, hướng dẫn giao thông; thường xuyên cập nhật, công bố thông tin về phương án phân luồng, điều tiết giao thông và hướng dẫn tham gia giao thông qua các điểm hay UTGT, các đoạn tuyến có công trình xây dựng chiếm dụng lòng, lề đường, bị ngập nước do mưa, triều cường. Xây dựng phần mềm giám sát giao thông trực tuyến, tích hợp dữ liệu giám sát hành trình xe ô tô, toàn bộ camera trong đô thị trên các tuyến đường để quản lý, giám sát, điều hành, cung cấp thông tin vi phạm cho Cảnh sát giao thông để làm căn cứ xử phạt, đồng thời cung cấp thông tin về tình hình giao thông cho người dân thành phố và những người muốn ra, vào thành phố. Tổ chức lại các tuyến xe khách liên tỉnh trong cự ly 80 - 100 km theo mô hình quản lý tuyến xe buýt; tổ chức kết nối với các tuyến xe buýt trong nội thành; tổ chức trông giữ xe tại các đầu bến và các trạm dừng bên ngoài thành phố.

Xây dựng và thực hiện đề án hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân gắn với nâng cao năng lực và chất lượng vận tải công cộng bằng xe buýt; nghiên cứu ban hành quy định giá trông giữ xe theo thời gian trong ngày (tăng dần theo giờ cao điểm) và theo khu vực (tăng dần từ ngoại ô vào trung tâm). Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đường sắt trên cao, tàu điện ngầm và xe buýt nhanh vận chuyển khối lượng lớn (BRT) theo quy hoạch và dự án đã được phê duyệt để sớm đưa vào khai thác, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân…

M.T - A.T

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này