Ghi nhận từ những ngày nắng nóng đỉnh điểm

14:29 | 06/06/2017
Không quản ngại thời tiết nắng như “thiêu, đốt” các PV Lao động Thủ đô đã kịp thời phản ảnh về những sinh hoạt và việc làm thường nhật của các cơ quan, đơn vị của Thành phố cũng như nỗi vất vả của người dân từ hệ lụy của thời tiết.
ghi nhan tu nhung ngay nang nong dinh diem Vật vã chống chọi với nắng nóng ngày hè
ghi nhan tu nhung ngay nang nong dinh diem Yêu cầu bệnh viện tăng cường khám chữa bệnh mùa nắng nóng
ghi nhan tu nhung ngay nang nong dinh diem Thợ điện Thủ đô căng mình trong những ngày nắng nóng

Lực lượng cảnh sát giao thông: Gồng mình dưới “chảo lửa”

Những ngày này, người dân Thủ đô đang sống trong thời tiết nắng nóng đến cùng cực. Rất nhiều người lao động làm việc ngoài trời phải căng mình để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, trong đó phải kể đến những chiến sỹ cảnh sát giao thông (CSGT) đang ngày đêm làm nhiệm vụ trên khắp mọi ngả đường.

ghi nhan tu nhung ngay nang nong dinh diem
Giữa trời nắng CSGT vẫn phải trực điều tiết giao thông.

Khoảng 11h30 ngày 5/6, chúng tôi có mặt tại nút giao thông Phạm Văn Đồng – Hoàng Quốc Việt, hai chiến sỹ thuộc Đội CSGT số 6 – Công an TP Hà Nội vẫn tập trung cao độ để phân luồng, hướng dẫn người tham gia giao thông.

Đây là một trong những nút giao thông phức tạp nhất trong nội thành Hà Nội bởi lượng người và phương tiện giao thông lúc nào cũng trong tình trạng quá tải. Tuyến đường này do có nhiều công trình đang thi công nên lúc nào cũng bụi mù, thêm vào đó là lượng xe ô tô tải qua lại rất nhiều nên lực lượng CSGT làm việc tại đây vô cùng vất vả.

Thượng úy Trần Anh Điệp chia sẻ: “Những ngày này, nhiệt độ cao nhất trên đường phải tới 50 độ, chúng tôi rất vất vả khi làm nhiệm vụ tại đây. Lưu lượng phương tiện đông, đồng thời nắng nóng cũng khiến ai cũng vội vàng nên nhiều người đi xe máy vượt đèn đỏ tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Mỗi kíp trực tại chốt có hai người, vào những lúc không phải giờ cao điểm, chúng tôi cũng phải luân phiên nghỉ để giữ gìn sức khỏe nhưng vẫn phải đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ”.

Tại nút giao thông Phạm Hùng – Khuất Duy Tiến, các chiến sỹ CSGT cũng vô cùng vất vả bởi đây là khu vực không có cây xanh, nắng nóng làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Thượng sỹ Đỗ Văn Khỏe cho biết: Đây là khu vực có nhiều phương tiện lưu thông và rất phức tạp, chúng tôi phải liên tục di chuyển để điều tiết cho các phương tiện ra vào trung tâm Thành phố. Trời nắng nóng, ai cũng muốn về nhà thật nhanh, rất dễ xảy ra tai nạn giao thông. Chính vì thế chúng tôi càng phải có trách nhiệm hơn với công việc. Thời tiết nắng nóng gay gắt như những ngày này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của anh em trong đội. Nhiều chiến sỹ vừa làm nhiệm vụ vừa mang theo chai nước bên mình.

Trao đổi với phóng viên, Thượng úy Trần Ngọc Trung (Đội phó đội CSGT số 6) cho biết: “Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong những ngày nắng nóng, chỉ huy đội đã động viên, yêu cầu các chiến sỹ khắc phục khó khăn duy trì bám chốt 24/24h. Để đảm bảo sức khỏe cho những cán bộ chiến sỹ làm nhiệm vụ tại các chốt giao thông, Đoàn Thanh niên đơn vị hàng ngày mang nước ra cho anh em giải nhiệt. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tăng cường thêm chiến sỹ ra hỗ trợ công việc để đồng đội có thời gian nghỉ ngơi, đảm bảo sức khỏe để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao.

Về phía lãnh đạo phòng CSGT, Đại tá - Trưởng phòng CSGT Hà Nội Đào Vịnh Thắng cũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc cũng như động viên, mang nước cho các đơn vị. Đối với những cán bộ chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ hằng ngày tại các chốt cũng xác định được nhiệm vụ được giao, không ngại khó khăn để hoàn thành tốt công việc”.

