Phố Khâm Thiên

13:31 | 06/06/2017
Là con phố có chiều dài gần 1,2km kéo từ ngã tư Khâm Thiên - Lê Duẩn đến Ô Chợ Dừa, chạy qua nhiều thôn cũ của huyện Thọ Xương: Tương Thuận, Khâm Đức, Tô Tiền, Trung Tả, Quan Thổ, Xã Đàn; thuộc hai tổng Tiền Nghiêm và Hữu Nghiêm.
pho kham thien “Xóm đường tàu” giữa Hà Nội
pho kham thien Tiếng rao đổi hàng ở Hà Nội

Theo ghi chép, tên gọi phố Khâm Thiên có từ thời kỳ Lý, Trần, Lê thế kỷ XI – XVII, nơi đây có đài Khâm Thiên Giám còn gọi là Tư Thiên Giám – có nhiệm vụ theo dõi thời tiết, thiên văn và ngiên cứu lịch pháp.

Thời Pháp thuộc toàn bộ phố Khâm Thiên thuộc về địa phận tỉnh Hà Đông huyện Hoàng Long. Sự phồn thịnh của Khâm Thiên bắt đầu từ năm 1930 kéo dài đến năm 1945 nhờ hát cô đầu và tiệm nhảy. Việc làm ăn phát đạt đến mức hễ có ngôi nhà nào mới xây lập tức có người đến thuê với giá cao. Những chủ ít vốn không chịu nổi tiền nhà ngày càng tăng buộc phải đi xa hơn, xuống Ngã Tư Sở, đường Tàu Bay, Vạn Thái (phố Bạch Mai)...

pho kham thien
đài tưởng niệm ngày 26/12/1972 trên phố Khâm Thiên

Khâm Thiên thời đó được xem là một nơi ăn chơi bậc nhất trong khu vực. Trên một đoạn phố không đầy 800 m mà có tới 40 nhà hát với trên 200 con hát, thêm 5 tiệm khiêu vũ với khoảng dăm chục gái nhảy và có hai nhà săm cho thuê buồng. Các chủ nhà hát đa phần đều xuất thân từ cô đầu, nhân tình của các quan lại An Nam cao cấp.

Ngày 17/6/1929 tại số nhà 312 phố Khâm Thiên, Hà Nội, đại biểu các tổ chức cộng sản mới được thành lập ở Bắc kỳ đã họp quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Hội nghị thông qua Chính cương, Tuyên ngôn, Điều lệ Đảng và lấy cờ đỏ búa liềm làm cờ của Đảng…

Ngày 9/2/1942 quân và dân Khâm Thiên đã anh dũng chiến đấu chặn đứng quân địch không cho chúng tiến về Ô Chợ Dừa. Sập gụ, tủ chè, sa lông, bàn ghế đều quăng ra đường ngăn chặn quân địch.

Vào hồi 22h15 phút, ngày 26/12/1972, giặc Mỹ đã đem máy bay B52 ném bom rải thảm suốt dọc phố Khâm Thiên làm chết 283 người làm bị thương 266 người, phá hủy hoàn toàn 534 ngôi nhà và hư hỏng 1200 ngôi nhà khác.Trong trận oanh tạc, tại ngôi nhà số 51 phố Khâm Thiên, 7 người sống trong ngôi nhà này không còn ai sống sót. Địa chỉ này sau trở thành một đài tưởng niệm ngày 26/12/1972 với một tấm bia mang dòng chữ “Khâm Thiên khắc sâu căm thù giặc Mỹ” và một bức tượng bằng đồng tạc hình một phụ nữ bế trên tay một đứa trẻ đã chết vì bom Mỹ.

Phố Khâm Thiên ngày nay đã trở thành một trong những tuyến phố thuộc loại sầm uất nhất của quận Đống Đa. Cùng với sự đổi mới của nền kinh tế, năng động và hội nhập, hoạt động kinh doanh trên phố Khâm Thiên trở nên đa dạng biến động theo nhu cầu. Phố Khâm Thiên trở thành đường phố buôn bán sầm uất, được xem như một trung tâm may mặc của Thủ đô.

T.An

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này