Người làm nên thương hiệu ổi găng Cự Khối

15:53 | 09/06/2017
Không chỉ có công lớn trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu ổi găng Cự Khối mà trong nhiều năm qua, ông Lê Văn An còn tích cực tìm đầu ra ổn định để người dân yên tâm sản xuất, giữ vững thương hiệu, hướng tới một vùng sản xuất an toàn và phát triển bền vững.
nguoi lam nen thuong hieu oi gang cu khoi Thầy giáo mù 51 năm “truyền lửa” guitar
nguoi lam nen thuong hieu oi gang cu khoi Cụ bà 11 năm “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”
nguoi lam nen thuong hieu oi gang cu khoi Làm việc thiện từ “cốc trà đá”

Ông Lê Văn An sinh năm 1957, tại phường Cự Khối, quận Long Biên, Hà Nội. Ngay sau khi xuất ngũ (năm 1991), với trách nhiệm của một đảng viên, ông Lê Văn An đã tích cực tham gia các công tác của địa phương. Năm 2002, ông được bầu làm Chủ tịch Hội nông dân phường Cự Khối cho đến nay.

nguoi lam nen thuong hieu oi gang cu khoi
Ông Lê Văn An mong sớm tìm được đầu ra ổn định cho thương hiệu ổi găng Cự Khối.

Hơn 10 năm làm công việc này, ông An luôn trăn trở làm sao mang được một loại cây phù hợp với thổ nhưỡng của vùng đất bãi ven sông Hồng. Ông An đã đi liên hệ với các nhà khoa học và trực tiếp đi xuống vùng sản xuất giống cây trồng ở Đại học Nông nghiệp để tìm hiểu về các loại cây ăn quả. Cuối cùng, ông mạnh dạn đưa cây ổi găng về trồng ở vườn nhà mình.

Điều đặc biệt là cây ổi găng hầu như cho quả quanh năm với 2 – 3 vụ thu hoạch lớn sẽ giúp người dân có thu đều để tiếp tục tái sản xuất. Qua những vụ thu hoạch đầu tiên cho thấy cây ổi găng đem lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó ông đã vận động người dân chuyển sang trồng ổi. Với đặc tính dễ trồng, sức sống khỏe, cây ổi găng nhanh chóng “bén duyên” và trở thành thứ quả đặc sản, làm đổi thay diện mạo vùng đất bãi này.

Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển cả về diện tích cũng như năng suất đang đặt ra bài toán khó về đầu ra cho sản phẩm. Nhận thấy thương hiệu là tài sản quý giá nhất có ý nghĩa đến sự tồn tại và phát triển của sản phẩm nông nghiệp, nên ông Lê Văn An đã tham mưu cho Đảng ủy, HĐND, UBND phường xây dựng và triển khai kế hoạch duy trì phát triển thương hiệu quả an toàn đã được Sở NN&PTNT Hà Nội cấp giấy chứng nhận.

Mặt khác, ông liên hệ và phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật Thành phố tổ chức thực hiện mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP. Việc cấp thương hiệu đã nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và tạo uy tín với khách hàng đối với sản phẩm quả ổi găng Cự Khối.

Ngoài ra, ông cũng thành lập tổ tiêu thụ rau quả an toàn với 12 người, tổ chức thu mua cho các hộ, trong năm qua tổ tiêu thụ đã thu mua trên 2.500 tấn quả bằng 65% sản lượng quả của toàn phường, không để xảy ra tình trạng sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Phối hợp với Công ty Việt Liên thu mua trên 45 tấn lá ổi trị giá trên 90 triệu đồng để sản xuất chè lá ổi, đây là đặc sản của Cự Khối. Tham gia hội chợ nông nghiệp và Làng nghề Hà Nội để giới thiệu ổi găng Cự Khối.

Đồng thời, để tránh tình trạng được mùa rớt giá, với kinh nghiệm từ các vụ trước, ông An cùng với bà con trồng ổi ở Cự Khối tìm hiểu cách điều chỉnh cho cây ổi ra hoa, kết trái theo ý muốn, bằng cách bấm ngọn, lộc và hoa để cây dưỡng sức, không ra quả chính vụ. Làm như vậy, sản lượng ổi sẽ không chín tập trung một lúc, giá bán cao, dễ tiêu thụ.

Với đặc điểm quả to vừa, khi chín vỏ có màu trắng, ăn giòn và ngọt, hạt mềm, vỏ ổi không bị chát… ổi găng Cự Khối đã có thị trường tiêu thụ khá tốt. Vào chính vụ, giá ổi bán buôn tại vườn dao động từ 6.000 - 7.000 đồng/kg, còn thời điểm trái vụ, giá bán lên tới 15.000 - 20.000 đồng/kg. Hiện nay, thị trường tiêu thụ chủ yếu của ổi găng Cự Khối là các tỉnh phía Bắc như Bắc Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh…

Với những đóng góp của mình cho địa phương, trong nhiều năm liền, ông Lê Văn An đã được tặng nhiều bằng khen của phường, quận, Thành phố và đặc biệt là năm 2012, ông đã vinh dự được nhận bằng khen của Hội Nông dân Việt Nam.

Nguyễn Công

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này