Cũng theo Thượng úy Trung, để giảm bớt nỗi vất vả của các chiến sĩ CSGT, điều quan trọng nhất là mỗi người dân cần chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông.

Công nhân ngành điện: Tất cả vì sự an toàn lưới điện

Với phương châm an toàn hệ thống điện, không để xảy ra bất kỳ sự cố nào, nên dẫu ngoài trời có nắng nóng đến 40- 43 độ, thợ điện không chỉ đối mặt với cái nóng của thời tiết mà còn phải hứng chịu sức nóng tỏa ra từ các thiết bị trên cột điện, trạm biến áp, hơi nóng của bê tông phả ra từ mặt đường làm nhiệt độ tăng lên tới 51-52 độ C… anh em thợ điện Thủ đô vẫn vui vẻ với công việc của mình.

ghi nhan tu nhung ngay nang nong dinh diem
Bất chấp nắng nóng gay gắt những người thợ điện Thủ đô đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho người dân.

Anh Bùi Thanh Nguyên – Công ty Điện lực Hoàng Mai (thuộc Tổng Công ty Điện lực TP. Hà Nội) chia sẻ: “Với nhiều người, mùa hè thường gắn liền với những kỳ nghỉ, chuyến du lịch cùng gia đình. Còn với người thợ điện, mùa hè là một “cuộc chiến” với nỗi lo hệ thống điện xảy ra sự cố, mất an toàn vận hành lưới điện do quá tải vì nhu cầu điện luôn tăng cao...".

Nói thêm về những khó khăn, vất vả mà người thợ điện Thủ đô phải đối mặt trong những ngày nắng nóng cũng như mưa bão, anh Nguyễn Văn Thắng - đội quản lý điện 3, Công ty Điện lực Hoàng Mai cho biết, thợ điện là vậy, mưa không biết chạy, nắng chẳng biết trốn đi đâu. Càng những ngày nắng nóng hay mưa bão, anh em thợ điện lại phải làm việc nhiều hơn, thậm chí không có thời gian nghỉ. Hết giờ hành chính lại tiếp tục trực đêm, nếu có sự cố ở đâu là sẵn sàng lên đường ứng phó và sửa chữa để phục vụ người dân đủ điện sinh hoạt…

“Là người làm trong ngành điện, đồng thời là khách hàng sử dụng điện, chúng tôi hiểu nỗi khổ, sự khó chịu của người dân khi mất điện giữa lúc nắng gay gắt. Vì thế, khi có sự cố, anh em thợ điện luôn có mặt kịp thời, nỗ lực làm việc để cấp điện trở lại trong thời gian sớm nhất”, anh Thắng cho hay.

Những ngày nắng nóng đỉnh điểm, nhằm đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định cho phụ tải trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời điểm nắng nóng, đồng thời phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, cũng như các sự kiện văn hóa, chính trị, xã hội trong thời gian tới.

Mới đây, Tổng giám đốc EVN Hà Nội đã yêu cầu các Công ty Điện lực, Công ty Lưới điện Cao thế TP Hà Nội không thực hiện cắt điện cao, trung, hạ thế theo kế hoạch làm gián đoạn cung cấp điện cho khách hàng, gây mất an toàn vận hành cho lưới điện làm giảm độ tin cậy cung cấp điện từ ngày 01/06/2017 đến hết 31/07/2017 (trừ các trường hợp đặc biệt, nguy cơ đe doạ sự cố, mất an toàn đến công tác vận hành trên lưới điện).

Nói về tinh thần làm việc của cán bộ CNVCLĐ ngành điện Thủ đô, đại diện của EVN Hà Nội, trong những ngày nắng nóng này, thợ điện phải làm đủ 100% quân số. Ban ngày thì phơi mình dưới "chảo lửa". Đêm đến, cán bộ CNVCLĐ EVN Hà Nội lại thay nhau kiểm tra từng trạm, nhằm phát hiện dấu hiệu quá tải là lập tức kéo cáp, san tải để người dân có giấc ngủ ngon. Chưa kể nếu nhận được điện thoại báo sự cố, các anh phải thức trắng đêm để khôi phục lưới điện. Mục đích là đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định và vì quyền lợi của khách hàng.

Bệnh viện căng mình chữa trị, người nhà căng mình chống chọi nóng

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, nắng nóng gay gắt khiến lượng bệnh nhi đến khám tại bệnh viện trong mấy ngày gần đây tăng từ 10-15% so với bình thường. Trung bình mỗi ngày, Khoa Khám bệnh của bệnh viện tiếp nhận khoảng từ 3.200 - 3.500 bệnh nhi đến khám, chủ yếu là các bệnh lý sốt vi rút, tiêu chảy, viêm đường hô hấp…

“Để ứng phó với thời tiết nắng nóng, bệnh viện cũng đã tăng cường ghế ngồi, quạt mát, nước uống cho bệnh nhi và người nhà tại các khu chờ khám bệnh và tổ chức đón tiếp từ 5 giờ sáng. Các bác sĩ bắt đầu khám cho bệnh nhi từ 7 giờ sáng”- Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết.

ghi nhan tu nhung ngay nang nong dinh diem
Dù nắng nóng, nhiều bệnh nhân và người nhà vẫn phải đi bệnh viện.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Phó Giám đốc Nguyễn Văn Thường cho biết, lượng bệnh nhi cũng tăng nhẹ từ 5- 7%. Điều đáng lo ngại là có nhiều trẻ phải nhập viện vì sốc nhiệt, viêm đường hô hấp dẫn đến viêm phổi nặng, sốt cao khó hạ thân nhiệt. Nguyên nhân một phần là do trẻ được đưa ra, vào phòng điều hoà liên tục, cơ thể không thích ứng kịp với sự chênh lệch nhiệt độ lớn.

Theo ghi nhận của phóng viên báo Lao động Thủ đô có mặt ở Bệnh viện nhi Trung ương, có rất nhiều phụ huynh ở Hà Nội, và cả các tỉnh ngoài như Bắc Giang, Phú Thọ, Hà Nam, Hưng Yên… đang tụ tập ở hành lang, trước phòng khám chờ đến lượt khám cho con. Chị Thúy Nga (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Nắng nóng nên gia đình tôi sử dụng điều hòa liên tục để chống nóng.

Tuy nhiên việc dùng điều hòa lại khiến cháu bị viêm họng, khó thở, quấy khóc buổi đêm rất nhiều. Do chủ quan nên tôi chỉ mua thuốc ngoài hiệu cho cháu uống, nhưng sau 2 ngày bệnh của cháu càng trầm trọng thêm. Bởi vậy hôm nay tôi phải nghỉ làm đưa cháu đến bệnh viện khám, nhưng xếp hàng gần 2 tiếng đồng hồ mà chưa đến lượt. Vì số lượng các cháu đến khám chữa bệnh rất đông”.

Hay trường hợp chị Nguyễn Thị Thủy (Mỹ Hào - Hưng Yên) đưa con đi khám, vì nắng nóng khiến cháu bị viêm da và chốc lở khắp người. “Bước vào mùa hè, 2 con nhà tôi đều rất hay bị ốm. Cháu nhỏ 2 tuổi thì bị sốt phát ban nhưng uống thuốc đã đỡ. Còn cháu lớn 4,5 tuổi thì bị nổi mụn khắp người nên phải đưa đi viện. Sau khi khám, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị chốc và viêm da. May mắn các bác sĩ kê đơn thuốc cho về nhà điều trị sau đó tái khám, chứ không phải nằm viện”, chị Thủy cho biết.

…Để bảo công tác khám chữa bệnh cho người dân trong những ngày nắng nóng, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản gửi các cơ sở y tế trên địa bàn về việc tăng cường công tác y tế phòng, chống nắng nóng. Theo đó, đối với các bệnh viện trong và ngoài công lập, Sở Y tế yêu cầu chuẩn bị đầy đủ các phương tiện bảo đảm việc chống nóng cho người bệnh đến khám và điều trị tại bệnh viện. Mặt khác, giảm quá tải tại khu vực khám bệnh, khu vực thu viện phí, khám theo lịch hẹn… để hạn chế tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh.

Đặc biệt, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện chú ý nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, không để bệnh nhân nằm ghép. Cần chú ý công tác phân luồng, kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo các bệnh truyền nhiễm trong bệnh viện. Cùng với đó, các bệnh viện tổ chức tập huấn cho nhân viên về các biện pháp cấp cứu, xử lý các trường hợp say nắng và các bệnh dịch thường gặp trong mùa nắng nóng.

Người dân khu đô thị mới khốn khổ vì thiếu nước

Nắng nóng kéo theo cúp điện, thiếu nước làm đảo lộn sinh hoạt của nhiều người dân; đặc biệt tại các khu đô thị mới. Theo tìm hiểu của PV, trong mục “Thông báo ngừng cấp nước” trên trang web của Công ty nước sạch Hà Nội (www. http://hawacom.vn) - đơn vị cung cấp nước sinh hoạt chủ yếu của thành phố, liên tục cập nhật thông báo tạm ngừng cấp nước. Lịch thông báo tạm ngừng cấp nước sạch trong đợt nắng nóng hiện nay khá dày. Thậm chí, hàng loạt phường ở các quận nội thành cũng có lịch tạm ngừng cấp nước.

ghi nhan tu nhung ngay nang nong dinh diem
Bơm nước từ xe bồn vào bể chứa tại tòa nhà VP3, Bán đảo Linh Đàm, Hà Nội.

Vừa chắt nước từ máy điều hòa vào thùng chứa, chị Đào Minh Chính số nhà 10, ngách 219/43 Định Công Thượng, Hoàng Mai, Hà Nội tâm sự, gia đình chị đã mất nước từ 10 ngày nay, theo chị Chính để có nước nấu cơm, gia đình chị phải mua nước bình từ ngoài về, còn sinh hoạt bình thường thì sẽ dùng nước hứng từ điều hòa ra. “Nhà tôi ở trong ngõ tức là cuối đường ống, do nguồn nước cấp thiếu nên nhà nào cũng lo tích trữ, nhiều nhà còn cắm trực tiếp máy bơm vào đường ống để hút nước, nên đến được nhà tôi thì chẳng còn được mấy” – chị Chính cho biết.

Ở ngay gần đó, cư dân tòa nhà VP3, Khu đô thị Linh Đàm cũng phải sống trong tình cảnh “phân phối” nước sạch. Theo lời anh Chính, trưởng tòa nhà cho biết, do nguồn nước của Sông Đà và HUD cấp vào tòa nhà rất yếu nên tổ quản lý đã phải mua nước ngoài, vận chuyển qua xe thùng để bơm vào bể chứa.

Theo cư dân nơi đây phản ánh, từ cuối tháng 4/2017 đến nay tòa nhà VP3 thiếu nước liên tục, phải bơm nước theo giờ. Mỗi ngày bơm 3 lần vào 5h30 -7h; 11h-13h; 18h-20h. Tuy nhiên, lượng nước cung cấp rất hạn chế, không đủ để người dân sử dụng cho những sinh hoạt tối thiểu thường ngày. Sang tháng 6/2017 thì nước mất thường xuyên cả ngày. Cư dân rất bức xúc vì thiếu nước cho những sinh hoạt tối thiểu của hơn 400 hộ dân. Tất cả các gia đình đều đảo lộn cuộc sống do thiếu nước.

Trước tình trạng thiếu nước sạch nghiêm trọng này tại buổi làm việc với chủ đầu tư, ông Nguyễn Quốc Hợp (Giám đốc văn phòng điều hành nhà ở tập đoàn Mường Thanh) cam kết: Từ ngày 3/6/2017, chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm cung cấp nước sạch đầy đủ cho cư dân trong tòa nhà sử dụng (theo điều tiết cấp nước chung của thành phố). Đồng thời trong vòng 1 tháng kể từ ngày 3/6 chủ đầu tư sẽ ký hợp đồng với đơn vị cung cấp nước sạch mới và thi công cải tạo hoàn chỉnh hệ thống cấp nước sạch cho tòa nhà đảm bảo ổn định lâu dài.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục, mặc dù trong năm 2016, công ty nước sạch Hà Nội đã đưa vào vận hành dây chuyền xử lý nước mặt nhà máy nước Bắc Thăng Long 30.000m3/ngđ, tuy nhiên do nguồn nước ngầm và Sông Đà 1 giảm, bên cạnh đó nhu cầu sử dụng nước của người dân cũng tăng nên dự kiến cao điểm mùa hè, lượng nước sẽ thiếu khoảng 70.000 – 100.000m3/ng.

Để đảm bảo cung ứng nước sạch cho người dân, ngay trước khi bước vào cao điểm mùa nóng, Sở Xây dựng đã lên kế hoạch, xây dựng các phương án nhằm bảo đảm cung cấp nước sạch mùa hè 2017 khu vực đô thị thành phố Hà Nội. Cụ thể, bên cạnh việc vận hành đảm bảo lưu lượng nước cao nhất có thể, Sở Xây dựng cũng yêu cầu các đơn vị cấp nước, nghiên cứu, khảo sát vị trí phù hợp để lắp đặt các bồn chứa nước dự trữ tại các khu dân cư đông người (nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng) hoặc những điểm bất lợi, cuối nguồn, cốt địa hình cao… nhằm hồ trợ, giải quyết khó khăn cấp nước cho nhân dân khi có sự cốp nhà máy và mạng lưới cung cấp nước.

H. Huy - Đ.Đạt - M.Khuê - T.Dũng (thực hiện)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này